Khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy mang trong mình sứ mệnh thu dung, cấp cứu và điều trị tất cả các bệnh lý gan, mật, tụy như: ung thư gan, đường mật, ung thư tụy, lách, cùng các bệnh lý sỏi túi mật, sỏi đường mật, sỏi tụy, chấn thương bụng kín vỡ gan, vỡ lách, vỡ tụy… Tháng 10/2017, Khoa đã thực hiện thành công ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống đầu tiên tại Bệnh viện. Sau thành công của ca ghép trên, Khoa đã tiếp tục tiến hành ghép gan cho 50 bệnh nhân khác. Trong đó, đặc biệt các ca ghép gan cấp cứu cho bệnh nhân suy gan mức độ rất nặng, đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống thêm hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Chạy đua với sự sống của người bệnh
Ghép gan là một trong những kỹ thuật phức tạp bậc nhất trong chuyên ngành tiêu hóa - gan mật. Nhưng ghép gan cấp cứu còn khó và đặc biệt hơn rất nhiều. Mọi công đoạn chuẩn bị tiến hành ghép đều phải nhanh chóng để giành giật sự sống cho người bệnh. Tất cả các khoa trong Bệnh viện đều phải phối hợp rất nhịp nhàng trong quá trình trước, trong và sau khi ghép gan cho bệnh nhân.
Các bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện ghép gan cho người bệnh.
Tháng 11/2019, Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy đã thực hiện thành công ca ghép gan cấp cứu từ người cho sống đầu tiên cho bệnh nhân N.T.H, 40 tuổi, ở Hà Nội. Theo lời kể của gia đình, anh H. có tiền sử viêm gan B nhưng uống thuốc điều trị không đều. Anh H. được chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng suy gan cấp trên nền viêm gan mạn tính, nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu. Anh H. rơi vào trạng thái tiền hôn mê gan, suy gan, suy thận, viêm phổi. Anh H. được chuyển sang Bệnh viện TWQĐ 108 và chỉ định ghép gan cấp cứu.
TS. Lê Văn Thành – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, cũng là người trực tiếp tiến hành ca ghép gan cấp cứu này cho biết “Tình trạng bệnh nhân H. rất nặng kèm theo xuất huyết dưới da, rối loạn đông chảy máu. Với diễn biến bệnh như vậy nếu không ghép gan, người bệnh có tiên lượng tử vong rất cao. Do vậy, chúng tôi đã tiến hành phối hợp, tổ chức chuẩn bị, lên phương án và hội chẩn cấp cứu và tiến hành ghép cấp cứu xuyên đêm, chạy đua từng giờ từng phút để cứu sống bệnh nhân”.
Hiện nay, anh H. đã tiếp tục đi làm, sinh hoạt bình thường. “Khi tỉnh lại sau ca ghép gan, tôi thấy hạnh phúc. Tôi cảm giác như mình vừa có một giấc ngủ dài. Cha mẹ sinh ra tôi nhưng các bác sĩ mới là người hồi sinh, cho tôi một cuộc sống mới. Tôi thấy thương cha mẹ mình hơn. Tôi biết ơn các bác sĩ đã cứu sống tôi”, anh H. nhớ lại quãng thời gian nằm viện.
14 tiếng đồng hồ giành giật sự sống cho nam bệnh nhân H.
Hay như trường hợp anh N.V.Đ, 40 tuổi, ở Quảng Ninh, người hiến cho gan chính là chị H, vợ của anh. Chị H. ngậm ngùi, xúc động chia sẻ “Diễn biến của anh quá nhanh, tôi gần như không có thời gian suy nghĩ. Lúc đấy tôi chỉ nghĩ làm sao cứu được chồng mình. Rất may là tôi cùng nhóm máu với chồng, phù hợp để hiến gan cho chồng.”
Hai vợ chồng anh Đ. hạnh phúc, xúc động gặp lại nhau sau ca ghép gan
Anh Đ. được ghép gan vào cuối tháng 12/2019 tại Bệnh viện TWQĐ 108. Khi đó, bệnh nhân Đ. đã rơi vào tình trạng hôn mê, phải đặt ống nội khí quản thở máy. Tuy nhiên, rất may mắn là bệnh nhân chưa có tình trạng tổn thương phù não, kíp ghép gan đã có quyết định “rất cân não” là phải tiến hành ghép gan cấp cứu cho bệnh nhân. Trong mổ, tín hiệu điện não đã xuống gần như bằng 0 nhưng thật kỳ diệu, ngay sau khi kết thúc cuộc mổ, tín hiệu điện não đã dần tăng lên. Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Đ. đã hoàn toàn tỉnh lại.
Thêm một trường hợp ghép gan cấp cứu vào năm 2020, đây cũng là trường hợp suy gan cấp được gửi đến từ một bệnh viện khác trong tình trạng rất nặng. Và may mắn, trong thời gian ngắn đó, anh trai bệnh nhân đã tình nguyện hiến gan với mong muốn cứu sống tính mạng em trai của mình. Ca ghép gan được tiến hành trong khi dịch Covid 19 đang diễn biến rất phức tạp nhưng các bác sĩ vừa thực hiện công tác phòng chống dịch vừa tiến hành ghép gan cứu sống người bệnh.
TS. Thành cũng cho biết thêm: những bệnh nhân viêm gan B phải uống thuốc đều đặn theo lời dặn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc hoặc uống không thường xuyên để hạn chế tình trạng bùng phát của viêm gan B lên thành đợt cấp. Khi bị suy gan cấp khả năng tử vong của bệnh nhân rất cao, lên tới 80% các trường hợp nếu không được ghép gan. Ghép gan là biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho các trường hợp suy gan cấp trên nền gan mạn tính.
Làm chủ khoa học kỹ thuật
Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy tự hào đã làm chủ được những kỹ thuật khó, tham gia thực tốt đề án ghép tạng. Nhưng để làm chủ được kỹ thuật ghép gan, Khoa đã phải xác định nhanh chóng, nắm vững những nội dung kiến thức cơ bản của chuyên ngành ghép gan. Khoa lựa chọn và cử kíp kỹ thuật đi học tại các trung tâm hàng đầu của thế giới bao gồm cả phẫu thuật viên, bác sĩ hồi sức, gây mê và các bác sĩ đã có kinh nghiệm, bác sĩ trẻ với yêu cầu đều phải đáp ứng tốt khả năng giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Hiện nay, Khoa đã gây dựng được đội ngũ bao gồm 02 kíp lấy gan và ghép gan, kíp gây mê, kíp hồi sức sau ghép có thể đảm nhiệm ghép từ 2 – 3 ca/tuần.
Bên cạnh đó, Khoa đẩy mạnh tăng cường hợp tác sâu rộng về chuyên môn để gây dựng nguồn bệnh nhân chờ ghép gan với các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội như Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Quân y 103. Khoa tích cực trao đổi trực tuyến, tham dự Hội nghị Truyền nhiễm, Hội nghị Hồi sức cấp cứu và có những báo cáo về vấn đề chỉ định và hồi sức bệnh nhân chờ ghép, trực tiếp thăm khám, đánh giá và chỉ định khi có yêu cầu của các đơn vị kể trên. Chỉ sau thời gian ngắn, Khoa đã tiếp nhận được nhiều bệnh nhân suy gan cấp từ các bệnh viện và thực hiện thành công ghép gan từ người hiến sống cứu sống tính mạng các bệnh nhân đó.
Khoa cũng đẩy mạnh việc phối hợp với Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup trong việc hỗ trợ thực hiện ghép gan đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, quỹ Thiện tâm đã hỗ trợ cho 04 cặp ghép gan cứu sống người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Với những nỗ lực, quyết tâm, Khoa B3-B nhận được danh hiệu Đơn vị Quyết thắng năm 2017, 2018, và được tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào quyết thắng của Bệnh viện năm 2019.
Thực hiện: Lan Hương – Truyền thông Bệnh viện