Thiếu máu thai kỳ: những điều cần biết

  01:54 PM 20/10/2015
Khi mang thai, bạn đang có nguy cơ cao bị thiếu máu thiếu sắt, đó là tình trạng cơ thể không đủ các tế bào hồng cầu cần thiết mang oxy đến các cơ quan tổ chức của cơ thể. Thiếu máu khi mang thai khiến bạn cảm thấy yếu và mệt mỏi. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ, biểu hiện và các biện pháp phòng tránh tình trạng này.

Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai:
Cơ thể chúng ta sử dụng sắt để tạo hemoglobin, một loại protein trong hồng cầu có khả năng vận chuyển oxy đến các tổ chức của cơ thể. Khi mang thai, lượng máu của bạn phải tăng lên để thích ứng với sự thay đổi trọng lượng cơ thể và giúp thai nhi tạo ra lượng máu của riêng mình, do đó nhu cầu sắt phải tăng lên gấp đôi. Nếu bạn không có đủ lượng sắt dự trữ hoặc lượng sắt cung cấp không đủ, bạn có thể bị thiếu máu thiếu sắt.

Ảnh hưởng của thiếu máu đến thai nhi:

Nếu mẹ bị thiếu máu thiếu sắt khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sinh non hoặc con sinh ra bị nhẹ cân.

Các yếu tố nguy cơ gây thiếu máu khi mang thai:

- Có khoảng cách sinh con gần nhau
- Mang song thai hoặc đa thai
- Nôn nhiều do ốm nghén
- Không hấp thu được sắt
- Ra nhiều kinh nguyệt ở kỳ kinh trước khi mang thai

Các dấu hiệu của thiếu máu khi mang thai?

Trong trường hợp thiếu máu nhẹ, bạn có thể vẫn cảm thấy bình thường. Trong các trường hợp thiếu máu mức độ vừa và nặng, bạn có thể gặp các biểu hiện sau:
- Cơ thể yếu và mệt mỏi nhiều
- Da nhợt nhạt
- Hồi hộp, đánh trống ngực
- Thở nhanh
- Hoa mắt chóng mặt hoặc ngất
- Thèm ăn những thứ không phải thức ăn như đất sét, phấn hoặc bột ngô
Các triệu chứng này tương tự như các triệu chứng ốm nghén. Do đó bất kể có hoặc không có các biểu hiện trên, bạn cần được xét nghiệm máu để sàng lọc thiếu máu ngay từ lần khám thai đầu tiên và ít nhất 1 lần nữa ở các lần khám thai tiếp theo. Ngoài ra nếu bạn lo lắng về mức độ mệt mỏi của mình hay bất kỳ dấu hiệu nào khác, hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn.

Biện pháp phòng và điều trị thiếu máu khi mang thai

Hiện nay có nhiều loại vitamin tổng hợp cho phụ nữ mang thai có chứa sắt. Do đó uống vitamin tổng hợp có chứa sắt sẽ giúp phòng và điều trị thiếu máu khi mang thai. Trong một số trường hợp, bác sỹ có thể kê thêm viên sắt bổ sung. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể bạn cần 27 mg sắt mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng tốt cũng giúp phòng ngừa thiếu máu thai kỳ. Các loại thực phẩm chứa nhiều sắt bao gồm thịt nạc, gia cầm và cá. Ngoài ra có thể lựa chọn các loại thức ăn khác như ngũ cốc được làm giàu sắt cho bữa sáng, hạt đậu và rau.

Sắt có trong các loại thịt động vật được cơ thể hấp thu dễ dàng nhất. Để tăng khả năng hấp thu sắt từ rau quả và thực phẩm chức năng, nên kết hợp với các thức ăn hoặc đồ uống giàu vitamin C như nước cam, nước ép cà chua hay dâu tây.
 
Nếu bạn đang uống vitamin có chứa sắt mà vẫn bị thiếu máu, các bác sỹ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm để xác định các nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng thiếu máu. Trong một số trường hợp, bạn cần sự tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa huyết học để có hướng điều trị cụ thể. Nếu bạn có tiền sử phẫu thuật trên đường tiêu hóa (dạ dày, ruột non) hoặc cơ thể bạn không thể hấp thu sắt theo đường uống thì cần phải bổ sung sắt qua đường truyền tĩnh mạch.

BS. Nguyễn Thanh Bình
-Sưu tầm-
Chia sẻ