Thông báo một trường hợp thai nhi 30 tuần tuổi bị dị tật tim bẩm sinh – tứ chứng Fallot

  07:58 AM 22/11/2016
Tứ chứng Fallot (F4) là một bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp, với 4 triệu trứng kinh điển là: Thông liên thất, động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất, hẹp đường ra thất phải và dày thất phải.

Trước đây việc chẩn đoán F4 còn gặp nhiều khó khăn, thì ngày nay việc chuẩn đoán chính xác F4 không còn là vấn đề khó khăn nữa, thậm chí được phát hiện ngay từ khi từ trong bụng mẹ. Ngày nay đối với những bác sỹ siêu âm hình thái thai nhi giỏi cùng với hiểu biết sâu rộng về bệnh lý tim bẩm sinh và được trang bị máy siêu âm cấu hình cao độ phân giải rõ nét có thể phát hiện F4 ngay từ giai đoạn rất sớm của thai kỳ (giai đoạn thai nhi được 16-18 tuần tuổi). Ở Bệnh viện TƯQĐ 108, trung bình mỗi năm phát hiện được từ 10 đến 20 trường hợp thai nhi bị F4, với đủ mức độ nặng nhẹ khác nhau, ở các giai đoạn độ tuổi thai nhi khác nhau (trường hợp sớm nhất là 16 tuần), sau đây tôi xin trình bày trường hợp F4 mới được phát hiện gần đây nhất:
Thai phụ P T T, 26 tuổi, mang thai lần đầu, đến Bệnh viện TƯQĐ 108 đăng ký đẻ và được siêu âm sáng ngày 12/10/2016. Thai nhi được 30 tuần 6 ngày tuổi nhưng bị tứ chứng Fallot (trước đấy đã siêu âm nhiều nơi đều trả lời thai nhi bình thường), cụ thể:
- Thông liên thất phần màng, đường kính lỗ thông 5,8mm.

Hình ảnh thông liên thất phần màng và động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất
- Động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất 50%.
- Hẹp thân động mạch phổi, đường kính gốc động mạch phổi 3,4mm (trong khi đường kính gốc động mạch chủ là 6,3mm).

Hình ảnh hẹp động mạch phổi (so sánh với động mạch chủ).
- Dày thất phải: thành trước thất phải dày 6mm.


Hình ảnh dày thất phải.

Như vậy ngày nay cùng với sự phát triển của y học, trong đó có siêu âm hình thái thai nhi (cả về con người và máy móc) việc chẩn đoán chính xác F4 là hoàn toàn có thể thực hiện được ngày từ thời kỳ bào thai, điều này có ý nghĩa rất quan trọng cho “quy trình” điều trị cho những đứa trẻ không may bị bệnh lý này. Nếu như trước đây F4 là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hoặc làm suy giảm nặng “chất lượng” cuộc sống ở trẻ sơ sinh trong nhóm bệnh lý tim mạch, thì ngày nay tỷ lệ trẻ em tử vong do bệnh lý này đã giảm rất nhiều, mà việc chẩn đoán chính bệnh lý này trong trong thời kỳ bào thai đã góp phần làm nên điều “kỳ diệu” đó. Và có lẽ trong thời gian sắp tới chương trình “trái tim cho em” sẽ được thực hiện ngay từ khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ.

Bác sỹ Cao Xuân Long
Khoa Chẩn đoán Chức năng - Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ