Phương pháp IVF “ba bố mẹ” giúp ngăn ngừa bệnh di truyền

  09:05 AM 10/01/2017
SKĐS - Nước Anh vừa trở thành quốc gia đầu tiên chính thức cho phép áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) để tạo nên em bé từ ba bố mẹ.

Ngày 15/12 vừa qua, Cơ quan kiểm soát thụ tinh và phôi (HFEA) của nước Anh cuối cùng đã công bố quyết định cho phép áp dụng phương pháp điều trị được gọi là chuyển đổi ti thể để tạo ra em bé từ ba bố mẹ, một quyết định đã được mong đợi trong một thời gian dài. Phương pháp này sẽ giúp ngăn ngừa những bệnh di truyền mà không thể chữa khỏi.

IVF “ba bố mẹ” là gì?

Phương pháp có tên gọi là IVF “ba bố mẹ” bởi vì em bé được sinh ra từ phôi đã được biến đổi gene như vậy sẽ có ADN từ mẹ ruột, cha ruột và một người hiến tặng là nữ. Kỹ thuật này cho phép can thiệp trong quá trình thụ tinh để tách bỏ ti thể mang bệnh của người mẹ và sử dụng ti thể lành mạnh của người hiến tặng. Ti thể được coi là trung tâm sản xuất năng lượng nhỏ xíu trong tế bào và ti thể bị lỗi có thể gây ra những căn bệnh nan y về tim gan, rối loạn não bộ, mù và loạn dưỡng cơ.
Có hai chu trình khác nhau để có thể tạo ra em bé từ ba bố mẹ. Mỗi chu trình được tóm lược bằng 3 bước như sau:
Phương thức 1: Can thiệp phôi

Phương thức 1: Can thiệp phôi.

Bước 1: Trứng của mẹ ruột và trứng của người hiến tặng được thụ tinh, tạo thành hai phôi.
Bước 2: Tách tiền nhân có chứa gene di truyền khỏi cả hai phôi nhưng chỉ giữ lại tiền phôi được tạo từ bố mẹ ruột.
Bước 3: Tạo ra phôi khỏe mạnh bằng cách đưa tiền nhân của phôi được tạo từ bố mẹ ruột vào phôi của người hiến tặng, sau đó phôi khỏe mạnh này sẽ được cấy vào tử cung.

Phương thức 2: Can thiệp trứng


Phương thức 2: Can thiệp trứng
Bước 1: Lấy trứng của mẹ ruột với các ty thể mang bệnh và trứng của người hiến tặng với các ty thể khỏe mạnh.
Bước 2: Tách nhân khỏi cả hai trứng.
Bước 3: Đưa nhân lấy từ trứng của mẹ ruột vào trứng của người hiến tặng. Trứng được tạo thành từ bước này có nhân từ trứng của mẹ ruột và các ty thể khỏe mạnh từ trứng của người hiến tặng. Sau đó, trứng được thụ tinh và cấy vào tử cung.

Năm ngoái, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu để thay đổi luật cho phép áp dụng phương pháp này khi phương pháp này được cấp phép. Như vậy, quyết định cấp phép trên của HFEA đồng nghĩa với việc đứa trẻ đầu tiên ở Anh theo phương pháp này có thể sẽ chào đời vào năm 2017.


Nhiều ý kiến tranh cãi

Ông Mark Walport - Trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh đã ca ngợi quyết định của HFEA là sự đánh giá “cẩn trọng và đầy cân nhắc” nhằm đưa nước Anh vào vị thế quốc gia dẫn đầu về tiến bộ y học. GS. Dagan Wells từ Trung tâm nghiên cứu y sinh của Đại học Oxford danh tiếng cũng nhận định: “Hiến tặng ti thể đem lại cơ hội thực sự để chữa khỏi những loại bệnh di truyền nghiêm trọng và đem lại hy vọng cho hàng trăm gia đình ở Anh”. Ông cũng là một trong rất nhiều chuyên gia ủng hộ quyết định này.
Tuy nhiên, quyết định này cũng phải đối mặt với sự phản đối không nhỏ. David King từ tổ chức vận động Human Genetics Alert cho rằng quyết định này của HFEA sẽ cho phép áp dụng “loại công nghệ nguy hiểm và không cần thiết về mặt y học” và “mở đường cho một thế giới đầy “những em bé được thiết kế” trên cơ sở biến đổi gene”.
Tính đến nay, các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đã nghiên cứu và thử nghiệm kĩ thuật này trong một loạt thí nghiệm tiền lâm sàng nhưng việc thực hiện trên thực tế vẫn chưa được tiến hành tại Anh. Tuy nhiên, em bé được chuyển đổi ti thể đầu tiên và duy nhất đã chào đời đầu năm nay sau khi các bác sĩ Hoa Kỳ giúp một cặp vợ chồng người Jordan thụ thai nhờ phương pháp “ba bố mẹ” tại một phòng khám ở Mexico.
Jeremy Farrar - Giám đốc của Tổ chức từ thiện toàn cầu Wellcome Trust nhận định đây là “một bước ngoặt lớn đối với những người có bệnh liên quan ti thể”. Phương pháp này nhằm giúp các gia đình có bệnh về ti thể không thể chữa khỏi và di truyền từ mẹ sang con với tỷ lệ ảnh hưởng là 1/6.500 trẻ em trên toàn thế giới.
Theo SKĐS.
Chia sẻ