Hành trình của người bệnh trở về từ Hàn Quốc
Bệnh nhân khi đó là một nam giới trẻ tuổi, đang lao động tại Hàn Quốc. Anh xuất hiện triệu chứng của suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính do viêm gan B. Sau một thời gian được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Cheongju, Hàn Quốc, tình trạng bệnh không cải thiện, chi phí điều trị lại quá cao, gia đình đã quyết định đưa anh về Việt Nam.
Tại Hà Nội, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại một bệnh viện tuyến trung ương khác nhưng tình trạng ngày càng xấu đi. Sau các hội chẩn chuyên sâu, phương án ghép gan được đưa ra như hy vọng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân. Anh được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng nguy kịch: hội chứng não gan độ I-II, chức năng gan rối loạn nặng nề, nguy cơ hôn mê gan đã cận kề.
Kế hoạch cấp cứu và quyết định đầy nhân văn
Tại Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, chúng tôi lập tức phối hợp với các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực Ngoại và ghép gan để nhanh chóng lên kế hoạch điều trị. Trước tình thế ngặt nghèo, người vợ của bệnh nhân đã sẵn sàng hiến gan để cứu chồng. Nhưng những chỉ số giải phẫu gan của cô không phù hợp, việc phẫu thuật có thể gây rủi ro cao cho cả người hiến và người nhận.
Trong khoảnh khắc tưởng chừng mọi hy vọng mỏng manh dần tan biến, chị gái của bệnh nhân - một giáo viên - chị lập tức vượt hàng trăm cây số để đến bệnh viện. Đó không chỉ là một quyết định dũng cảm mà còn là minh chứng cho tình yêu thương vô điều kiện trong gia đình. Đây là một trong những điều đã tiếp sức cho tôi và mọi người trong ekip rất nhiều để cố gắng hoàn thành số lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn nhất có thể.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của PGS.TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy và sự phối hợp của các chuyên khoa, toàn bộ quy trình hội chẩn ghép gan cấp cứu được triển khai nhanh chóng. Ban Giám đốc và các chuyên gia đã thống nhất chỉ định ghép gan cấp cứu và yêu cầu phải thực hiện thật nhanh, an toàn, đồng thời giải thích kỹ lưỡng cho gia đình về các nguy cơ trong và sau phẫu thuật.
Cuộc chiến xuyên đêm
Khi đồng hồ điểm đầu giờ tối, mọi người trong ekip đều đã thấm mệt sau một ngày dài làm việc. Nhận được tin tiến hành ghép gan cấp cứu xuyên đêm, chúng tôi có chút bàng hoàng. Nhưng khi nghe về tình trạng nguy kịch của bệnh nhân và câu chuyện cảm động từ chị gái sẵn sàng hiến gan để cứu em, tinh thần cả đội bỗng được vực dậy.
Cả ekip tranh thủ ăn nhẹ trong phòng nghỉ để chuẩn bị cho ca mổ. Một số đồng nghiệp thậm chí chợp mắt trên ghế ở hành lang trong cái lạnh đầu xuân để giữ sức. Hình ảnh ấy in sâu trong tâm trí tôi – đó là sự tận tâm và hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc.
Ca mổ kéo dài 7 tiếng, từ tối đến khi đồng hồ điểm hơn 3 giờ sáng. Vì bệnh nhân suy gan kéo dài kèm theo rối loạn chức năng đông cầm máu nghiêm trọng, cuộc mổ đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ngay từ những bước đầu tiên, việc cắt bỏ gan bệnh đã vô cùng khó khăn do tình trạng xơ gan tiến triển khiến mô gan rất dễ chảy máu. Mỗi một động tác đi qua, chúng tôi đều phải kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa tổn thương mạch máu nhỏ. Việc cầm máu trở thành thử thách lớn nhất, bởi nếu để mất nhiều máu, các rối loạn khác của bệnh nhân sẽ càng trầm trọng hơn.
Sau khi cắt bỏ gan bệnh, bước tiếp theo thực sự quan trọng và căng thẳng cân não: thực hiện các miệng nối mạch máu, đường mật để ghép mảnh gan phải của người hiến vào người nhận. Đây là giai đoạn mang tính quyết định cho sự thành công của ca ghép, đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Các miệng nối rất nhỏ, độ chính xác phải tuyệt đối, vì gần như không có cơ hội sửa sai. Chỉ cần một đường khâu không khớp, có thể gây chảy máu hoặc hình thành huyết khối, gây nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sau mổ.
Không chỉ cần sự chính xác, thời gian thực hiện cũng phải thật nhanh. Đây là giai đoạn "vô gan”, khi hệ tuần hoàn của bệnh nhân đang chịu ảnh hưởng nặng nề do thiếu gan để duy trì chức năng chuyển hóa và lọc máu. Từng giây trôi qua, nguy cơ bệnh nhân rơi vào rối loạn huyết động hoặc nhiễm toan chuyển hóa ngày càng lớn. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi thực hiện thành công các miệng nối về mạch máu, mảnh gan ghép được tái tưới máu, mọi người nhìn về màn hình hiển thị của máy mê để theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Sau khi kiểm tra và đảm bảo các miệng nối mạch máu an toàn, chúng tôi tiến hành cầm máu và thực hiện miệng nối đường mật. Tất cả các bác sĩ trong ekip đều tập trung cao độ, từng đường khâu đều được thực hiện với độ chính xác tuyệt đối.
![](https://files.benhvien108.vn/ecm/source_files/2025/02/08/6289fa93fe8241dc1893-180518-080225-40.jpg)
Ekip ghép gan khi đồng hồ lúc này là 2 giờ sáng
Khi bệnh nhân được chuyển sang cáng để đưa về Khoa Hồi sức Ngoại khoa và ghép tạng, cả ekip thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi đứng lại với nhau, gửi lời cảm ơn, động viên nhau, và hẹn gặp lại sau vài tiếng để bắt đầu một ngày làm việc mới. Hôm đó, trong những phút ngắn ngủi trò chuyện, ai cũng không giấu được niềm xúc động và thường xuyên hỏi nhau: “Không biết sáng nay tình trạng của cặp ghép thế nào rồi?”
Hồi sinh từ sự hy sinh và yêu thương
Chị gái bệnh nhân hồi phục tốt và xuất viện sau 10 ngày. Trước khi ra viện, chị đã vào thăm em trai. Chị nắm tay em, nghẹn ngào gửi lời thăm hỏi và động viên em trai của mình. Đó là khoảnh khắc khiến chúng tôi, những người chứng kiến, không khỏi xúc động.
Bệnh nhân cũng hồi phục tích cực và xuất viện sau đó. Hiện tại, sức khỏe của cả hai chị em đều ổn định. Người chị trở lại với công việc giảng dạy của mình, còn em trai đã quay lại cuộc sống thường nhật và làm việc trong ngành dịch vụ vận tải. Họ vẫn thường xuyên nhắn tin và gửi lời cảm ơn tới ekip ghép gan. Những bức ảnh họ chụp cùng gia đình, nụ cười trên gương mặt họ là món quà quý giá nhất đối với chúng tôi.
![](https://files.benhvien108.vn/ecm/source_files/2025/02/08/4222140f8dfd32a36bec-180813-080225-25.jpg)
Bệnh nhân đã khỏe mạnh sau ghép gan trong lần tái khám gần đây
![](https://files.benhvien108.vn/ecm/source_files/2025/02/08/14-web-17389350448581887268551-180950-080225-56.jpg)
...Và người bệnh khỏe mạnh quay trở lại cuộc sống bình thường
Đôi dòng cảm xúc
Đêm đó, khi bước ra khỏi phòng mổ và ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đầu xuân se lạnh, tôi cảm nhận rõ ý nghĩa của công việc mình đang làm. Là những người thầy thuốc, chúng tôi luôn giữ một “cái đầu lạnh” để đưa ra quyết định đúng đắn trong những thời khắc sinh tử. Nhưng trái tim chúng tôi luôn ấm nóng, tràn đầy nhiệt huyết và tận tụy vì bệnh nhân.
Tôi tự hào khi được làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi không chỉ có những kỹ thuật tiên tiến mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. Và tôi tin rằng, mỗi người trong chúng ta đều có thể góp phần mang lại những phép màu từ sự đồng cảm, yêu thương và sẻ chia.
ThS.BSCK1 Nguyễn Hoàng Ngọc Anh, Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108