Kỹ thuật chọc hút máu tụ, bơm chất tiêu sợi huyết (rt-PA) dưới hướng dẫn của hệ thống định vị không khung (Navigation) điều trị xuất huyết não tự phát

  11:57 PM 04/07/2017
Các nghiên cứu cho thấy, bệnh lý đột quỵ não tại Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Theo Nguyễn Đức Hinh (1998) tần suất đột quỵ não tại Việt Nam là 161/100.000, trong đó xuất huyết não (XHN) tự phát là thể bệnh thường gặp nhất trong tất cả các đột quỵ não (10 - 30%) với tỉ lệ biến chứng và tử vong trong vòng 30 ngày đầu dao động từ 30 - 50%. Điều trị XHN bao gồm các phương pháp nội khoa và phẫu thuật (PT), trong đó nội khoa đóng vai trò chủ yếu. Điều trị PT bao gồm các phương pháp: Mở sọ giải áp có hoặc không lấy máu tụ; chọc hút, dẫn lưu ổ máu tụ; dẫn lưu não thất (dẫn lưu mở ra ngoài hoặc dẫn lưu kín vào ổ bụng)... đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp nội sọ, giải chèn ép não, giúp giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao khả năng phục hồi các triệu chứng thần kinh của bệnh nhân (BN).

Phẫu thuật mở sọ giải áp (có hoặc không lấy máu tụ) thường được áp dụng cho những trường hợp XHN có khối máu tụ lớn (thể tích > 30 ml), đè đẩy đường giữa > 10 mm, điều trị nội khoa không cải thiện hoặc tri giác BN xấu (< 9 điểm Glasgow). Tuy nhiên, đối với những trường hợp XHN với thể tích khối máu tụ lớn (thể tích > 30 ml) nhưng đè đẩy đường giữa không đáng kể (≤ 10 mm), thời gian nhập viện sớm từ 12 – 72 giờ, tình trạng ý thức BN không quá xấu (9 – 12 điểm Glasgow), PT mở sọ giải áp ít hiệu quả và có nhiều nguy cơ gây tăng nặng tình trạng bệnh nhân. Những năm gần đây, nhiều thử nghiệm cho thấy PT chọc hút dẫn lưu trong thời điểm 12 đến 72 giờ tính từ khi khởi phát với các trường hợp trên sẽ loại bỏ sớm ổ máu tụ cũng như các sản phẩm hóa giáng, làm giảm đè ép não (đặc biệt là các vùng não chức năng), giảm thiểu nguy cơ phù não muộn, giúp tăng khả năng phục hồi các triệu chứng thần kinh.

Hiện nay, PT chọc hút, dẫn lưu ổ máu tụ do XHN tự phát đạt hiệu quả cao với sự trợ giúp dưới hướng dẫn của hệ thống định vị không khung (Navigation) kết hợp với việc đưa chất tiêu sợi huyết (rt-PA) vào trong ổ máu tụ. Đây được coi là kỹ thuật ít xâm lấn (minimally invasive). Kỹ thuật đã được Khoa Ngoại Thần kinh và Trung tâm Đột quỵ não áp dụng thường quy tại Bệnh viện TƯQĐ 108, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Việc triển khai kỹ thuật này hy vọng sẽ mở ra thêm một lựa chọn điều trị mới dành cho các BN đột quỵ XHN, góp phần tăng hiệu quả điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Chỉ định lựa chọn bệnh nhân
Tất cả các bệnh nhân XHN tự phát trên lều đạt được các tiêu chuẩn sau:
1. Tuổi từ 18 đến 80 tuổi.
2. Thời gian ≤ 72 giờ tính kể từ khi khởi phát.
3. Điểm Glasgow 6 – 12 điểm.
4. Thể tích ổ máu tụ ≥ 25ml, đè đẩy đường giữa ≤ 10mm.
5. Không có dị dạng mạch não (phình động mạch, dị dạng thông động - tĩnh mạch …).
6. Không có rối loạn chức năng đông máu, chảy máu.

 

Hình 1. Hệ thống định vị Stealthstation S7

Hình 2. Bộ dụng cụ chọc hút có gắn hạt định vị

Hình 3. Nhập dữ liệu hình ảnh, lập kế hoạch phẫu thuật

Hình 4. Đặt dẫn lưu theo kế hoạch

Hình 5. Hút máu tụ và bơm thuốc tiêu sợi huyết

MINH HỌA LÂM SÀNG

Bệnh nhân Trịnh Văn L, giới tính nam, 57 tuổi, tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, điều trị không thường xuyên, nhập viện giờ thứ 29, trong tình trạng ý thức hôn mê (Glasgow 9 điểm), đồng tử 2 bên đều, liệt nửa người bên trái. Trên phim cắt lớp vi tính sọ não, hình ảnh xuất huyết não vùng đồi thị nhân xám trung ương bên phải, thể tích khối máu khoảng 45 ml. Bệnh nhân đã phẫu thuật chọc hút dẫn lưu ổ máu tụ dưới hướng dẫn của hệ thống định vị Navigation, định kỳ bơm thuốc tiêu sợi huyết Atylase, hút máu tụ qua dẫn lưu. Sau 2 ngày, tình trạng ý thức bệnh nhân tiến triển tốt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, Glasgow 14 điểm, không sốt, còn bại nhẹ nửa người bên trái. Trên phim cắt lớp vi tính chụp sau khi rút dẫn lưu, khối máu tụ giảm đi đáng kể, thể tích chỉ còn khoảng 10ml.

Hình 6. Hình ảnh cắt lớp vi tính sọ não trước mổ (A) và sau rút dẫn lưu (B)


ThS. Bs Trần Quang Dũng, ThS.BS Đặng Hoài Lân, TS. BS. Nguyễn Trọng Yên
Khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ