Ngôi nhà lớn của tôi

  01:41 PM 10/09/2021
Cầm trên tay quyển sách “Lịch sử Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”, tôi không giấu nổi sự tự hào. Vì tôi thích đọc sách. Hơn nữa đó là cuốn sách viết về điều tôi yêu quý nên tôi càng trân trọng. Cũng giống như bao thế hệ đi trước, tôi nghĩ mình thật may mắn khi được gắn bó với Bệnh viện TWQĐ 108. Dùng từ “gắn bó” là bởi Bệnh viện 108 chính là ngôi nhà lớn khi tôi được sinh ra, lớn lên và công tác tại nơi này. Và có lẽ chính vì những tình cảm đặc biệt mà tôi quyết định lựa chọn ngành y, trở thành một điều dưỡng viên để được cống hiến cho những gì tôi trân quý.

Hơn 4 năm công tác tại Bệnh viện không phải là thời gian dài nhưng giúp tôi có những trải nghiệm tuyệt vời với nghề y: vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui, áp lực nhưng được trưởng thành… Nhiều cung bậc cảm xúc trong những năm tháng công tác tại Bệnh viện mà một người trẻ như tôi không biết làm cách nào để bộc lộ hết. Trải qua 70 năm lịch sử truyền thống, Bệnh viện ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, to đẹp hơn. Biết bao thế hệ tự hào vì điều ấy. Và cũng biết bao thế hệ đã cống hiến trong thầm lặng để tạo ra những điều lớn lao: những cải tiến, những sáng tạo kỹ thuật, những hướng đi mới trong điều trị bệnh… Tất cả chỉ nhằm mục đích tốt đẹp: cứu người bệnh, vì người bệnh.

“Viện 8 giờ đẹp quá cháu nhỉ!” – giọng nói của một bác trung niên ngồi cạnh tôi trên chuyến xe bus chiều tan tầm khiến tôi cắt ngang dòng suy nghĩ. Bác kể mình cũng gắn bó với Bệnh viện lâu năm, cũng là “người thân của các cô chú nhân viên cả đấy”. Bác nói nhiều về những đổi thay của Bệnh viện, những điều tốt đẹp và cả những câu chuyện đầy cảm hứng bác đã gặp tại nơi này. “Bệnh viện mình giỏi quá, thực hiện được ghép cả phổi, gan, thận và chi cho người bệnh nữa. Các cô chú giỏi quá!”. Lời nói ấy chính là sự ghi nhận cho những vất vả trong thầm lặng của biết bao trí thức của Bệnh viện đang ngày đêm làm việc và cống hiến.

Ghép tạng, ghép chi thể đã được triển khai tại Bệnh viện từ vài năm nay. Đặc biệt ghép gan đang dần trở thành kỹ thuật mũi nhọn của Bệnh viện, được thực hiện thường quy và cứu sống biết bao người bệnh. Là người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân trước và sau ghép gan, thấy được sự thay đổi, sự phục hồi của người bệnh, trong lòng tôi không giấu nổi sự vui mừng và tự hào.

Dòng suy nghĩ khiến tôi quay trở lại một ngày tháng 10/2017, một ngày đáng nhớ khi Bệnh viện triển khai ca ghép gan từ người cho sống đầu tiên, là trường hợp con trai hiến gan cho mẹ. Tôi có vinh dự khi được trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân đầu tiên trong thời gian người bệnh nằm ở đơn nguyên Hồi sức và khi bệnh nhân ổn định về Khoa. Có biết bao cảm xúc cho lần chăm sóc đặc biệt này. Vất vả vì lần đầu thực hiện ghép gan, việc theo dõi bệnh nhân yêu cầu chặt chẽ, vô khuẩn, các thuốc được sử dụng đòi hỏi tuân thủ đúng giờ một cách nghiêm ngặt. Lo lắng vì tình trạng bệnh nhân có những thay đổi, thậm chí có lúc diễn biến không tốt. Áp lực khi mọi thứ đều là những điều mới mẻ. Mệt mỏi với những đêm thức trắng khi ngồi canh từng chỉ số sinh tồn trong những ngày bệnh nhân trở nặng, cần được theo dõi. Nhưng đan xen với đó là những cảm xúc tích cực. Vui mừng lắm khi thấy bệnh nhân có thể trở về một cuộc sống bình thường với một làn da sáng hơn, nụ cười tươi tắn hơn. Hào hứng lắm khi bản thân được tiếp xúc với đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, được học hỏi nhiều điều hay và nguyên tắc chặt chẽ từ chuyên gia nước ngoài. Cảm động lắm khi thấy nghĩa cử cao đẹp của người con trai kiên quyết hiến một phần gan của mình cho mẹ. Và cũng tự hào lắm khi chứng kiến các phẫu thuật viên, cả ekip phẫu thuật không ngừng nghỉ ròng rã suốt 12 tiếng đồng hồ, với một lòng kiên định là áp dụng được phương pháp mới để có thể làm hết sức mình cứu chữa cho bệnh nhân. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ những đêm thức trắng của các y bác sỹ là không uổng phí, để đổi lại cho bệnh nhân được khỏe mạnh và giúp họ có một cuộc sống tốt hơn.

Khi ghép gan đã trở thành thường quy, số lượng bệnh nhân cũng vì thế mà tăng lên, áp lực công việc cũng vì thế mà lớn hơn. Có một sự kiện rất nổi bật khi trong một tuần, Bệnh viện đã triển khai thực hiện được 5 ca ghép gan cả cấp cứu – thường quy, ghép gan người lớn – trẻ em, ghép gan từ người cho sống – người cho chết não. Không thể kể hết những vất vả khi cả Bệnh viện phải chạy đua với thời gian để thực hiện được 5 ca ghép; khi toàn bộ nguồn nhân lực mỏng của Khoa Phẫu thuật gan – mật – tụy phải vận động hết sức để chuẩn bị và chăm sóc bệnh nhân; khi các bác sỹ phải vào trong Nam để lấy gan từ một người chết não mang về kịp thời cứu sống một bệnh nhân ngoài Bắc; khi các phẫu thuật viên phải đứng hàng giờ đồng hồ trong phòng mổ để thực hiện phẫu thuật, kịp thời cứu sống 5 bệnh nhân suy gan, xơ gan mất bù. Quá nhiều vất vả mà có lẽ chỉ người trong nghề mới thấu hết. Nhưng đổi lại, chúng ta có được kết quả tốt đẹp là những bệnh nhân trở về với cuộc sống mới, với một lá gan mới. Quan trọng hơn là ta đã giúp họ gieo lên niềm vui sống, để họ được tái sinh, được sống có trách nhiệm với bản thân, sống yêu thương nhiều hơn.

Với ghép gan, ý nghĩa đầu tiên có lẽ nằm ở việc cứu được nhiều mạng người. Nhưng ý nghĩa sâu sắc không chỉ dừng lại có vậy. Chúng ta sinh ra trên mảnh đất hình chữ S, đất nước khắc sâu trong tâm trí ta qua những câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, đất nước dạy ta biết chia sẻ đùm bọc những người đồng bào mình. Đó là truyền thống. Và truyền thống vẫn đang được tiếp nối qua các thế hệ sau. Trải qua những lần trực tiếp chăm sóc người bệnh, tôi đã chứng kiến biết bao sự hi sinh to lớn của những người vợ, người con, người em không ngần ngại cho đi một phần lá gan của mình để cứu lấy người chồng, người bố người mẹ hay người anh mình. Cũng có những câu chuyện còn có ý nghĩa lan tỏa hơn thế. Ấy là khi một người xa lạ, một người ta chưa từng quen sẵn sàng hiến đi một phần thân thể của họ để cứu lấy nhiều người khác. Khi một chiến sỹ mất đi, người vợ của anh đã quyết định hiến tặng tất cả những gì có thể cho y học, với mong muốn cứu người, mong muốn được nghe nhịp đập trái tim anh trong một lồng ngực khác, nhìn thấy ánh mắt anh soi sáng cho một người khác, chứng kiến lá gan anh có thể cứu lấy một sinh mạng khác. Câu chuyện về tấm lòng của thiếu tá Lê Hải Ninh đã được chính những nhân viên của Bệnh viện biên soạn thành một vở kịch, lấy đi nước mắt của biết bao nhiêu người nhưng cũng lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ “Cho đi là còn mãi”.

Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tại khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108

Nhưng những câu chuyện tình người đẹp đẽ mà ta bắt gặp qua những trường hợp ghép tạng không chỉ dừng lại ở đó. Bệnh nhân tìm đến ghép gan như phương pháp cuối cùng, nhưng thật khó khăn khi họ không có tiền trang trải kinh tế vì chi phí phẫu thuật, thuốc men quá lớn. Đã có trường hợp người bố tuyệt vọng khi biết con trai mình không thể sống khỏi nếu không được ghép gan kịp thời, “vì anh nghèo quá, anh không có tiền chữa cho con” - giọng anh nghẹn đắng. Tôi vẫn nhớ và có phần ám ảnh với câu nói và ánh mắt của người bố khi đó, tuyệt vọng lắm, dường như cũng không còn chút sức lực nào khi nhiều ngày qua anh đã sát cánh cùng con trong quá nhiều cuộc chiến. Biết được tình cảnh khó khăn của bệnh nhân, Đại tá, TS. BS. Lê Văn Thành đã phối hợp cùng Bệnh viện, Ban Công tác xã hội, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm một khoản chi phí lớn, giúp bệnh nhân trang trải tiền phẫu thuật. Nhờ có sự góp sức của cả cộng đồng, ca mổ được tiến hành tốt đẹp, lại một mạng người được cứu sống. Ánh mắt của người bố ánh lên sự vui mừng. Sự rạng rỡ của nụ cười thay thế cho những giọt nước mắt đầy mặn chát trước đó. Rõ ràng, người thầy thuốc không chỉ biết dùng trí tuệ để cứu người. Họ còn dùng cả trái tim, thời gian, công sức của mình để có thể làm những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Đó chính là lý do vì sao nghề y luôn được tôn vinh là nghề cao quý. Tôi tin bài học thực tế ấy còn lớn hơn cả những gì sách vở có thể chỉ cho mình.  

Được chứng kiến những giây phút đấu tranh giành lại sự sống cho bệnh nhân, những đêm trắng vất vả, hàng giờ phẫu thuật đầy mệt nhoài, những trăn trở làm sao để cứu được người bệnh đã khiến tôi thấy công việc mình lựa chọn thật ý nghĩa, thật may mắn khi đã chọn nghề, được đọc lời thề Hippocrates trong ngày ra trường, được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng và được công tác tại Bệnh viện. Tại đây, tôi hiểu thế nào là sự hi sinh, thế nào là vì bệnh nhân, thế nào là trách nhiệm với nghề. Nghề y chưa bao giờ dễ dàng nhưng hãy luôn coi đó là nhiệm vụ, “một nhiệm vụ rất vẻ vang” như lời Bác Hồ đã căn dặn.

Tạm biệt người bác trung niên trên xe bus, tôi bước vội xuống đường, để lồng ngực mình hít thật căng đầy những cơn gió nhẹ nhàng của Hà Nội những ngày đầu tháng 4, ngắm những gánh hoa loa kèn còn e ấp chưa nở, trong lòng mang theo những kỉ niệm cùng những cảm xúc lâng lâng, khó tả…

Lê Cẩm Linh, Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ