Thông báo một trường hợp thai nhi bị thoát vị cơ hoành trái, được phát hiện trước sinh và mổ can thiệp cứu sống kịp thời sau sinh

  09:36 AM 16/01/2017
Thoát vị cơ hoành là tình trạng dạ dày, ruột, có thể là gan hay một tạng nào đó từ ổ bụng thoát vị qua lỗ hổng khuyết tật của cơ hoành vào khoang lồng ngực. Thoát vị cơ hoành thường xảy ra bên trái (chiếm khoảng 75-85% trường hợp thoát vị cơ hoành) hơn bên phải (khoảng 10-15%), hoặc có bị cả 2 bên (3-4%). Thoát vị cơ hoành trái thường xảy ra ở lỗ sau bên trái cơ hoành (lỗ Bochdaleck) chiếm 90% các trường hợp thoát vị cơ hoành trái, cũng có thể xảy ra ở lỗ Morgagni (chiếm 10%).

Thoát vị cơ hoành thường liên quan về bất thường về nhiễm sắc thể, 10-15% có bất phát thường về nhiễm sắc thể, chủ yếu là Trisomi 18, 21 (Hội chứng Edwards, hội chứng Down) do đó khi phát hiện có thoát vị cơ hoành trên siêu âm thì nên có chỉ định chọc ối làm nhiễm sắc thể đồ thai nhi.
Thoát vị cơ hoành có thể là đơn độc, cũng có thể phối hợp cùng các dị tật khác như trong hội chứng Fryns, hội chứng Pallister-Killian, hội chứng Beckwith-Wieddermann, ...
Việc phát hiện thoát vị cơ hoành ở thời điểm trước sinh là rất quan trọng, nó liên quan đến vấn đề “sống còn” của đứa trẻ khi ra đời. Vì nếu thoát vị cơ hoành không được phát hiện và sử lý kịp thời thì sự chèn ép của các tạng (dạ dày, ruột, gan, ...) nằm trong khoang lồng ngực đối với tim, phổi, trung thất khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ đã xảy ra, khi đứa trẻ ra đời sự “chèn ép” này còn “dữ dội” hơn (do áp lực âm tính trong khoang lồng ngực ở mỗi thì thở ra hít vào của đứa trẻ mới chào đời với hệ thống hô hấp, tuần hoàn còn chưa kịp “thích nghi”), đây chính là nguyên nhân gây tử vong nhanh chóng đối với những đứa trẻ không may bị thoát vị cơ hoành.
Trong quá trình thực hành siêu âm hình thái thai nhi, ở chỗ chúng tôi đã phát hiện được khoảng hơn 10 trường hợp bị thoát vị cơ hoành, trong đó đại đa số là thoát vị cơ hoành bên trái, chỉ có 1 trường hợp là thoát vị cơ hoành bên phải. Dưới đây là trường hợp thoát bị cơ hoành bên trái mới được phát hiện gần đây nhất và đã được cứu sống nhờ phát hiện trước sinh và mổ kịp thời sau sinh:
Thai phụ L T L, 30 tuổi, (nhân viên Bệnh viện), đã có một con đầu 3 tuổi khoẻ mạnh bình thường, lần mang thai thứ 2 này đến chỗ chúng tôi siêu âm sáng ngày 27/10/2016. Thai nhi được 31 tuần 4 ngày tuổi, nhưng bị thoát vị cơ hoành bên trái (2 lần siêu âm 4D gần nhất là vào tuần 27 và tối ngày 26/10/2016 tại một Bệnh viện đa khoa quốc tế gần nhà đều trả lời thai nhi bình thường), cụ thể là:
Toàn bộ dạ dày thoát vị qua cơ hoành vào trong lồng ngực nằm phía sau bên trái của tim, gây chèn đẩy tim sang phải và ra trước, ép nhẹ thất trái, đa ối. Ngoài ra không thấy dấu hiệu bệnh lý ở các cơ quan khác.

Sau đó, thai phụ L đã được hội chẩn ở viện sản C và Phụ sản Hà Nội (PSHN) cho kết luận tương tự “thai nhi bị thoát vị cơ hoành trái”, thai phụ L đăng ký đẻ ở Viện PSHN (vì gần Bệnh viện Nhi TƯ). Đến ngày 13/12/2016 đã được các bác sỹ Viện PSHN mổ đẻ lấy thai (vào tuần 39 của thai kỳ), được một bé trai nặng 3000gr, sau khi sinh ra chưa được 2 tiếng đồng hồ, bé có biểu hiện tím tái suy hô hấp. Ngay lập tức bé được các bác sỹ ở đây đặt ống nội khí quản và chuyển ngay sang Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Nhi TƯ. Tại đây bé được hồi sức tích cực và được phẫu thuật ngay ngày hôm sau. Sau phẫu thuật em bé ổn định, đến nay em bé đã ra viện, khoẻ mạnh, tự thở và ăn uống bình thường.

Hình ảnh 4D thai nhi bị thoát vị cơ hoành.       Hình ảnh tim và dạ dày nằm trên cùng 1 bình diện,
dạ dày chèn đẩy tim sang phải.



 Hình tim và dạ dày nằm trên cùng một bình diện, dạ dày đẩy tim sang phải.  Hình ảnh thoát vị cơ hoành trên mặt cắt ngang qua tim và mặt cắt dọc.



Bác sỹ Cao Xuân Long

Khoa Chẩn đoán Hình ảnh – Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ