Vết thương có thể là do nguyên nhân chấn thương, cơ học, bỏng nhiệt hay hóa học. Vết loét xảy ra khi người bệnh nằm lâu, ít thay đổi tư thế, vị trí thường gặp ở các vị trí bị tỳ đè: chẩm, bả vai, cùng cụt, mấu chuyển, gót, mắt cá chân và loét do bệnh lý thần kinh.
Quá trình liền vết thương, vết loét có thể chia làm 3 giai đoạn:
– Giai đoạn cầm máu ngay sau khi có vết thương.
– Giai đoạn kết hạt và tái tạo biểu mô.
– Giai đoạn tu sửa da và tạo hình.
Một số yếu tố ảnh hưởng tốc độ lành vết thương, vết loét: tuổi tác, tình trạng toàn thân, thuốc dùng, dinh dưỡng, chăm sóc tại chỗ.
Ðiều trị vết thương, vết loét bằng vật lý trị liệu:
Các phương pháp vật lý ứng dụng trong điều trị vết thương, vết loét có tác dụng vào giai đoạn hai và giai đoạn ba của quá trình lành vết thương, vết loét thông qua cơ chế sát khuẩn bề mặt, giãn mạch tại chỗ, tăng cường tuần hoàn làm tăng quá trình thực bào do đó có tác dụng chống viêm, giảm phù nề; Đồng thời, các phương pháp này cũng góp phần tăng quá trình dinh dưỡng tại chỗ, tăng tái sinh mô, kích thích mô hạt, tăng cường mô liên kết collagen, tăng sinh biểu bì giúp mau liền vết thương, liền sẹo. Ngoài ra các phương pháp này còn có tác dụng kích thích các dây thần kinh cảm giác gây ức chế các cơn đau vùng điều trị.
Tùy thuộc vào kích thước, vị trí, độ nông hay sâu, nguyên nhân gây nên vết thương, vết loét, cũng như tình trạng nhiễm khuẩn, giai đoạn tiến triển của vết thương, vết loét có thể lựa chọn hai hay nhiều phương pháp vật lý trị liệu kết hợp với nhau đem lại hiệu quả điều trị cao. Các phương pháp vật lý có thể lựa chọn bao gồm: sóng ngắn, tử ngoại, laser công suất thấp, plasma lạnh, siêu âm, từ trường, điện xung vi dòng.

Vết thương vùng khuỷu 2 tuần lâu liền

Sau 3 ngày điều trị bằng các phương pháp VLTL
Thực hiện: BS Hồng Thúy, KTV Thu Hương
Khoa VLTL-PHCN, Bệnh viện TWQĐ 108