Lưu ý tác dụng không mong muốn trên tuyến nước bọt khi điều trị ung thư tuyến giáp bằng I-131

  10:28 AM 24/07/2023
Điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật bằng I-131 có thể xuất hiện một số tác dụng không mong muốn trên tuyến nước bọt của bệnh nhân. Bệnh nhân cần lưu ý một số nội dung sau nhằm giảm thiểu tác động không mong muốn lên tuyến nước bọt khi điều trị I-131.

Sau khi được điều trị, I-131 sẽ tích lũy nhiều trong tuyến nước bọt bệnh nhân, gây phơi nhiễm phóng xạ. Tác dụng này có thể xuất hiện ở giai đoạn sớm và muộn sau điều trị.

 

Hình ảnh hướng dẫn bệnh nhân massage nhẹ tuyến nước bọt (theo hướng từ dưới lên trên và ra trước)

Một trong những tác dụng không mong muốn là viêm tuyến nước bọt, biểu hiện sớm của viêm tuyến nước bọt có thể rất đa dạng, từ không có triệu chứng đến sưng và đau vùng tuyến nước bọt trong vài ngày tới nhiều tháng. Cần đặc biệt chú ý, việc không có triệu chứng không có nghĩa là không diễn ra quá trình viêm, khô miệng xuất hiện muộn có thể là dấu hiệu của viêm tuyến nước bọt đang diễn ra một cách âm thầm.

Triệu chứng sưng đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên và thường thấy ở tuyến nước bọt mang tai. Thông thường, các triệu chứng này tự giảm trong vài giờ đến vài ngày mà không cần điều trị đặc hiệu. Đa số trường hợp chỉ cần uống nhiều nước và sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau như paracetamol để kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên, nếu triệu chứng nặng và kéo dài, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ chuyên khoa và tuân theo hướng dẫn của họ để điều trị thích hợp.

Tắc nghẽn bài tiết tuyến nước bọt là một tác dụng khác mà bệnh nhân có thể gặp sau điều trị I-131. Đây là hiện tượng sưng đau mới và kéo dài trong khoảng 1-2 tháng sau điều trị, thường xảy ra khi ăn hoặc nhìn thấy đồ ăn ngon. Thông thường, tắc nghẽn bài tiết này sẽ tự giảm đi sau một thời gian nhưng có thể tái phát nhiều lần.

Khô miệng là một tác dụng có thể gặp phải, gây cảm giác nóng rát khó chịu trong miệng, làm cho bệnh nhân khó chịu khi ăn đồ khô, giảm vị giác, làm tăng tiết nhầy và gây loét vùng miệng. Khô miệng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng như sâu răng và loét niêm mạc miệng. Tuy nhiên, khô miệng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc ảnh hưởng của nhiều loại thuốc khác nhau.

Một số biện pháp dự phòng, điều trị và chăm sóc khô miệng:

1. Khám định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa

2. Điều trị các nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt khác

3. Uống đủ nước để duy trì độ ẩm trong miệng

4. Vệ sinh miệng thường xuyên và sử dụng sản phẩm chăm sóc miệng phù hợp

5. Sử dụng nước bọt nhân tạo nếu cần thiết để giảm cảm giác khô miệng

6. Xoa bóp nhẹ tuyến nước bọt để kích thích bài tiết

7. Tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thực phẩm cay, mặn và thực phẩm có nhiều acid, vì chúng có thể kích thích niêm mạc miệng

8. Điều trị chống viêm, giảm đau và sử dụng kháng sinh khi cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ

Bệnh nhân cần nhớ, tất cả những tác dụng không mong muốn trên tuyến nước bọt không xảy ra ở tất cả mọi người và có thể khác nhau đối với từng người. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào, hãy thông báo cho bác sĩ để tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.

          BSCKI Lê Quốc Khánh

Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ