Tiến bộ mới trong điều trị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

  09:33 AM 16/04/2018
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể bị đứt do vật sắc nhọn, bị nhổ hoặc đứt và đụng dập do chấn thương kín trực tiếp, nhưng thường gặp nhất là do lực kéo căng làm đứt hoặc nhổ các rễ thần kinh khỏi tủy sống với các mức độ khác nhau. Trong đó, nhổ toàn bộ các rễ thần kinh khỏi tủy sống là tổn thương nặng nhất, tiên lượng xấu nhất, biểu hiện lâm sàng là mất hoàn toàn vận động và cảm giác tay bên tổn thương và không thể tự phục hồi nếu không được phẫu thuật. Tổn thương này đã được biết đến từ thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, mãi đến đầu thế kỷ XX mới có những nghiên cứu điều trị. Cùng với sự phát triển của khoa học cơ bản, những vấn đề liên quan đến cơ chế bệnh sinh, chẩn đoán và phẫu thuật chuyển ghép thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu là những tiến bộ lớn trong nghiên cứu điều trị loại tổn thương này.

Đám rối thần kinh cánh tay và chức năng sinh lý
Các sợi thần kinh thoát ra từ tủy cổ (từ cổ 5 đến ngực 1) qua lỗ ghép đốt sống tạo thành các rễ rồi đan nối với nhau để tạo ra đám rối thần kinh cánh tay và từ đám rối hình thành các dây thần kinh.

Các dây thần kinh sẽ đi đến cơ và da chi phối vận động và cảm giác cho chi trên.

Nguyên nhân, cơ chế và mức độ tổn thương:
Nguyên nhân thường gặp nhất là do tai nạn giao thông, các nguyên nhân ít gặp hơn là tai nạn lao động, sinh hoạt, tai nạn thể thao và tai nạn khi sinh (trẻ sơ sinh)



Tăng góc cổ vai đột ngột gây tổn thương các rễ cao, mất gấp khuỷu và giạng vai:


Tăng góc cánh tay – thân người đột ngột gây tổn thương các rễ thấp, mất gấp, duỗi và cầm nắm của bàn tay.
Tổn thương có thể nhổ, đứt tất cả các rễ thần kinh gây liệt hoàn toàn vận động và mất toàn bộ cảm giác sờ mó, nóng lạnh của chi trên nhưng lại xuất hiện những cơn đau rút bàn ngón tay.

Chẩn đoán và phương pháp phẫu thuật điều trị
Chẩn đoán tổn thương đám rối thần kinh cánh tay là một vấn đề khó, vì nhiều khi tổn thương trên lâm sàng không tương xứng với tổn thương thực thể. Dựa vào phân tích lâm sàng và cận lâm sàng như: MRI, CT-Myelography, đo điện dẫn truyền thần kinh có thể chẩn đoán được mức độ và vị trí tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Tuy vậy, xác định tổn thương trong mổ là yếu tố quyết định để lựa chọn phương pháp phục hồi tổn thương.
- Với tổn thương cao: Tổn thương C5, C6 có hoặc không tổn thương C7. Phương pháp phẫu thuật điều trị là chuyển bó sợi thần kinh để phục hồi giạng vai và gấp khuỷu.
- Với tổn thương thấp: Tổn thương C8, T1 có hoặc không tổn thương C7. Phương pháp phẫu thuật điều trị được áp dụng là chuyển nửa C7 bên lành phục hồi cho thần kinh giữa (cảm giác và cử động bàn ngón tay) qua đoạn ghép là thần kinh trụ có mạch nuôi.
- Với tổn thương hoàn toàn các rễ: Phương pháp phẫu thuật điều trị hiện nay chúng tôi đang áp dụng là chuyển thần kinh XI cho thần kinh trên vai và chuyển toàn bộ rễ C7 bên lành cho thần kinh cơ bì, thần kinh nách và thần kinh giữa qua 2 đoạn ghép là thần kinh trụ có mạch nuôi, đây là phương pháp hiện đại và tối ưu nhất mà chúng tôi đang thực hiện trong điều trị liệt hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay hiện nay.

Kết quả điều trị

Từ năm 2006, GS.TS. Nguyễn Việt Tiến là người đi đầu trong phẫu thuật điều trị tổn thương đám rối cánh tay. Chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân tổn thương liệt đám rối thần kinh cánh tay do nhổ, đứt các rễ thần kinh mà nguyên nhân chủ yếu là chấn thương do tai nạn giao thông. Kết quả đạt được trong các nghiên cứu đã được báo cáo tại các Hội nghị chuyên ngành
- Với tổn thương hoàn toàn:
+ Phục hồi giạng vai đạt 93%, trong đó giạng vai ≥ 90º đạt 76%.
+ Phục hồi gấp khuỷu đạt 97,6%, sức gấp khuỷu đạt mức ≥ M3 là 88% số BN. Trong đó có 57,6% đạt mức M4 với khả năng nâng tạ trung bình là 3,1kg.
+ Tỷ lệ phục hồi gấp cổ tay là 97,5 %, đạt mức ≥ M3 là 39% số BN, thời gian phục hồi gấp cổ tay đạt M1 trung bình là 25,9 tháng sau mổ.
+ Tỷ lệ phục hồi gấp các ngón tay là 92,6%, mức ≥ M3 là 24,4% số BN.
+ 100% BN sau mổ trên 36 tháng đều phục hồi cảm giác mức ≥ S1, có 95% số BN đạt mức ≥ S2 (ngưỡng cảm giác bảo vệ).
+ 100% số BN phục hồi cảm giác nóng lạnh mức ≥ T1. Trong đó, 76,7% BN phục hồi cảm giác nóng - lạnh ở mức T3.
+ Phẫu thuật an toàn và không để lại di chứng ảnh hưởng cho tay lành sau cắt rễ C7
- Với tổn thương không hoàn toàn: Từ năm 2010, chuyển thần kinh phục hồi gấp khuỷu đạt kết quả 100%, sức nâng tạ đạt trung bình 8,5 kg. Từ năm 2012, kết hợp chuyển thần kinh làm giạng vai đạt tỷ lệ phục hồi 100%, góc giạng vai đạt 160 – 180 độ và góc soay ngoài đạt 100 – 120 độ.

Kết luận

- Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay là thường gặp, nguyên nhân do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sịnh hoạt, thể thao....Tổn thương có thể: chỉ mất giạng vai và gấp khuỷu, có thể mất cả duỗi khuỷu và cổ bàn tay nhưng gấp bàn tay và ngón tay còn (tổn thương cao); hoặc mất gấp bàn ngón tay nhưng còn giạng vai và gấp khuỷu (tổn thương thấp); hoặc mất hoàn toàn vận động và cảm giác của tay (tổn thương hoàn toàn đám rối cánh tay). Các loại tổn thương này chỉ có thể phục hồi khi được phẫu thuật, cham cứu hay điều trị thuốc không có tác dụng.

- Chẩn đoán tổn thương đám rối cánh tay cần khám lâm sàng kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp CT-Myelography, cộng hưởng từ (MRI)... để xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương, từ đó đưa ra phương án điều trị đúng và hiệu quả. Vì vậy, khi người bệnh bị tai nạn mà sau đó có các triệu chứng như trên thì cần đến các Bệnh viện chuyên khoa sâu để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để quá muộn sẽ mất cơ hội điều trị và sẽ liệt vĩnh viễn. Thời gian tối ưu cho điều trị loại tổn thương này là trước 6 tháng tính từ khi bị tổn thương.

- Khoa phẫu thuật Chi trên và Vi phẫu thuật thuộc Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là địa chỉ tin cậy trong nước và khu vực về phẫu thuật điều trị loại tổn thương này.

Mọi thắc mắc và những gì cần tư vấn xin liên hệ:

Tiến sỹ-Bác sỹ. Nguyễn Viết Ngọc - Khoa Phẫu thuật Bàn tay và Vi phẫu thuật
Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện TƯQĐ 108
Email: ngocnvhanoi108@gmail.com


Một số hình ảnh minh họa:

Bệnh nhân liệt hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay phải, kết quả sau mổ 32 tháng: A, B: Động tác giạng vai; C: động tác gấp khuỷu; D: động tác gấp cổ tay



Bệnh nhân liệt hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay trái, kết quả sau mổ 36 tháng; có thể thực hiện được các động tác bưng bê và tự phục vụ các sinh hoạt hàng ngày cho bản thân và trong gia đình
Chia sẻ