Những điều cần biết về sinh thiết phổi xuyên thành ngực

  02:54 PM 09/08/2022
Sinh thiết phổi là một thủ thuật chọc xuyên một kim sinh thiết từ ngoài thành ngực vào trong nhu mô phổi của bệnh nhân, đến vị trí có tổn thương và bấm lấy mảnh bệnh phẩm từ tổn thương này.

 

Hình ảnh minh họa

Mục đích của việc sinh thiết phổi?

- Nhằm chẩn đoán xác định bản chất của tổn thương: tổn thương viêm, lao, u lành, u ác, các tuyp của u…

- Đánh giá sự đột biến của gen trên bệnh nhân có u đang điều trị, giúp cho việc điều chỉnh thuốc phù hợp.

- Sau khi có kết quả của sinh thiết bác sỹ lâm sàng sẽ có phương hướng điều trị chính xác cho bệnh nhân.

Những rủi ro, tai biến có thể gặp khi tiến hành kĩ thuật này

Các tai biến hay gặp: Tràn khí, tràn máu khoang màng phổi; Chảy máu phế nang, ho ra máu; Đau liên sườn. Các tai biến này hay gặp tuy nhiên ở mức độ nhẹ, sau khi bệnh nhân làm xong nghỉ ngơi các triệu chứng sẽ giảm dần, không ảnh hưởng đến chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Tuy nhiên gặp một số ít trường hợp nặng phải dẫn lưu dịch, khí ra.

Các tai biến khác nguy hiểm hơn tuy nhiên hiếm gặp hơn: Huyết khối mạch máu; Chọc vào các thành phần ở rốn phổi, trung thất như các mạch máu lớn, khí phế quản lớn, thực quản, tim…; Phản ứng với các thuốc có thể phải dùng trong quá trình làm thủ thuật như: thuốc tê, thuốc giảm đau, thuốc cầm máu, thuốc ho.

 

Bệnh nhân có tiền sử gì cần được cân nhắc kĩ?

- Bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc chống đông: đặt stent, huyết khối ở tim…

- Bệnh nhân bị khí phế thũng nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

- Bệnh nhân cao huyết áp không điều trị thường xuyên.

Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành sinh thiết?

Bệnh nhận cần được chụp phim cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc cản quang để đánh giá tổn thương đầy đủ; Làm các xét nghiệm máu đảm bảo cho việc sinh thiết an toàn như: đông máu, công thức huyết học tổng quát.

Sau khi sinh thiết bệnh nhân cần làm gì?

Sau khi hoàn thành thủ thuật sinh thiết bệnh nhân sẽ được nằm theo dõitrong khoảng thời gian khoảng 1-2h, bác sỹ sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân, có thể cho bệnh nhân về nhà hoặc nằm viện để theo dõi tùy tình trạng.

Bệnh nhân về nhà cần lưu ý: Không vận động mạnh, không làm việc gắng sức. Tự theo dõi tình trạng nếu đau tức ngực, khó thở, phồng ngực thì phải quay lại cơ sở y tế gần nhất khám. Tránh các đồ ăn cay nóng, lạnh, đồ ăn kích thích ho, bia rượu.

BS Nguyễn Ngọc Ấn – Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh

Chia sẻ