Tế bào gốc trung mô từ mô mỡ: Tiềm năng ứng dụng điều trị thoái hóa khớp

  10:29 AM 19/10/2015

1. Tế bào gốc trung mô thu nhận từ mô mỡ(Adipose derived stem cells - ADSC)

Tế bào gốc trung mô  từ mô mỡ (Adipose derived stem cells - ADSC) được phát hiện đầu tiên vào năm 1980 (Plaas và Vryer). Các tác giả cho rằng, mô mỡ bò trưởng thành chứa tế bào có tiềm năng biệt hóa từ tế bào giống nguyên bào sợi thành tế bào mỡ. Một số nghiên cứu đã kiểm tra sự tồn tại của tế bào gốc trong mô mỡ ở các loài khác nhau cũng cho kết quả tương tự (Huang, Beanes et al. 2002 ; Nathan, Das De et al. 2003; Tholpady, Katz et al. 2003 ; Kang, Putam et al. 2004 ; Ogawa, Mizuno et al. 2004 ; Safford, Safford et al. 2004).

ADSC được cho là nguồn tế bào gốc dồi dào cho những ứng dụng chữa bệnh trong những nghiên cứu tiền lâm sàng ở các lĩnh vực khác nhau, bởi vì khả năng dễ dàng nhân rộng và biệt hóa thành mỡ (adipogenic), xương (osteogenic), sụn (chondrogenic), thần kinh (neurogenic) và cơ (myogenic) in vitro .

Việc phát hiện sự tồn tại của nguồn tế bào gốc trung mô trong mỡ đã mở ra một tiềm năng to lớn trong ứng dụng điều trị. Thứ nhất, mô này là phổ biến, có nhiều trong cơ thể người, dễ dàng thu nhận không gây xâm hại lớn như tủy xương. Lượng cần thiết của MSC tự thân có thể được thu nhận từ khoảng 1 g mỡ. Hơn nữa, chỉ cần gây mê cục bộ và vết thương có thể lành trong vòng 1 tuần. Nếu mỡ thu nhận từ người cho là mỡ hút hoặc mỡ từ phẫu thuật dưới da, thì lượng MSC đủ để cấy ghép ngay sau đó mà không cần qua bước cấy chuyền ex vivo. Thứ hai, mô này cũng là nguồn tế bào có thể tự bồi đắp.Thứ ba và là quan trọng nhất, nó là nguồn tự ghép.

2. Tiềm năng ứng dụng điều trị tổn thương sụn khớp

      Tổn thương sụn là một vấn đề lâm sàng thường gặp, đặc biệt đối với những bệnh nhân trên 40 tuổi, thường dẫn đến viêm xương khớp nếu không được chữa trị hợp lý. Viêm xương khớp là quá trình thoái hóa mãn tính đặc trưng bởi quá trình thoái hóa sụn, hình thành gai xương, tổ chức lại xương sụn phụ, sự bào mòn khớp và mất chức năng khớp (Wieland và cs, 2005). Hiện nay, chấn thương sụn được điều trị chủ yếu bằng thuốc (Buckwalter và cs, 2004; Dougados và cs, 2001; Pincus và cs, 2001; Eyigor và cs, 2006) hoặc tiêm hyaluronic acid (Karatosun và cs, 2008; Chen  và cs, 2011; Spaková và cs, 2012) với mục đích là làm giảm triệu chứng, giảm đau và kiểm soát sự viêm. Tuy nhiên các liệu pháp này hạn chế về hiệu quả và thường không ngăn chặn được quá trình tái thoái hóa của khớp (Schroeppel và cs, 2011).

       Gần đây, liệu pháp tế bào gốc được xem như một chiến lược hứa hẹn cho việc điều trị tổn thương sụn khớp và viêm xương khớp. Nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng tế bào gốc từ nhiều nguồn khác nhau để điều trị viêm xương khớp với tỉ lệ thành công khác nhau.Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp, các tế bào gốc trung mô (MSCs) được cho là thích hợp nhất cho điều trị. MSCs là loại tế bào đa tiềm năng có khả năng biệt hóa thành xương, sụn, mỡ và một số tế bào khác (Prockop và cs, 1997). MSCs được phân lập từ nhiều nguồn khác chẳng hạn như tủy xương (Phadnis và cs, 2011), mô mỡ (Estes và cs, 2010), máu cuống rốn (Reinisch và cs, 2007),  máu cuống rốn đã bảo quản trong ngân hàng (Phuc và cs, 2011), dây rốn (Farias và cs, 2011), lớp Wharton's jelly (Peng và cs, 2011), nhau thai (Pilz và cs, 2011) và tủy răng (Spath và cs, 2010).Trong đó, MSCs từ tủy xương (Lubis và cs, 2012; Kasemkijwattana và cs, 2011; Davatchi và cs, 2011) và từ mô mỡ (Centeno và cs, 2008; Frisbie và cs, 2009; Pak, 2011) là hai nguồn tế bào gốc chính được sử dụng để chữa trị thoái hóa sụn khớp vì sự dễ dàng trong khâu thu nhận. Hơn nữa, mô mỡ đã được thương mại hóa như là nguồn MSCs tốt nhất để điều trị.

     Tế bào gốc trung mô từ mô mỡ hay còn gọi là tế bào gốc thu từ mô mỡ (adipose derived stem cells-ADSCs) đã được mở rộng nghiên cứu cận lâm sàng để điều trị tổn thương sụn và viêm xương khớp trên các mô hình động vật như chó (Black và cs, 2007; 2008; Guercio và cs, 2012), thỏ (Toghraie và cs, 2011), ngựa(Frisbie và cs, 2009), chuột rat (Lee và cs, 2012), chuột nhắt (Ter Huurne và cs, 2011) và dê (Murphy và cs, 2003). Kết quả từ các nghiên cứu đã chứng minh có sự tăng sinh của sụn mới từ ADSC cấy ghép đồng thời thúc đẩy các thử nghiệm lâm sàng sau đó. Ví dụ, Park (2011) cho thấy sự thay đổi có ý tích cực đáng kể cho tất cả bệnh nhân được cấy ghép ADSCs. Nhiều thử nghiệm lâm sàng ở pha I và II sử dụng ADSCs điều trị viêm xương khớp và thoái hóa sụn được thực hiện (NCT01300598, NCT01585857, NCT01399749).

Trong hầu hết các thử nghiệm ghép, phân đoạn SVF được sử dụng như là ADSC chưa nuôi cấy (non-expanded ADSC) để điều trị. Việc sử dụng SVF có một số lợi điểm như thời gian thu nhận đến ghép nhanh (khoảng 2-3 giờ), không tốn kém chi phí nuôi cấy và tăng sinh nên chi phí điều trị giảm.


                                                                                                                                                                                                                                                 
 TS. Nguyễn Văn Long

Khoa Sinh học Phân tử (C17) - Bệnh viện TƯQĐ 108

Chia sẻ