Những ngày trực khó quên

  11:08 AM 15/03/2022
“Covid dù ít dù nhiều cũng đã lấy đi của chúng ta nhiều thứ, nhưng nó cũng mang lại cơ hội quý giá để mọi người có thể xích lại gần nhau hơn”. Công việc hàng ngày của chúng tôi vẫn luôn là như vậy, nhưng kể từ khi đối mặt với Covid-19, chúng tôi như có thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ và những ngày trực khó quên.

Hôm đó, khi nhân viên trực của khoa thông báo dương tính Covid-19, tôi gọi thông báo cho chồng, con về lịch trực thay đồng đội. Vừa tắt điện thoại, cùng lúc 2 bệnh nhân bị tai nạn lao động đẩy vào. Chị kíp trưởng nhanh chóng liên hệ bác sĩ trực để khám, hội chẩn phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh. Anh em bảo số tôi “vía nặng” lắm. Trực hôm nào cũng tất bật từ chiều tối đến sáng hôm sau. Hôm thì cấp cứu bệnh nhân đông, ra vào tấp nập. Hôm thì bệnh nhân ngừng tim, hôm lại diễn biến bất thường chuyển khoa Hồi sức tích cực tiếp tục điều trị… Ơ, chả có nhẽ, da đen đã đành, đến “vía” cũng lại đen thế à?

Nhìn hai bàn tay thấm đẫm máu cả garo, khuôn mặt nhăn nhó, kêu rên vì đau đớn, tôi đau đớn cùng vết thương của người bệnh và vội vàng bắt tay ngay vào công việc. Hai bệnh nhân còn trẻ quá, đang là lao động chính của gia đình, đều bị máy cắt gây tổn thương phức tạp bàn tay của họ. Sau khi băng bó cầm máu, dùng thuốc giảm đau cho hai bệnh nhân, tôi động viên họ chịu khó đợi do phòng mổ hiện tại đang kín lịch, dặn dò họ nhịn ăn trong quá trình đợi mổ.

Đàm Th. (23 tuổi) – quê Hưng Yên, nhăn nhó hỏi tôi :”Cho em xin xíu nước được không chị?”, tôi nhẹ kê tay bạn lên chiếc gối “Đặt tay cao lên như này cho đỡ nhức. Chỉ nhấp miệng chút thôi nhé, không uống no được em”. Th. mới đi làm được mấy tháng, chỉ chút lơ là, máy cắt đã gây đứt gần rời toàn bộ các ngón bàn tay trái của em.

Tôi quay sang Lò V. C (33 tuổi), ở Sơn La nói khẽ: “Cậu đừng ăn uống gì nhé. Vừa truyền thuốc giảm đau xong, một lúc nữa cơn đau sẽ đỡ hơn, ngủ chút đi cho đỡ mệt”.  Cậu xoay người, bóp chặt cánh tay mình:“Đau quá chị ạ, mai mốt tay này còn làm gì được chị ơi”. Hai vợ chồng cậu đi làm thuê trên Hà Nội, hai đứa con đang tuổi ăn học gửi ông bà. Sự đau đớn xen lẫn lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt cậu.

Bữa ăn tối muộn đến lúc 20h30, tôi và chị kíp trưởng úp vội 2 bát mì. Bát mì còn chưa kịp nở hết, bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông đẩy vào, chị bảo tôi “Mày ăn trước đi, chị nhận bệnh nhân cho”. Sau đó 2 chị em lại quanh quẩn với những cơn đau, tháo băng, dùng thuốc cho người bệnh mổ phiên trong ngày, đưa đón mổ - chụp Xquang cấp cứu.

Hướng dẫn người bệnh chăm sóc vết thương sau phẫu thuật bàn tay

Khi còn là sinh viên, tôi thường mơ ước được về Ngoại khoa để làm, tôi yêu thích sự nhanh nhẹn, khẩn trương của dân ngoại khoa. Trực những buổi đầu tiên của đời sinh viên, tôi không ngần ngại một mình leo lên xe cứu thương, cầm hộp thuốc chống sốc đưa người bệnh chấn thương sọ não từ Quốc Oai về Bệnh viện Việt Đức, tham gia đỡ đẻ những ca sản phụ sinh khó phải sử dụng Focep hay giác hút ở tuyến huyện…Đến bây giờ, mơ ước đã trở thành hiện thực, tôi thật vinh dự và tự hào khi làm trong môi trường ngoại khoa ở một bệnh viện đặc biệt tuyến cuối của quân đội đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm trong nghề hơn.

Tôi cùng đoàn công tác của Bệnh viện tham gia tăng cường TPHCM và  miền Nam chống dịch tháng 9/2021

Công tác tại Viện Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện TWQĐ 108, với 17 năm trong nghề, hơn 800 buổi trực, từ lúc còn là một cô điều dưỡng sợ hãi với những bàn tay đầy máu me… đến lúc trở thành một người không còn ngần ngại với những vết thương, đọng lại sau mỗi ca cấp cứu chỉ là những xót xa, ứ nghẹn khi nhìn thấy những bàn tay, đôi chân không còn lành lặn vì tai nạn. Mỗi vết thương bàn tay mở ra là cả sự lẫn lộn giữa máu, xương, phần mềm với đất cát, dầu mỡ, bụi bẩn… tất cả đều phải được cắt lọc, làm sạch và cố gắng bảo tồn để có thể tạo hình, che phủ chỗ còn lại, hạn chế đến mức thấp nhất sự mất mát cho người bệnh. Họ đều là người dân lao động, đôi tay họ, chính là miếng cơm, manh áo cho gia đình, cho con cái. Họ lo lắng về bệnh tật một phần, thì những lo lắng cho gia đình còn bội phần hơn khi đôi tay họ không còn lành lặn. Các bác sĩ, điều dưỡng trong kíp trực của chúng tôi, bỏ qua cả những mệt mỏi, những bữa cơm quá giờ, chỉ mong muốn kết thúc sự đau đớn này thật nhanh, mang lại sự phục hồi sớm cho người bệnh.

Trời càng về đêm mới thấm cái lạnh. Mở cửa sổ, cái lạnh thấm qua hai lớp khẩu trang, chiếc xe cấp cứu lướt nhanh vào cổng Cấp cứu của Bệnh viện. Tiếng điện thoại của phòng mổ, gọi đi đón bệnh nhân tiếp theo…và những ngày trực tiếp theo luôn cho tôi những trải nghiệm đáng quý.

Đại úy QNCN Nguyễn Thị Lệ Ngọc – Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ