Những vấn đề thường gặp của bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ

  10:31 AM 16/09/2015
Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đòi hỏi phải điều trị thay thế thận (thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận), và họ gặp phải rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Thận nhân tạo là biện pháp thay thế thận được áp dụng rộng rãi, tuổi thọ của bệnh nhân lọc máu đã được kéo dài, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với tuổi thọ chung trong dân số.

Trong khi lọc máu có thể thay thế một phần chức năng thận nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp phải những vấn đề sau.
1. Huyết áp thấp (tụt huyết áp): tụt huyết áp là biến chứng khá thường gặp trong lọc máu, đặc biệt là ở bệnh nhân đái tháo đường. Tụt huyết áp có thể kèm theo khó thở, đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn.
2. Chuột rút: thường gặp trong lọc máu nhưng nguyên nhân không rõ ràng. Đôi khi chuột rút được điều chỉnh rất dễ dàng bằng cách điều chỉnh lượng rút cân và lượng muối trong quá trình lọc cũng như giữa 2 lần lọc máu.
3. Ngứa: đây là triệu chứng khá thường gặp do lắng đọng các độc tố, có thể nặng thêm trong và sau cuộc lọc.
4. Khó ngủ và ngừng thở trong khi ngủ: là vấn đề mà nhiều bệnh nhân gặp phải, nguyên nhân là do đau nhức xương, khó chịu hoặc bồn chồn chân tay.
5. Thiếu máu: suy thận sẽ dẫn đến thiếu hụt yếu tố tạo máu (Erythropoietin) gây thiếu máu (chủ yếu là dòng hồng cầu), làm bệnh nhân mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt. Việc ăn kiêng, kém hấp thu sắt, lấy máu làm xét nghiệm hoặc mất sắt và vitamin trong lọc máu cũng góp phần làm nặng thêm tình trạng thiếu máu.
6. Bệnh lý về xương: suy thận sẽ làm giảm hấp thu và chuyển hóa vitamin D thành Canxi, dẫn đến loãng xương. Thêm vào đó, một biến chứng cũng rất hay gặp trong suy thận mạn là cường cận giáp thứ pháp (hóc môn PTH tăng cao) sẽ huy động can xi từ xương vào máu, càng làm bệnh lý về xương nặng nề.
7. Tăng huyết áp: không tiết chế chế độ ăn: một chế độ ăn nhiều muối hoặc uống quá nhiều nước có thể dẫn đến tăng huyết áp, nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
8. Quá tải dịch: uống hoặc truyền quá nhiều dịch giữa 2 lần lọc, tức là tăng cân nhiều (trên 10% trọng lượng cơ thể) có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng: suy tim, phù phổi cấp.
9. Viêm màng ngoài tim: lọc máu không đầy đủ có thể gây ra viêm màng ngoài tim là cản trở khả năng bơm máu của tim đến các bộ phận trong cơ thể.
10. Tăng kali máu: kali là một chất điện giải trong cơ thể, được bài tiết ra ngoài bởi thận, suy thận sẽ giảm khả năng bài tiết kali. Nếu ăn nhiều thức ăn có hàm lượng kali cao sẽ dẫn đến tăng kali máu, dẫn đến rối loạn nhịp tim và ngừng tim.
11. Những biến chứng liên quan đến vị trí lấy máu: nhiễm trùng máu (đường vào là catheter tĩnh mạch hoặc vị trí lấy máu ra và trả máu về), hẹp, tắc hoặc phình mạch cầu nối, ảnh hưởng đến chất lượng lọc máu. Do đó bệnh nhân cần được kiểm tra và chăm sóc catheter và cầu nối thật tốt.
12. Thoái hóa dạng bột: liên quan đến sự lắng đọng của các độc tố (beta 2 Microglobulin) ở các khớp xương, dẫn đến đau, hạn chế vận động và tràn dịch khớp. Bệnh gặp ở những bệnh nhân lọc máu trên 5 năm, thời gian lọc máu càng dài thì tỉ lệ càng nhiều.
13. Trầm cảm: những thay đổi về cảm xúc rất thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn. Bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm hoặc lo âu cần được thăm khám và có liệu pháp điều trị phù hợp.

Khoa Lọc máu - Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ