Tiến hành phẫu thuật tim hở do chấn thương tim tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện 108

  11:19 AM 09/09/2016
Ngày 08/09/2016, Khoa Cấp cứu, BVTƯQĐ 108 đã tiến hành phẫu thuật tim hở, cứu sống bệnh nhân thủng tim do chấn thương

Bệnh nhân Nguyễn Văn S., nam, 51 tuổi, bị cây gẫy, đập vào thành ngực trước đó 2 tiếng, đến Khoa Cấp cứu BVTWQĐ 108 trong tình trạng sốc chấn thương: ý thức lơ mơ, da niêm mạc nhợt, vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh 140- 168 lần/ phút, huyết áp không đo được.

Tại Khoa Cấp cứu đã hồi sức tim phổi tích cực, cùng lúc thực hiện các kỹ thuật chuyên nghành (đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, thở máy xâm nhập ngay, bù máu, dịch, kết hợp thuốc vận mạch, trợ tim, bảo vệ tế bào não, cân bằng kiềm toan), mặc dù được xử trí tích cực, nhưng huyết áp tâm thu luôn dưới 70mmHg. Nhận định đây là một tổn thương phức tạp lồng ngực, có thể tổn thương thủng buồng tim. Siêu âm cấp cứu tại chỗ cho kết quả tràn máu màng ngoài tim, gây chèn ép tim cấp, không thể di chuyển người bệnh đến phòng mổ, vì vận chuyển có thể trả giá bằng tính mạng người bệnh.

Khoa Cấp cứu đã kết hợp chặt chẽ với Khoa phẫu thuật Tim Mạch (A2-B), Khoa Gây mê – Hồi sức (B5) tiến hành mở lồng ngực cấp cứu, giải phóng chèn ép tim đồng thời kiểm soát vết thương tim ngay tại chỗ. Điều đáng nói, mặc dù trang thiết bị và cơ sở vật chất chưa thực sự hiện đại, nhưng các bác sĩ trẻ Khoa Cấp cứu đã phối hợp tốt với các chuyên khoa đảm bảo thành công cuộc phẫu thuật mang tính chất dã chiến.


Hình 1: Phối hợp cùng phẫu thuật viên vừa hồi sức vừa phẫu thuật tại Khoa Cấp cứu


Hình 2: Khoa Cấp cứu như một “công trường” sôi động lúc cuối giờ trưa

Trong quá trình cấp cứu, nhịp tim của bệnh nhân đã đập rời rạc, tuy nhiên khi giải phóng được chèn ép nhịp tim trở về nhịp xoang ngay. Chúng tôi đã phát hiện vết thương xuyên từ trước ra sau thất trái gây tràn máu cấp màng tim, với kỹ thuật tuyệt vời, các bác sĩ phẫu thuật tim đã tiến hành khâu vết thương tim khi dòng máu vẫn đang tuôn trào ồ ạt.

Chúng tôi truyền tổng cộng trên 3000ml máu, xét nghiệm khí máu và điện giải liên tục để thực hiện thăng bằng kiềm toan từng 15 phút. Cuộc mổ diễn ra trong hơn 1 giờ đồng hồ, trong suốt quá trình cấp cứu huyết áp được duy trì trong giới hạn cho phép, bệnh nhân được chuyển về hồi sức trong tình trạng ổn định.

Đây là một trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp đòi hỏi phải nhận định nhanh chóng tổn thương đồng thời đưa ra phương án giải quyết trong thời gian ngắn. Vì vậy việc phối hợp giữa Khoa Cấp cứu với các chuyên khoa liên quan trong Bệnh viện phải hết sức chặt chẽ và nhanh chóng. Việc cấp cứu và phẫu thuật tại chỗ cho thấy Khoa Cấp cứu nói riêng và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói chung có đủ khả năng thực hiện các ca bệnh cấp cứu tối khẩn cấp như bệnh nhân chấn thương chúng tôi thực hiện.

Sau ca cấp cứu vất vả nhưng toàn bộ các Bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên gây mê hồi sức đều bừng sáng niềm vui sướng vì đã thực hiện được nhiệm vụ tận tâm và nhìn thấy thành quả có ý nghĩa của mình.

 

Khoa Cấp cứu – C1-3

 

Chia sẻ