Một số điều cần biết về bệnh tăng huyết áp

  04:20 PM 05/11/2015
Tăng huyết áp là một trong những nguy cơ hàng đầu góp phần vào tử vong trên toàn cầu. Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng và có rất nhiều nguy cơ gây biến cố nghiêm trọng về tim mạch cho người bệnh.

Trên thế giới, tỉ lệ tăng huyết áp lên đến gần 20% (theo Tổ chức y tế thế giới). Tại Mỹ, theo những phân tích mới nhất được công bố bởi CDC (Centers for Disease Control anh Prevention) tỉ lệ tăng huyết áp lên tới gần 30%. Cả nước Mỹ có khoảng ¼ dân số bị tăng huyết áp (khoảng 58,4 triệu người). Tỷ lệ tăng huyết áp tại nước Mỹ tăng dần theo tuổi, nghĩa là khoảng một nửa dân số Mỹ > 60 tuổi bị tăng huyết áp. Còn tại Việt Nam, tần suất mắc tăng huyết áp càng gia tăng khi nền kinh tế phát triển hơn, nếu không có các biện pháp dự phòng hữu hiệu thì đến 2025 sẽ có gần 10 triệu người bị tăng huyết áp. Thực trạng hiểu biết và kiểm soát huyết áp tại Việt Nam cũng rất đáng quan tâm khi mà chỉ có 23% là biết đúng các nguy cơ của bệnh tăng huyết áp (số liệu năm 2002 của GS.TS. Phạm Gia Khải và cộng sự). Trong khi đó, chỉ có khoảng 34% số người mắc tăng huyết áp được điều trị và trong số đó tỷ lệ kiểm soát được huyết áp chỉ là 11% (khảo sát của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam năm 2008).

Huyết áp là gì?
Huyết áp (HA) là lực tác động của máu lên lên thành các động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg mà được xác định bằng cách đo huyết áp.

Khi nào biết bị Tăng huyết áp?
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số trung bình qua ít nhất hai lần đo của huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc trị số trung bình của huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, trong ít nhất hai lần thăm khám liên tiếp. Hiện nay, việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà rất phổ biển và tiện lợi cho người bệnh để theo dõi bệnh tình. Việc đo huyết áp tại nhà để khẳng định chẩn đoán, cần đảm bảo 3 điều sau:
1. Mỗi lần đo huyết áp cần đo hai lần liên tiếp, cách nhau khoảng 1p ở tư thế ngồi.
2. Cần đo huyết áp 2l/ngày, tốt nhất là một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối.
3. Cần đo huyết áp liên tục ít nhất 4l/ngày, lý tưởng là 7 ngày. Loại bỏ ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại (≥135/85 mmHg) để khẳng định chẩn đoán.
Trong khi chờ đợi để khẳng định tăng huyết áp, cần tiến hành các thăm dò để phát hiện tổn thương cơ quan đích (như phì đại thất trái, thận mạn tính và bệnh đáy mắt do tăng huyết áp) và đánh giá nguy cơ tim mạch.
Người có huyết áp bình thường, cần đo lại huyết áp sau mỗi 2 năm và người tiền tăng huyết áp nên thực hiện việc thay đổi lối sống và kiểm tra lại sau 1 năm.

Nguyên nhân của tăng huyết áp?
Có đến 90 – 95% tăng huyết áp vô căn gọi là tăng huyết áp nguyên phát và được định nghĩa là mức tăng huyết áp cao mà các nguyên nhân thứ phát rõ ràng không được xác định. Còn lại là tăng huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng (tim, thận…). Tăng huyết áp do bệnh mạch thận, dù chỉ chiếm 2-3% số người bị tăng huyết áp nhưng cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất của tăng huyết áp thứ phát. Phần lớn tăng huyết áp do bệnh mạch thận là do liên quan trực tiếp tới giảm tưới máu thận, hậu quả của hẹp động mạch thận, hoặc một trong những nhánh của chúng….Hay tăng huyết áp do vỏ thượng thận, sự thay đổi trong tiết aldosteron hay hội chứng Cushing, hội chứng Corn,… Ngoài ra còn có sự thay đổi của hệ thần kinh thể dịch do sự hoạt hóa không phù hợp hệ thống các hormon chống bài niệu làm rối loạn chức năng bài natri niệu do tăng huyết áp và dẫn đến tăng huyết áp mạn tính.

Triệu chứng của tăng huyết áp?
Khi huyết áp cao thường rất ít triệu chứng, có thể có như là nhức đầu, hồi hộp, dễ mệt, đau ngực, khó thở… Có rất nhiều trường hợp bị tăng huyết áp nhưng không biết vì không có biểu hiện khác thường.

Tăng huyết áp – “kẻ giết người thầm lặng”?
Bệnh tăng huyết áp nghèo nàn về triệu chứng nhưng lại có rất nhiều biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân và để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Bệnh có rất nhiều biến chứng như: cơn đau thắt ngực, nhũn não, xuất huyết não, suy thận, tăng áp động mạch võng mạc, rối loạn tiền đình, mù lòa….Khi bệnh nhân không được điều trị đúng cách sẽ rất nguy hiểm và nguy cơ biến chứng nặng tăng lên rất nhiều. Vậy mục tiêu khi điều trị tăng huyết áp cho bênh nhân là gì? Đó chính là điều trị nguyên nhân thứ phát (nếu có), nếu không điều trị được nguyên nhân, hay đó là tăng huyết áp vô căn thì mục tiêu điều trị nhằm loại bỏ yếu tố nguy cơ, kiểm soát mức huyết áp đề phòng biến chứng.

Điều trị tăng huyết áp hiệu quả?
Các thử nghiệm lâm sàng đều cho thấy, điều trị tăng huyết áp làm giảm biến cố tim mạch. Tuy nhiên, trên thực tế vai trò của thuốc hạ áp đổi với dự phòng đột quỵ và tử vong do bệnh mạch vành lại không cao. Có rất nhiều lý do dẫn đến điều này như là: tỷ lệ bệnh nhân được điều trị đủ liều thấp, thiếu quan tâm đến các yếu tố đi kèm, mức huyết áp để bắt đầu điều trị và huyết áp mục tiêu quá cao.

Kiểm soát huyết áp như thế nào?
Mục tiêu điều trị hạ huyết áp tối ưu ở hầu hết các bệnh nhân không có nguy cơ cao là < 140/90 mmHg. Việc kiểm soát huyết áp tích cực hơn không mang lại lợi ích rõ ràng mà còn làm tăng chi phí và các tác dụng phụ của thuốc. Điều trị tăng huyết áp có thể dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Điều trị tăng huyết áp cần sự tuân thủ lâu dài của người bệnh. Thông qua việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và ở phòng khám, chỉnh liều thuốc hạ áp một cách thích hợp, để đạt mục tiêu huyết áp chấp nhận được. Việc thay đổi lối sống là cực kì quan trọng như những khuyến cáo điều trị tăng huyết áp hiện nay nhấn mạnh lợi ích của nó như vậy. Thay đổi lối sống bao gồm: giảm cân, giảm ăn muối và chất béo bão hòa, giảm lượng calo trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và uống rượu vừa phải, bổ sung calci, kali,… đều nằm ở phần đầu trong hướng dẫn điều trị. Những thay đổi này đôi lúc tương đương với một thuốc điều trị huyết áp. Với những bệnh nhân tiền tăng huyết áp (nằm giữa 120/80 và 140/90 mmHg) việc thay đổi lối sống đã được khuyến cáo để ngăn ngừa sự tiến triển thành tăng huyết áp thực sự. Thay đổi lối sống như: giảm 4,5kg có thể giúp hạ huyết áp ở một tỷ lệ lớn người béo phì, chế độ ăn nhiều hoa quả ít đạm muối có thể giúp hạ huyết áp, ăn ít hơn 6g muối/ ngày rất tốt cho tim mạch. Bệnh nhân tăng huyết áp nên đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày, rèn luyện thể lực thường xuyên. Tư vấn kĩ việc hạn chế hút thuốc lá để bảo vệ tim mạch. Bên cạnh việc thay đổi lối sống lành mạnh, sử dụng thêm thuốc hạ áp đi kèm để đạt huyết áp mục tiêu là rất quan trọng. Biện pháp dùng thuốc được tiến hành kịp thời và lâu dài. Tăng huyết áp là do ảnh hưởng của nhiều cơ chế làm áp lực máu tăng lên và đơn trị liệu chỉ nhằm vào một trong những cơ chế này. Vì vậy, phối hợp thuốc sẽ làm giảm liều, làm giảm được tác dụng phụ tăng theo liều của từng thuốc, hạn chế cơ chế điều hòa ngược của cơ thể làm cho việc đáp ứng của huyết áp tốt hơn và sự kiểm soát đạt nhanh chóng hơn đơn trị liệu. Các cập nhật mới nhất về điều trị tăng huyết áp như: JNC 8, Chep, Nice đều khuyến cáo phối hợp thuốc để kiểm soát huyết áp. Một viên thuốc kết hợp có thể sử dụng ngay khi bắt đầu điều trị hoặc làm đơn giản hóa chế độ điều trị khi cần phải phối hợp thuốc thứ hai thứ ba để kiểm soát huyết áp. Tùy mức độ tăng huyết áp sẽ sử dụng đơn trị liệu (Diovan,…), phối hợp đôi (Exforge,…) hay phối hợp ba đầu tiên và duy nhất hiện nay (Exforge HCT). Điều trị tăng huyết áp là cá thể hóa điều trị và điều trị suốt đời.

Kiểm soát huyết áp đến lúc nào?
Cần nhắc lại rằng khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp tức là phải điều trị liên tục và suốt đời. Trong quá trình điều trị, huyết áp được kiểm soát, nếu ngừng thuốc đột ngột, huyết áp tăng mạnh và nguy cơ xảy ra biến chứng lúc này là cao nhất.

Tăng huyết áp là một căn bệnh phổ biến và nguy hiểm. Chính vì vậy, tăng huyết áp cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến cố nguy hiểm về tim mạch.


BS CKII. Lê Thị Diệu Hồng
Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh Cán bộ cao cấp - Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ