Một số kiến thức về u sắc tố bẩm sinh ở trẻ em

  10:39 AM 30/08/2021
U sắc tố bẩm sinh (theo cách gọi dân dã là chàm đen- bớt sắc tố- bớt đen...) là một bênh lý da thường gặp ở trẻ em, với tỷ lệ mắc khoảng 1%.

Nguyên nhân là do bất thường của các tế bào sắc tố xuất hiện lạc chỗ trong quá trình di chuyển của các tế bào biểu mô ở thời kỳ phôi thai. Đây là một bệnh lý thường lành tính nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến thẩm mỹ, làm trẻ có tâm lý ngại ngùng và tự ti, là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh khi có con em mình mắc bệnh.

Chẩn đoán bệnh khá dễ dàng, dựa trên các triệu chứng

Khối u có màu sắc đen, hoặc nâu đen, ranh giới rõ so với da lành xung quanh.

Da trên bề mặt khối u thường dày, có thể có nhiều lông dài rậm trên u.

Kích thước đa dạng, được coi là u sắc tố khổng lồ khi diện tích của khối u lớn hơn 2% diện tích bền mặt da cơ thể. Trường hợp này có nguy cơ kèm theo các tổn thương mãng não (Cần chụp CT,MRI sọ não để kiểm tra)

Một số loại u sắc tố có màu đen ngay từ khi mới sinh ra, một số lúc mới sinh chỉ có màu xanh sẫm nằm sâu dưới da, khi trẻ càng lớn màu đen càng rõ.

Mặc dù là loại u lành tính tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách, khối u sẽ lớn dần theo kích thước cơ thể và có những thay đổi về độ dày của u, có thể xuất hiện các đám sùi loét, biến đổi tế bào và trở thành ác tính

  

 
 

Trước điều trị

 

Sau điều trị

Điều trị

Một số khối u rất nhỏ có thể điều trị bằng laser tuy nhiên giải pháp chính vẫn là phẫu thuật.

Căn cứ vào kích thước, vị trí khối u, tuổi của bệnh nhân, khả năng chun giãn của da xung quanh vùng bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn các phương pháp sau:

Cắt thu u nhiều lần.

Cắt toàn bộ khối u, khâu đóng trực tiếp

Cắt toàn bộ khối u, tạo hình bằng các vạt tại chỗ hoặc lân cận.

Cắt toàn bộ khối u, ghép da hoặc đóng bằng các vạt da giãn sau khi đặt túi giãn da.

Với những khối u nghi ngờ ác tính: loét, chảy máu trên bề mặt u, to lên nhanh bất thường… cần làm xét nghiệm sinh thiết u.

Qua đó, Người dân tuyệt đối không sử dụng các loại cao, thuốc nam, thuốc lá dân gian để đắp lên vùng u của trẻ em cũng như dùng các loại thuốc tẩy, hoá chất (a xít chanh, oxy già...) hoặc đốt, cạo vào vùng u sắc tố. Với những can thiệp không đúng rất dễ gây viêm nhiễm, loét mãn tính, rối loạn tế bào chuyển dạng ung thư. Khi có nhu cầu điều trị cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa da liễu khám.

Phẫu thuật cắt u sắc tố và tạo hình tổn khuyết sau đó cần được thực hiện tại các Bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để hạn chế các biến chứng như sẹo co kéo sau phẫu thuật, hoại tử tổ chức… Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một địa chỉ tin cậy để thực hiện những phẫu thuật này.

                            Bs Nguyễn Thị Hòa, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình

Chia sẻ