Nơi có những mốc son chói lọi

  10:21 AM 08/04/2021
Hàng năm cứ đến ngày 1 tháng 4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lại có dịp ôn lại truyền thống vẻ vang của chặng đường dài phục vụ Quân đội và Nhân dân với hàng trăm dấu mốc chói lọi trong trang sử vàng “Lương y như từ mẫu”.

Biên tập viên cao cấp Kim Quốc Hoa và Trung tướng GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng Giám đốc Bệnh viên Trung ương Quân đội 108

Năm nay, kỉ niệm 69 năm ngày thành lập (01/4/1951-01/4/2020), hàng nghìn cán bộ, nhân viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - những người trọn vẹn với y phục màu trắng không có cơ hội tụ họp đông đủ (do COVID-19) để ôn truyền thống nhưng ai cũng đầy lòng hứng khởi, tự hào, hãnh diện với quá khứ vinh quang và chặng đường sán lạn phía trước.

Tôi là phóng viên của ngành Hậu cần Quân đội từ những năm chống Mỹ cứu nước, được trực tiếp theo dõi và có mối quan hệ thân thiết với Bệnh viện này cho đến hết năm 1990 chuyển ngành ra khỏi Quân đội. Thời kì đó, ở Báo Quân đội Nhân dân có nhà báo Nguyễn Trần Thiết, ở Báo Nhân dân có phóng viên Duy Phục, ở Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân có nhà báo Lương Ngọc Bảo, v.v… chuyên theo dõi ngành Hậu cần Quân đội nên cũng là những người làm báo tâm huyết, thân thiết với ngành Quân y, đặc biệt với Viện Quân y 108. Tôi và nhiều người thân của mình còn là bệnh nhân được Bệnh viện điều trị, điều dưỡng chu đáo theo chế độ bao cấp. Những nhà báo chúng tôi luôn được lãnh đạo Viện, thông qua bộ phận Tuyên huấn, Cơ quan Chính trị cung cấp thông tin.

Hồi ấy, không có công nghệ và trang bị hiện đại như bây giờ. Công cụ tác nghiệp là chiếc bút máy Trường Sơn (bơm mực), sổ tay ghi chép, chiếc máy ảnh cọc cạch. Máy ghi âm chỉ phóng viên phát thanh mới có, đeo lủng lảng như hộp đồ của thợ cắt tóc. Báo Quân đội Nhân dân ra hàng ngày với 4 trang in, còn Báo Chiến sĩ Hậu cần của tôi ra nửa tháng rồi một tuần/kỳ in ti-pô. Nhà in của Tổng cục Hậu cần với “công nghệ” xếp chữ “cứt chuột”, ảnh làm bằng kẽm đóng ghép trên miếng gỗ vuông. Tin, bài viết sau 7 đến 10 ngày bạn đọc mới biết. Tuy vậy, những bài viết của chúng tôi bổ ích lắm. Báo đến tay bạn đọc họ vui như nhận được quà. Các thầy thuốc, nhân viên và người bệnh trân trọng, chuyền tay nhau đọc cho đến ô báo trang cuối cùng. Hàng tuần ở các khoa có nếp tập trung thương bệnh binh nghe đọc báo. Những tin, bài về Bệnh viện bao giờ cũng được ưu tiên đọc trước.

Hầu hết các nhà báo thuộc Bộ Quốc phòng đều tập trung tại phố Lý Nam Đế. Nhiều người ở trong thành nên liên hệ với nhau rất tiện. Mỗi khi Viện 108 có “sự kiện”, chúng tôi ới nhau, hẹn giờ cùng đua xe đạp đi tới. Thời chống Mỹ, lãnh đạo Bệnh viện đều mang quân hàm Đại tá, Thượng tá, có vị còn Trung tá. Chính ủy Lê Đình Lý, Viện trưởng Nguyễn Thế Khánh, các Phó Viện trưởng Phạm Gia Triệu, Nguyễn Ngọc Doãn, Nguyễn Huy Phan, Phạm Tử Dương, Bùi Đại, v.v… là đội hình như vậy. Vào những năm 80 thế kỉ trước thì các vị lãnh đạo này hầu hết được mang hàm tướng, được phong học hàm Giáo sư, Phó giáo sư, có những người được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Dịp trung tuần tháng 12 năm 1972, khi giặc Mỹ cho B.52 ồ ạt ném bom miền Bắc, ác liệt nhất là Hà Nội, Hải Phòng thì Bệnh viện 108 vô cùng tất bật. Thương binh ngoài trận địa dồn dập về. Hầu hết các khoa nội đi sơ tán ở các địa phương nhưng số bác sĩ ngoại thì kiên cường bám trụ. Có lần tôi và anh Nguyễn Trần Thiết đến lấy tin, được chứng kiến bác sĩ Phạm Gia Triệu trong phòng mổ dưới hầm luôn tay mổ sọ não và cột sống cho thương binh. Bàn tay vàng của ông nhẹ nhàng gắp từng mảnh xương sọ bị vỡ, rồi khéo léo ghép nó vào vị trí, khâu kín lại một cách điêu luyện. Cũng tại khu vực hầm, Quyền Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng đang được chạy thận nhân tạo. Cuộc chiến của những người thầy thuốc khi ấy căng thẳng, quyết liệt không kém ngoài trận địa phòng không bảo vệ bầu trời. Chính ủy Lê Đình Lý nói với tôi: “Sự sống còn của những thương binh hơn lúc nào hết trông chờ vào người thầy thuốc, mẹ hiền. Những ca mổ cứ nối tiếp, liên tục khiến anh Triệu và cộng sự quên ăn, quên ngủ giành giật từng phút để cứu chữa cho anh em”. Sau này, bác sĩ Phạm Gia Triệu được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân có thành tích nổi bật đó, rồi được phong Học hàm Giáo sư đợt đầu của Viện Quân y 108 và tiếp đến là phong hàm Thiếu tướng.

Thời kì ấy, một số thương binh bị đứt bộ phận sinh dục. Bác sĩ Nguyễn Huy Phan rất giỏi phẫu thuật tạo hình (nhất là hàm mặt) đã dày công nghiên cứu và tạo hình dương vật thành công cho một số thương binh, một số trẻ em và người dân. Ít lâu sau về quê họ có vợ, sinh con ngập tràn hạnh phúc. Thành công này khi ấy giống như thành công ghép tạng bây giờ. Nhà báo Nguyễn Trần Thiết và tôi viết đăng trên báo, toàn quân, toàn ngành Hậu cần hoan hỉ. Một số lần đưa tin, viết bài về cấp cứu hồi sức, bộ môn này do bác sĩ Lê Xuân Thục làm Trưởng khoa. Anh Thục quê Hưng Yên, bạn nối khố với nhà văn Lê Lựu. Tôi lại thân thiết với anh Lựu nên cũng thân thiết với bác sĩ Thục. Tôi viết bài, đưa tin về chiến công của khoa này, được coi là mẫu mực về tinh thần chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh (sau này Khoa được phong Đơn vị Anh hùng). Bác sĩ Lê Xuân Thục trở thành Phó Viện trưởng. Anh ngồi phòng làm việc chỉ khoảng 10m2 trên tầng 4 tòa gần cổng viện, bên trên Khoa Y học dân tộc. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau. Anh khen tôi viết những tin hay về 108.

Năm 1978, Tổng cục Hậu cần tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng. Cục Chính trị chọn một số cá nhân tiêu biểu để báo cáo điển hình. Trước khi diễn ra, các gương mặt tiêu biểu tập trung về Trạm 66 để có một nhóm chuyên gia hướng dẫn, giúp viết báo cáo cho “kêu”. Tôi được giao hướng dẫn bác sĩ Nguyễn Huy Phan, bác sĩ Nguyễn Thiện Nghị, Chủ nhiệm Khoa Sinh hóa (Viện Quân y 108), bác sĩ Lê Thế Trung (Viện Quân y 103), lái xe Bộ đội Trường Sơn Phan Văn Quý. Đây là cơ hội để tôi có dịp tìm hiểu sâu về những con người anh hùng thầm lặng của mặt trận Hậu cần. Thời gian sau đó, trên báo chí xuất hiện những bài viết của tôi về tất cả những điển hình mà tôi hướng dẫn làm báo cáo thành tích. Có những người được phong Anh hùng sau đó. Tương tự vậy, năm 1986 tôi viết loạt bài nhiều kì đăng trên trang 2 Báo Quân đội Nhân dân về những thành tích nổi bật của bác sĩ Bùi Đại, rất giỏi về chữa bệnh sốt rét cho bộ đội. Vài tháng sau, cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ, có xem xét đến nội dung bài báo của tôi để đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Giáo sư, Thiếu tướng Bùi Đại (tiếp đến là Trung tướng).

Còn nhiều kỉ niệm về những sự tích, những mốc son sáng giá của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà tôi không thể viết ra hết được.

Ngày nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thật sự là một Trung tâm Y tế hàng đầu của đất nước, anh cả trong các bệnh viện Quân y. Những ngôi nhà cổ thời Pháp thuộc, những tòa nhà Liên Xô giúp đỡ, viện trợ xây dựng không còn nữa. Thay vào đó là hai tòa cao ốc hình cánh buồm sừng sững giữa không gian Trung tâm Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của khát vọng vươn xa, vươn cao. Với 2.000 giường hợp chuẩn quốc tế, có đội ngũ thầy thuộc gồm hàng trăm Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa, rất nhiều Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú v.v… kế cận, tiếp nối thế hệ cha anh xứng danh một thời, đang tiếp tục lập kì tích trên mặt trận khám, chữa bệnh cho Bộ đội, Nhân dân. Họ đã và đang lập nhiều kì tích mới: Xây dựng hàng loạt phác đồ điều trị tiên tiến, khám bệnh bằng công nghệ cao và thành công hàng loạt ca ghép tạng, ghép cánh tay đã đứt rời hơn một năm, v.v...

Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện nói với tôi: “Tiếp tục truyền thống Đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân, nối bước thế hệ đi trước, Bệnh viện quyết tâm bứt phá, đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ Y khoa mới, xây dựng Bệnh viện mang tầm cỡ quốc tế một cách toàn diện để trở thành Bệnh viện đặc biệt của ngành và Quân đội”.

Bút kí của Kim Quốc Hoa-Nguyên Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi

 

Chia sẻ