Lối sống lành mạnh

  05:05 PM 18/07/2024
Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Bác Hồ kính yêu đã nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ, tức là cả nước mạnh khoẻ - dân cường thì nước thịnh”

Và biểu tượng rõ ràng nhất cho mong muốn đó chính là thực hiện một lối sống lành mạnh. Lối sống lành mạnh được hiểu theo nghĩa rất rộng nhưng khái quát lại thì có thể hiểu đó là nhận thức và hành động được lặp đi lặp lại tạo thành các thói quen tốt, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần một cách toàn diện trong cuộc sống hàng ngày.

Sống lành mạnh giúp chúng ta sống thọ hơn, ít nguy cơ bệnh tật 

Sống lành mạnh giúp chúng ta kiểm soát cân nặng hiệu quả, tránh tình trạng thừa cân béo phì, sở hữu vóc dáng cân đối để ngày càng tự tin hơn

Sống lành mạnh giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, giảm căng thẳng, nhờ vậy mà hiệu suất công việc và học tập được nâng cao, chất lượng cuộc sống cũng thay đổi đáng kể.

 Đừng chần chừ trì hoãn, hãy bắt đầu hành trình hướng đến lối sống lành mạnh ngay hôm nay càng sớm càng tốt.

 1. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học  

   Ăn uống khoa học là chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người.

   Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng là khi bạn phối hợp các loại thực phẩm từ 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo và vitamin, khoáng chất. Trong đó 

   + Tinh bột: cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể như gạo, bắp, khoai, mì …

   + Chất đạm: Xây dựng và tái tạo các mô của cơ thể, bao gồm đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như các loại hạt đậu, ngũ cốc

   + Chất béo: dự trữ năng lượng và điều hoà hoạt động sống của cơ thể, bao gồm mỡ động vật hoặc dầu thực vật.

   + Vitamin và khoáng chất: góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch, thường có nhiều trong rau củ và trái cây.

   Một nguyên tắc bất di bất dịch là hãy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi thực phẩm bẩn, không được chế biến và bảo quản đúng cách là nguyên nhân gây ngộ độc và các bệnh nguy hiểm khác.

 

   Không nên ăn mặn được áp dụng cho mọi lứa tuổi. Bạn chỉ nên sử dụng một lượng cực nhỏ bởi trung bình mỗi ngày cơ thể người trưởng thành chỉ cần 6-8g muối. Nếu lạm dụng muối và ăn quá mặn thì nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp là rất cao

   Hạn chế ăn đường: Đường là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể, đồng thời giúp quá trình tiêu hao thức ăn và trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên việc dung nạp quá nhiều đường có thể gây hệ luỵ ở mức độ nhẹ thì làm suy giảm hệ miễn dịch , nặng hơn thì dẫn đến các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch… đó là lý do bạn nên hạn chế ăn đường.

   Tương tự như đường, chất béo cũng ăn vừa phải, ưu tiên cho chất béo từ thực vật và hạn chế chất béo từ động vật.

   Nên bổ sung nhiều rau, củ, quả trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Bới những loại thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, vừa tốt cho hệ tiêu hoá, vừa thúc đẩy quá trình thanh lọc, thải độc hiệu quả hơn.

   Hãy nhớ uống đủ nước mỗi ngày từ 1.5 đến 2 lít nước để cơ thể luôn khoẻ mạnh và tràn đầy năng lượng.

   Và hãy tránh các chất kích thích có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia,…  

 2. Nâng cao sức khoẻ thể chất

   Ngoài việc ăn uống khoa học, mỗi người cần tích cực rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khoẻ mỗi ngày. Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra hoạt động thể chất ít nhất 30-40”/ ngày là cách giúp phòng ngừa nhiều nguy cơ bệnh tật. Theo đó khi vận động vừa sức sẽ giúp cải thiện sức khoẻ thể chất nhờ thúc đẩy tuần hoàn máu và sự dẻo dai của các khớp và nhóm cơ.

   Tập luyện thường xuyên còn giúp giảm mỡ trong máu, ngăn chặn sự hình thành các mảng bám trên thành động mạch, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao…

 

 

   Không những vậy, theo các chuyên gia, việc tập thể dục vừa phải và đều đặn sẽ hỗ trợ và tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Các hoạt động thể chất cũng rất tốt cho người bệnh tiểu đường, đột quỵ, viêm khớp…

   Tập thể dục thường xuyên còn giúp bạn kiểm soát cân nặng, duy trì vóc dáng thon gọn. Ngoài ra tập thể dục còn giúp thư giãn, xả stress, cải thiện chức năng của trí não, giúp giấc ngủ tiến nhanh và sâu hơn.

   Mỗi người nên chọn một môn thể thao mình yêu thích và phù hợp. Không chỉ bó buộc vào việc tập luyện ở phòng gym, bạn có thể thử các hình thức khác như đi bộ nhanh, đạp xe, yoga, nhẩy, bơi lội, cầu lông,… Nếu không có nhiều thời gian dành cho tập luyện hãy tranh thủ vận động khi có thể. Hãy leo cầu thang bộ thay vì dùng thang máy, hãy làm việc nhà sẽ giúp bạn tiêu hao năng lượng. Tránh thói quen ngồi quá lâu một chỗ.

 3 .Ngủ đủ giấc

   Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi tái tạo năng lượng cho các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Giấc ngủ tốt là một phần cơ bản của cuộc sống khoẻ mạnh, giúp cho mọi hoạt động của cơ thể và trạng thái tinh thần được cải thiện. Vì giấc ngủ sẽ làm tiêu hao sự mệt mỏi, khôi phục sức lực đã mất, giữ cho thần kinh được cân bằng vì thế làm cho tinh thần ổn định, cởi mở, có tác dụng khôi phục và tăng cường trí nhớ, nâng cao hiệu suất trong công việc, phòng chống bệnh tật.

4 . Bồi dưỡng sức khoẻ tinh thần

   Sức khoẻ tinh thần đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều chỉnh và duy trì trạng thái cảm xúc của con người. WHO xác định sức khoẻ tinh thần như trạng thái mà người đó nhận thức được khả năng và có đủ sức mạnh để đối phó với căng thẳng hàng ngày, tiếp tục hoạt động hiệu quả và đóng góp cho xã hội. Người có sức khoẻ tinh thần tốt thường có tinh thần mạnh mẽ, tích cực trong tư duy và biết cách kiểm soát cả hành vi lẫn cảm xúc. Điều này thể hiện ở khả năng ổn định trạng thái tinh thần, khả năng tập trung và đối phó linh hoạt với những tình huống phức tạp.

   Để có một sức khoẻ toàn diện, ngoài việc tăng sức khoẻ thể chất, bạn cần chú ý cải thiện sức khoẻ tinh thần, hãy luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan trong mọi tình huống, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng. Đọc sách, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè, tập yoga…cũng là cách để chăm sóc đời sống tinh thần thêm phong phú, đồng thời có thể chữa lành những tổn thương tâm lý

5 .Khám sức khoẻ định kỳ

   Khám sức khoẻ định kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phòng bệnh bao giờ cũng hiệu quả , nhẹ nhàng hơn chữa bệnh. Có những bệnh lý nghiêm trọng đôi khi phát hiện tình cờ khi khám sức khoẻ. Việc phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu chi phí điều trị và khả năng chữa khỏi cao hơn.

   Thông qua các nội dung khám sức khoẻ định kỳ, có thể biết được các vấn đề về sức khoẻ thể chất, tâm lý. Các bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, tập luyện và thói quen sống khoa học. Từ đó bạn có thể lên kế hoạch chăm sóc sức khoẻ cho mình để đảm bảo chất lượng cuộc sống, phòng tránh các nhóm bệnh.

   Sức khoẻ là nền tảng cho cuộc sống hạnh phúc và thành công. Ngay hôm nay, bạn hãy xây dựng lối sống lành mạnh tốt cho sức khoẻ càng sớm càng tốt nhé. 

 

               CN  Đỗ Thị Mai Hương- Khoa Khám bệnh cán bộ cao cấp.

Chia sẻ