Thay lại khớp háng thành công cho bệnh nhân lỏng khớp háng nhân tạo

  02:38 PM 08/01/2018
Tại Việt Nam, thay khớp háng nhân tạo đã phát triển trong khoảng 20 năm gần đây, cho đến nay đã có hàng chục ngàn bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, đa số các bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, tuổi thọ khớp nhân tạo là có giới hạn, trong khoảng 15-25 năm, vì vậy, những bệnh nhân được thay khớp háng nhân tạo kỳ đầu, đặc biệt những bệnh nhân dưới 60 tuổi, sẽ phải đối diện với vấn đề thay lại khớp.

Tại Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật thành công nhiều bệnh nhân có chỉ định thay lại khớp háng. Trong đó, bệnh nhân Ngô Thanh Ch., sinh năm 1943 (74 tuổi), là ca khó, phức tạp đã được phẫu thuật thành công. Sau đây chúng tôi thông tin tóm tắt về bệnh nhân này:
Năm 2004 bệnh nhân bị gãy cố xương đùi, được phẫu thuật thay khớp háng trái toàn phần, có xi măng. Sau thay khớp trong khoảng 10 năm bệnh nhân đi lại tương đối bình thường, chỉ đau nhẹ.

Khoảng 2 năm gần đây bệnh nhân thấy đau tại nếp bẹn và dọc đùi, đau tăng khi đi lại, nghỉ ngơi hết đau, gần đây đau nhiều hơn, bệnh nhân không đi lại được, đau cả khi chuyển tư thế chân trái.

Ngày 08.10.2017, bệnh nhân vào Khoa Phẫu thuật Khớp (B1-C), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị. Khoa B1-C đã hội chẩn và nhận thấy bệnh nhân có thể trạng khá, tại chỗ sẹo mổ liền tốt, mềm mại, chiều dài tương đối chân trái ngắn hơn bên phải 3cm, đau khi vận động chủ động hoặc thụ động khớp háng, trên hình ảnh X-quang và chụp cắt lớp vi tính thấy khớp háng nhân tạo trái toàn phần, có xi măng, có hình ảnh tiêu, thưa xương và đường thấu quang quanh cả ổ cối và xương đùi, chuôi khớp lún sâu, xét nghiệm hs-CRP và máu lắng trong giới hạn bình thường. Với các triệu chứng trên Khoa B1-C chẩn đoán: Lỏng khớp háng nhân tạo bên trái sau thay khớp háng toàn phần, có xi măng 13 năm, và đưa ra phương án điều trị: Thay lại khớp háng trái toàn phần, không xi măng.

Ngày 11.10.2017, kíp mổ khoa B1-C gồm TS. Nguyễn Quốc Dũng, BS. Phùng Văn Tuấn, Nguyễn Tiến Thành và Đỗ Đức Chung, đã tiến hành thay lại khớp háng trái cho bệnh nhân, với khớp háng nhân tạo chuôi dài, có đoạn nối (modul), sử dụng ổ cối có rọ (socket). Bệnh nhân được gây mê nội khí quản, sau 3 giờ cuộc mổ kết thúc, lượng máu truyền trong và ngay sau mổ là 750ml. Bệnh nhân nằm viện 10 ngày, ra viện trong tình trạng: Không sốt, mạch huyết áp ổn định, bệnh nhân tự chống nạng đi lại được, đau nhẹ tại khớp háng, ổ mổ khô, không nóng đỏ, vận động cổ, bàn chân tốt.
Để phẫu thuật thành công bệnh nhân trên, chúng tôi thấy có một số kinh nghiệm như sau:
1. Về chẩn đoán
Trước mổ, bệnh nhân được chẩn đoán chính xác là lỏng khớp háng nhân tạo, cả ổ cối và chuôi khớp, không do nhiễm khuẩn vì:
- Lâm sàng:
+ Đau nếp bẹn và dọc đùi, đau tăng khi vận động, nghỉ ngơi không đau.
+ Sẹo mổ cũ mềm mại, liền tốt.
- Cận lâm sàng:
+ Chỉ số máu lắng và hs-CRP trong giới hạn bình thường.
+ X-quang và CT scan: hình ảnh tiêu xương, đường thấu quang quanh ổ cối và chuôi khớp.

2. Về điều trị
- Lập kế hoạch mổ: chúng tôi chuẩn bị chi tiết, phối hợp nhiều bộ phận
Chuẩn bị kíp phẫu thuật và kíp gây mê có kinh nghiệm
Dự kiến thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 3 giờ, lượng máu mất nhiều, do đó có kế hoạch vô cảm, chuẩn bị truyền máu, dùng kháng sinh trước, trong mổ phù hợp.
Dự kiến loại khớp thay lại: Do đoạn 1/3 trên xương đùi bị tiêu, thưa xương nên chọn loại khớp cán dài, cố định ở đoạn 1/3 giữa-dưới ống tủy thân xương đùi, do ổ cối thưa, khuyết xương nên có kế hoạch dùng socket (rọ) ổ cối.
Dự kiến khó khăn: Ngoài đối diện với vấn đề thay lại khớp, do khớp thay kỳ đầu là loại khớp toàn phần có xi măng, đặc biệt khối xi măng ở đoạn 1/3 giữa, dưới xương đùi rất khó lấy, do xương thưa nên dễ gãy xương trong khi phẫu thuật.
- Kỹ thuật mổ
Tiến hành phẫu thuật theo kế hoạch, và đúng như dự đoán, thì lấy xi măng rất khó khăn, phải tiến hành mở cửa sổ xương ở đoạn 1/3G xương đùi. Xương ổ cối thưa, dùng rọ đường kính 52mm, chuôi xương đùi dài 260mm, dùng dây thép buộc tăng cường cố định mảnh xương mở cửa sổ.
- Điều trị, săn sóc, luyện tập sau mổ
Điều trị đau sau mổ bằng phác đồ giảm đau đa mô thức.
Bù máu và điện giải kịp thời, nuôi dưỡng bệnh nhân tốt, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau mổ.
Luyện tập sớm, phù hợp, đặc biệt việc tỳ nén sau mổ. Cho bệnh nhân tỳ nén muộn, trong 06 tuần cho tỳ nén một phần, sau 06 tuần mới tỳ nén hoàn toàn.
Như vậy, để phẫu thuật thành công một bệnh nhân thay lại khớp háng, ngoài kinh nghiệm, đòi hỏi chẩn đoán chính xác, có phương án cụ thể, chi tiết, dụng cụ phẫu thuật và khớp nhân tạo đầy đủ, phù hợp, gây mê hồi sức tốt, công tác săn sóc, luyện tập sau mổ tốt.

Ảnh minh họa

Hình ảnh X-quang trước mổ: Tiêu xương, đường thấu quang quanh ổ cối và chuôi khớp, khối xi măng trong ống tủy đoạn 1/3G xương đùi.

Hình ảnh X-quang sau thay khớp: Sử dụng ổ cối có rọ, cán (chuôi) khớp dài


BS. Nguyễn Quốc Dũng, BS. Phùng Văn Tuấn
Khoa phẫu thuật Khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chia sẻ