Phẫu thuật bơm xi măng tạo hình thân đốt sống qua da

  02:13 PM 25/02/2020
Xẹp, phù nề thân đốt sống là một trong những biến chứng thường gặp do loãng xương, sau chấn thương hoặc do các tổn thương bệnh lý khác (U máu thân đốt, tổn thương thứ phát do di căn..) trên nền bệnh nhân loãng xương, gây đau lưng nhiều cho bệnh nhân và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua cuống là một phẫu thuật ít xâm lấn: Xi măng sinh học được bơm vào thân đốt sống với mục đích giảm đau, nâng chiều cao thân đốt sống, tái khôi phục đường cong sinh lý và tăng độ vững  cho cột sống.

1. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

- Gãy xẹp đốt sống gây đau có dấu hiệu phù nề thân đốt sống trên phim chụp cộng hưởng từ.

- Làm cứng dự phòng do những “đốt sống yếu” trước khi phẫu thuật.

- Làm tăng cường độ cứng cho thân đốt sống trong phẫu thuật hàn xương.

- Những BN không có xẹp thân đốt sống nhưng đốt sống phù nề, tổn thương và gây đau tại chỗ tương ứng như u máu thân đốt sống, di căn cột sống …

Chống chỉ định:

- Rối loạn đông máu

- Nhiễm trùng tại chỗ vùng cột sống cần can thiệp hoặc tình trạng nhiễm trùng toàn thân

- Tổn thương đốt sống có chèn ép ống sống với triệu chứng của tủy hoặc rễ.

- Xẹp quá 50% chiều cao thân đốt sống

- Xẹp đốt sống nhưng không có loãng xương

- Xẹp đốt sống nhưng BN  không đau hoặc đau rất ít cũng nên cân nhắc chỉ định bơm xi măng

Ngoài ra, tuy không chống chỉ định tuyệt đối, nhưng cần thận trọng trong những trường hợp thành sau thân đốt sống bị vỡ, sẽ làm tăng cao nguy cơ thoát xi măng vào trong ống sống gây chèn ép tổ chức thần kinh.

Ưu điểm của kỹ thuật

- Phương pháp can thiệp tối thiểu (vết chọc kim <5mm trên da), nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

- Người bệnh có thể đứng dậy đi lại sớm, giảm đau cột sống (sau 4-5h).

2. Quy trình thực hiện

1. Xác định điểm vào thân đốt sống tổn thương qua cuống trên C-arm

2. Tê tại chỗ vùng chọc kim.

3. Bơm thuốc cản quang kiểm tra sự toàn vẹn của các thành đốt sống.

4. Pha trộn xi măng để chuận bị bơm

5. Bơm xi măng qua kim định vị rỗng nòng vào thân đốt sống, đây là thì quan trọng nhất. Chúng ta cần bơm xi măng với tốc độ chậm dưới sự kiểm soát của C-arm và theo dõi diễn biến lâm sàng của bệnh nhân (Đau, vận động hai chân …)

7. Kiểm tra bằng C-arm hai bình diện thêm một lần nữa để chắc chắn xi măng chỉ nằm khu trú trong thân đốt sống.

8. Rút kim bơm và băng vết mổ

3. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

- Kết quả tốt thể hiện ở việc xi măng ngấm lan tỏa trong thân đốt sống bị xẹp, không thoát xi măng ra ngoài thân đốt sống.

- Sau thời gian chờ xi măng đông cứng hoàn toàn (4 tiếng) người bệnh có thể đứng dậy đi lại, giảm đau cột sống rõ rệt.

4. Điều trị loãng xương sau phẫu thuật

Mục tiêu điều trị loãng xương sau mổ là ngăn chặn tình trạng gãy xương. Điều đó có thể đạt được bằng cách:

- Tăng cường khối lượng xương trong giai đoạn phát triển xương

- Ngăn chặn sự mất xương.

- Phục hồi vô cơ hóa xương và cấu trúc xương đã có loãng xương.

4.1. Các biện pháp không dùng thuốc

Cần thay đổi lối sống, một số thói quen sinh hoạt là góp phần quan trọng vào việc tăng sức khỏe cho bộ xương của mỗi người.

- Tập luyện thể lực, thể thao thường xuyên:

+ Tập chịu đựng sức nặng của cơ thể như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ…

+ Tập sức mạnh cho cơ: tập kháng lực, nhấc vật nặng phù hợp với khả năng của từng người nếu không có chống chỉ định.

- Đảm bảo chế độ ăn giàu canxi trong suốt cuộc đời. Nếu cần, có thể sử dụng cả thuốc để bổ xung canxi và vitamin D. Tránh sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu, bia, không hút thuốc lá...

4.2. Các biện pháp dùng thuốc

* Thuốc bổ xung bắt buộc:

+ Đảm bảo đủ lượng canxi đưa vào cơ thể 1.000 – 1200mg/ ngày

+ Đảm bảo đủ lượng vitamin D đưa vào cơ thể 800 – 1.000IU/ ngày.

* Các thuốc chống hủy xương: Ức chế hoạt động của tế bào hủy xương
- Thuốc nhóm Biphosphonate: là nhóm thuốc lựa chọn đầu tiên để điều trị loãng xương ở người cao tuổi (> 60 tuổi), phụ nữ sau mãn kinh, sau dùng corticosteroid.
+ Alendronate: Fosamax plus (Alendronate 70mg + Cholecalciferol 2.800IU) hoặc Fosamax 5600 (Alendronate 70mg + Cholecalciferol 5.600IU).

Liều lượng: 1 viên/ tuần

Cách dùng: uống vào buổi sáng, khi đói. Bệnh nhân không nằm sau khi uống thuốc ít nhất 30 phút nhằm làm giảm biến chứng viêm loét thực quản.

+ Zoledronic acid (Aclasta, 5mg/ 100ml)

Liều lượng: 1 chai 5mg/ năm, liều duy nhất

Cách dùng: Truyền tĩnh mạch chậm 1 chai 5mg/ 100ml trong thời gian trên 30 phút. Cần đảm bảo đủ lượng canxi và vitamin D cho bệnh nhân trước truyền thuốc.
Chống chỉ định: bệnh nhân có chức năng thận suy giảm (hệ số thanh thải Creatinin ≤ 30ml/ phút) hoặc những bệnh nhân có rối loạn nhịp tim.

+ Calcitonine:

Chỉ định: bệnh nhân mới có gãy xương kèm đau xương nhiều do loãng xương. Cần kết hợp điều trị cùng nhóm biphosphonate.

Liều lượng: 50-100IU/ ngày, trong vòng 10-15 ngày/ đợt điều trị

Cách dùng: tiêm dưới da hoặc tiêm bắp sau ăn.

Thận trọng: một số trường hợp có tiền sử dị ứng cần thử test da trước khi tiêm, không sử dụng thuốc liên tục, kéo dài.

- Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs): Raloxifen (Evista)

Chỉ định: phụ nữ loãng xương sau mãn kinh

Liều lượng: viên 60mg/ ngày, thời gian dùng không quá 2 năm

* Các nhóm thuốc khác

- Nhóm thuốc tăng tạo xương và ức chế hủy xương: Strontium ranelate (Protelos): Liều dùng 2g/ ngày. Cách dùng: uống một lần duy nhất vào buổi tối, sau ăn 2h
Tuy nhiên, do những tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc trên hệ tim mạch nên hiện thuốc chưa được áp dụng điều trị rộng rãi trên lâm sàng

- Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa: Deca-Durabulin và Durabolin

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA

Hình 1: Phẫu thuật bơm xi măng tạo hình thân đốt tại Khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện TƯQĐ 108

Hình 2: Hình ảnh x-quang cột sống sau bơm xi măng

BS. Trần Quang Dũng – Khoa Ngoại thần kinh

Chia sẻ