Hình ảnh minh họa người bệnh có rối loạn nuốt sau đột quỵ não
Tại sao người bệnh bị rối loạn nuốt?
Rối loạn nuốt là một trong những vấn đề thường gặp nhất và xảy ra sớm nhất sau đột quỵ não (có thể gặp ở 30% - 67% người bệnh đột quỵ não), chủ yếu gặp ở tổn thương hệ tuần hoàn sau. Khi có tổn thương vùng thân não sẽ làm cho cơ hầu họng bị liệt dẫn đến triệu chứng nuốt khó, người bệnh gặp khó khăn khi nuốt thức ăn thức uống, thậm chí khó nuốt ngay cả khi nuốt nước bọt.
Nhận biết rối loạn nuốt như thế nào?
Thông thường có 3 giai đoạn rối loạn nuốt cần được phát hiện và đánh giá:
Rối loạn giai đoạn miệng: Tồn đọng thức ăn trong miệng; chảy nước dãi; rơi vãi thức ăn.
Rối loạn giai đoạn hầu họng: Trào ngược miệng – mũi; khó khăn trong khởi đầu nuốt, trì hoãn nuốt; ho hoặc sặc khi nuốt; thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau khi nuốt; ho chủ động không hiệu quả.
Rối loạn giai đoạn thực quản: Cảm giác thức ăn còn đọng ở cổ, ngực; viêm phổi gần đây; sụt cân không rõ nguyên nhân; thay đổi thói quen ăn uống.
Có nhiều cách phát hiện người bệnh bị rối loạn nuốt tùy theo các trường hợp cụ thể:
- Nếu người bệnh đang nằm viện, rối loạn nuốt sẽ được bác sĩ phát hiện bằng kiểm tra vận động cơ hầu họng, lưỡi, thực hiện nghiệm pháp GUSS (Gugging Swallowing Screen), thang điểm MASA, các biện pháp chẩn đoán can thiệp như nội soi ống mềm, chiếu X-quang uống Barit quay video hoặc đánh giá độ bão hòa oxy mao mạch...
- Nếu người bệnh đang được chăm sóc ở nhà, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu sau đây:
Khi đang ăn uống thì thức ăn, nước uống trong miệng chảy ra ngoài, rơi vãi thức ăn. Bệnh nhân thường xuyên bị chảy nước bọt, nước bọt bị đọng nhiều trong miệng.
Khó khăn trong việc cắn, nhai, dùng lưỡi di chuyển thức ăn, ngậm thức ăn lâu, phải gắng sức khi nuốt, khi nuốt rồi vẫn thấy thức ăn vướng trong họng.
Bệnh nhân bị ho hoặc sặc khi nuốt. Thường xuyên ho khi đang nhai chưa nuốt, khi mới nuốt và một thời gian lâu sau khi nuốt.
Bệnh nhân bị thay đổi giọng nói, tốc độ nói sau ăn.
Bị viêm phổi tái phát nhiều lần, sụt cân không rõ nguyên nhân, thay đổi thói quen ăn uống.
Do các biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng nên nếu có nghi ngờ người bệnh đang bị rối loạn nuốt sau tai biến mạch máu não, người nhà nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Làm thế nào để điều trị phục hồi rối loạn nuốt trong đột quỵ não?
Người bệnh có thể vận dụng các bài tập phục hồi chức năng nuốt như:
- Thay đổi tư thế khi nuốt: gặp cằm ra trước khi nuốt ở tư thế đầu 30-45 độ, xoay mặt về bên liệt khi nuốt, nghiêng đầu sang bên lành.
- Các bài tập giúp gia tăng nhận thức về cảm giác mặn, ngọt, nóng, lạnh… để kích thích phản xạ nuốt.
- Các bài tập vận động lưỡi, tập phát âm để giúp làm tăng độ mạnh, độ bền của các cơ môi, lưỡi hàm. Các bài tập nuốt gắng sức, tập đẩy hàm, tập nuốt với kích thích nuốt, tập nhóm cơ hỗ trợ nuốt...giúp làm sạch họng và giảm tồn đọng thức ăn, nước bọt ở miệng.
Đối với người bệnh có rối loạn nuốt nghiêm trọng, hầu họng bị liệt và không thể ăn uống được, người bệnh sẽ được chỉ định cho ăn qua ruột bằng cách đặt sonde miệng-dạ dày; sonde mũi- dạ dày; mở dạ dày qua da bằng nội soi; mở hỗng tràng qua da bằng nội soi; hoặc nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch... đây là phương pháp điều trị xâm lấn đối với người bênh rối loạn nuốt.
Bên cạnh đó, người bệnh có rối loạn nuốt cần lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, có thể tham khảo thông tin từ Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ về 4 mức độ sau: Mức độ 1: Thức ăn xay nhuyễn, có độ kết dính cao, dạng pudding, yêu cầu nhai rất ít; Mức độ 2: Thay đổi về mặt cơ học (Thức ăn kết dính, ẩm, cần nhai một chút); Mức độ 3: Tiến bộ (Thức ăn mềm đòi hỏi nhai nhiều hơn); Mức độ 4: Bình thường (Không hạn chế, cho phép mọi loại thức ăn).
Phát hiện sớm rối loạn nuốt trong đột quỵ não và điều trị kịp thời giúp bệnh nhân hạn chế các biến chứng, chức năng nuốt và việc ăn uống được sớm phục hồi.
Bs. Nguyễn Hải Linh
Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện TWQĐ 108