Những điều cần lưu ý trước khi chụp xạ hình tưới máu cơ tim

  11:04 AM 06/05/2016

Kĩ thuật chụp xạ hình tưới máu cơ tim bao gồm hai pha: pha gắng sức và pha nghỉ. Trong pha gắng sức, bệnh nhân (BN) có thể được chỉ định gắng sức thể lực, gắng sức bằng thuốc giãn vành, thể lực kết hợp với thuốc giãn vành hoặc dobutamin.

Trước khi thực hiện kĩ thuật, bệnh nhân cần nhịn ăn 2 tiếng. BN cũng có thể ăn sáng nhẹ (ngũ cốc, hoa quả) nếu được xếp lịch vào cuối buổi sáng. Trong trường hợp BN gắng sức bằng thuốc giãn vành, các đồ ăn có chứa xanhthin (cà phê, trà, sô cô la...) cần tránh dùng trong 12 giờ, đồng thời các thuốc/hợp chất chứa methyl xanthine không được dùng trong vòng 72 giờ. Nếu BN gắng sức thể lực hoặc dobutamin, bệnh nhân cần tránh sử dụng các thuốc beta-blockers từ 2 – 5 ngày, thuốc chẹn canxi 2 – 4 ngày, thuốc nitrates 1 ngày. BN nên mặc quần áo thoải mái, tránh mang đồ kim loại khi gắng sức và chụp hình.

BN trong độ tuổi sinh đẻ cần đảm bảo không có thai hoặc không trong thời kỳ đang cho con bú.

Gắng sức thể lực sẽ được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân có thể gắng sức đạt yêu cầu. So với gắng sức bằng thuốc, gắng sức thể lực cung cấp nhiều thông tin hơn cho bác sĩ (sự xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, thay đổi về ST trên điện tim khi gắng sức, thay đổi về nhịp tim, huyết áp hay rối loạn nhịp). Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh xạ hình nếu gắng sức thể lực thường tốt hơn do hạn chế được sự bắt giữ phóng xạ ở các cơ quan dưới cơ hoành (gan, mật, ruột), gây ra ít artifact ở thành dưới cơ tim hơn hình ảnh xạ hình nếu gắng sức bằng thuốc. Để gắng sức thể lực, BN có thể đạp xe trên xe đạp lực kế hoặc đi bộ trên thảm lăn theo qui trình Bruce hoặc Bruce cải tiến.

Gắng sức bằng thuốc có hai loại: thuốc giãn vành (dipyridamole, adenogin) và dobutamin. Những trường hợp sau sẽ được chỉ định gắng sức bằng thuốc giãn vành: BN không có khả năng gắng sức thể lực; BN gắng sức thể lực nhưng không đạt được 85% tần số tim dự tính theo tuổi khi BN chưa xuất hiện đau ngực điển hình và có sóng ST chênh xuống trên điện tim; BN có dùng thuốc chẹn beta, chẹn canxi cùng thời điểm gắng sức; BN có block nhánh trái hoàn toàn hoặc đặt máy tạo nhịp. BN được chỉ định dùng dobutamin khi BN không thể gắng sức thể lực đồng thời lại có chống chỉ định của dùng thuốc giãn vành (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen).

Dược chất phóng xạ được sử dụng phổ biến trong chụp xạ hình tưới máu cơ tim hiện nay là 99mTc-MIBI (methoxyisobutylisonitrile) và 99mTc-tetrofosmin (ở Bệnh viện TƯQĐ 108 hiện có 99mTc-MIBI). Trong pha gắng sức, BN sẽ được chụp xạ hình sau khi được tiêm dược chất phóng xạ từ 15 – 60 phút. Trong pha nghỉ, BN chụp xạ hình sau khi tiêm dược chất phóng xạ từ 30 – 60 phút.

Theo:
1. Nuclear Cardiology (2012) Guidance and Recommendations for Implementation in Developing Countries. IAEA human health series No. 23.

2. ASNC (2009) Imaging guidelines for nuclear cardiology procedures. J Nucl Cardiol.


Kỹ thuật viên Khoa Y học hạt nhân - Bệnh viện TƯQĐ 108 thực hiện kỹ thuật chụp xạ hình tưới máu cơ tim cho bệnh nhân


BS. Nguyễn Thị Nhung
Khoa Y học Hạt nhân – Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ