TSI (Thyroid Stimulating Immunoglobulin), xét nghiệm mới triển khai tại Bệnh viện TWQĐ 108 chẩn đoán chính xác 99,7% bệnh basedow (cường giáp)

  02:13 PM 15/04/2021
Bệnh cường giáp Basedow hay còn gọi là bệnh Graves, bệnh Parry, là bệnh gây ra bởi sự rối loạn miễn dịch dẫn đến việc sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Mặc dù có một số rối loạn khác gây bệnh Cường giáp, nhưng bệnh Basedow được cho là phổ biến nhất trong nhóm bệnh này.

Tại Việt Nam, bệnh Basedow chiếm đến 90% trong số người bị bướu giáp. Do tuyến giáp ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác nhau, nên dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến bệnh Basedow rất đa dạng, và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của người bệnh. Mặc dù bệnh Basedow có thể xảy ra ở bất kể đối tượng nào nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ dưới 40 tuổi.

TSH (Thyroid Stimulating Hormone) là viết tắt của hormone kích thích tuyến giáp, được sản xuất bởi tuyến yên trong não. Tuyến yên sẽ thông báo cho tuyến giáp sản xuất và giải phóng các hormone tuyến giáp vào trong máu. Thụ thể TSH trên tế bào tuyến giáp có ba vị trí trình diện kháng nguyên gồm vị trí kích thích, ức chế và trung tính. Tương ứng với ba vị trí trình diện kháng nguyên trên sẽ có ba kháng thể cạnh tranh với Receptor của TSH trên màng tế bào tuyến giáp đó là: kích thích (TRSAb - TSH Receptor Stimulating Antibody), ức chế (TRBAb – TSH Receptor Binding Antibody) và trung tính (TRNAb – TSH Receptor Neutral Antibody). Các kháng thể này sẽ tác động trực tiếp tới tuyến giáp, do đó cũng có 3 kháng thể tương ứng: kích thích (TSAb, TSI – Thyroid Stimulating Antibody, Thyroid Stimulating Imunoglobulin), ức chế (TBAb – Thyroid Binding Antibody) và trung tính (TNAb – Thyroid Neutral Antibody), trong đó TNAb không làm ảnh hưởng đến sự rối loạn miễn dịch của tuyến giáp. Các kháng thể TSAb (TSI), TBAb cạnh tranh vị trí gắn với hormone TSH trên thụ thể TSH ở tuyến giáp làm rối loạn miễn dịch.

Bệnh Basedow được gây ra do sự xuất hiện của kháng thể kích thích TSAb (TSI) khiến tuyến giáp sản xuất nhiều hormone giáp. Do đó, việc xác đinh rõ cơ thể bệnh nhân có TSAb là rất hữu hiệu và mang lại giá trị chẩn đoán cao.  

Xét nghiệm định lượng nồng độ TRSAb bản chất là xét nghiệm TSAb hay xét nghiệm TSI là xét nghiệm định lượng kháng thể kích thích tuyến giáp sản xuất nhiều hormone tuyến giáp. Khi xét nghiệm TSI dương tính được coi là xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định cường giáp do Basedow.

Hiện nay xét nghiệm TSI bằng phương pháp này đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới nhờ vào độ đặc hiệu và độ nhạy trong chẩn đoán bệnh Basedow.

Tại Việt Nam, xét nghiệm TSI bắt đầu được quan tâm và nhận được đánh giá cao từ những chuyên gia nội tiết và đã được áp dụng ở một số bệnh viện chuyên khoa nội tiết và sinh sản ở Việt Nam.

Tại Bệnh viện TWQĐ 108, trong thời gian qua khoa Miễn dịch đã cùng với khoa Nội tiết phối hợp xác định nhu cầu bệnh nhân cần làm xét nghiệm TSI để chẩn đoán xác định bệnh Basedow.

Xét nghiệm TSI là tự động hoàn toàn sử dụng phương pháp hóa phát quang miễn dịch trên máy xét nghiệm Immulite 2000 XPi của Siemens Healthineers được xem là xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh Basedow, tiết kiệm thời gian và thao tác đơn giản hơn nhiều so với kỹ thuật bioassays.

Xét nghiệm TSI của Siemens Healthineers được thiết kế phản ứng chỉ phát hiện kháng thể kích thích kháng thụ thể TSH (TSAb). Bằng kỹ thuật công nghệ sinh học, các nhà khoa học loại bỏ các epitope ở vị trí bắt kháng thể ức chế TBAb trên thụ thế TSH và thay thế bằng epitope LH/CG để hạn chế sự ảnh hưởng của kháng thể này (nếu có ở mẫu huyết thanh bệnh nhân) lên kết quả chẩn đoán Basedow. Bước đột phá công nghệ này giúp phân biệt sự hiện diện của TSAb và TBAb trong huyết thanh, đặc hiệu hơn trong chẩn đoán bệnh Basedow và giúp bác sĩ sớm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Bệnh Basedow là bệnh tự miễn khi cơ thể tiết ra kháng thể kháng thụ thể TSH ở vị trí epitope kích thích khiến tuyến giáp tiết nhiều hormone giáp so với nhu cầu của cơ thể. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ gặp những biến chứng liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, cường giáp Basedow có thể ảnh hưởng đến thai nhi, ở những biến chứng xấu hơn, có thể gây sảy thai. Bên cạnh đó, khả năng tái phát bệnh Basedow được ghi nhận ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng giáp sau một thời gian ngưng điều trị.

Do đó, xét nghiệm TSI là cần thiết để chẩn đoán phân biệt cường giáp Basedow so với các loại cường giáp khác để sớm đưa phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Ngoài ra, xét nghiệm TSI còn được áp dụng trong quá trình theo dõi đáp ứng điều trị Basedow và tiên đoán khả năng tái phát của bệnh nhân. Xét nghiệm TSI của Siemens Healthneers xác định phân biệt sự hiện hiện kháng thể kích thích (TSAb) trong nhóm TRAb giúp chẩn đoán bệnh Basedow chính xác hơn với độ nhạy 98.3% và độ đặc hiệu 99.7%.

Theo tài liệu hướng dẫn Quản lý bệnh Basedow của Hiệp hội Tuyến giáp Châu Âu ETA năm 2018 cho rằng TSAb (TSI) là dấu ấn sinh học có độ nhạy và độ đặc hiệu cao cho các bệnh Basedow ngoài tuyến giáp, cũng như chẩn đoán bệnh cường giáp thai nhi và sơ sinh. Sự kết hợp định lượng nồng độ TSAb (TSI) và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác trong chẩn đoán bệnh Basedow (Basedow) giúp rút ngắn 46% thời gian chẩn đoán và tiết kiệm 47% chi phí điều trị”. Vì vậy, ứng dụng xét nghiệm TSI là cần thiết trong chẩn đoán, theo dõi đáp ứng điều trị và tiên lượng tái phát Basedow ở bệnh nhân.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi thắc mắc nào về kết quả xét nghiệm TSI hãy gọi điện thoại theo số: 024.3821.2644 -  gặp TS. BS Nguyễn Thị Tuấn, phụ trách Khoa Miễn dịch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (trong giờ hành chính).

 

TS.BS Nguyễn Thị Tuấn

Phụ trách Khoa Miễn dịch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chia sẻ
EMC Đã kết nối EMC