Giới thiệu sơ lược các tật khúc xạ trong nhãn khoa

  02:25 PM 03/12/2015

Mắt là 1 trong các giác quan của cơ thể. Mắt cho con người nhận biết được hình dạng, màu sắc, kích thước của các vật xung quanh.
Để chúng ta nhìn rõ và nhìn dễ chịu các vật xung quanh, nhãn cầu phải đáp ứng hai điều kiện sau:
- Mắt phải không bị tổn thương (hay nói cách khác là không có các bệnh)
- Mắt phải có hình dạng và kích thước đúng (hay nói cách khác là không có tật khúc xạ)
Nếu không đáp ứng đủ cả hai yếu tố trên chúng ta sẽ không thể nhìn rõ được.
Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến khái niệm “tật khúc xạ”.

1. Khái niệm:
Tật khúc xạ là do mắt không có kích thước và hình dạng đúng, do đó ánh sáng không hội tụ đúng trên võng mạc. Người có tật khúc xạ cần phải đeo kính gọng hoặc kính tiếp xúc để có thể nhìn rõ và dễ chịu.

2. Các loại tật khúc xạ: có 4 loại tật khúc xạ
a. Cận thị:
Người bị cận thị, thông thường có độ dài của mắt lớn hơn bình thường (cận thị do trục), tuy nhiện cũng có thể do giác mạc hoặc thể thủy tinh quá cong (cận thị do khúc xạ).
Ở mắt cận thị, khi có ánh sáng chiếu vào các tia sáng sẽ hội tụ thành một điểm gọi là tiêu điểm, tiêu điểm này nằm trước võng mạc


Mắt bị cận thị thường được gọi là “mắt nhìn gần” do người cận thị nhìn gần rõ hơn nhìn xa.
Người bị cận thị cần đeo kính phân kì để các tia sáng khi đi vào mắt sẽ được phân kì và kéo tiêu điểm từ phía trước về phía sau để nằm trên võng mạc.

b. Viễn thị
Ngược lại với người bị cận thị. Người bị viễn thị, thông thường có độ dài của mắt ngắn hơn bình thường (viễn thị do trục), tuy nhiện cũng có thể do giác mạc hoặc thể thủy tinh quá dẹt (viễn thị do khúc xạ).
Ở mắt viễn thị, khi có ánh sáng chiếu vào các tia sáng sẽ hội tụ ở sau võng mạc, tiêu điểm nằm sau võng mạc.

Mắt bị viễn thị thường được gọi là “mắt nhìn xa” do người cận thị nhìn xa rõ hơn nhìn gần.
Người bị viễn thị cần đeo kính hội tụ để các tia sáng khi đi vào mắt sẽ được hội tụ và kéo tiêu điểm từ phía sau về phía trước để nằm trên võng mạc.

c. Loạn thị:
Ở mắt bình thường không có tật khúc xạ (mắt chính thị), mắt cận thị và viễn thị đều có khúc xạ cầu. Mặt cầu giống như quả bóng tròn có độ cong bằng nhau ở tất cả các kinh tuyến bề mặt, do vậy công suất khúc xạ bằng nhau ở các hướng.
Ở mắt loạn thị, bề mặt giống như quả trứng, có độ cong không đều ở tất cả các hướng vì vậy công suất khúc xạ cũng khác nhau ở các kinh tuyến. Ở mắt loạn thị có 2 kinh tuyến chính: một kinh tuyến vồng hơn và một kinh tuyên dẹt hơn. Hai kinh thuyến này vuông góc với nhau.
Ở mắt loạn thị thường có mặt giác mạc cong không đều, nhưng nếu nhìn bên ngoài thì không thấy rõ. Với độ cong giác mạc bất thường rất nhỏ thì cũng gây ra loạn thị đáng kể. Phải có dụng cụ đặc biệt để đo độ cong giác mạc.

Ở mắt loạn thị khi ánh sáng đi vào mắt các tia sáng không hội tụ thành 1 điểm (tiêu điểm) mà thành nhiều điểm hay gọi là tiêu tuyến. Có 2 tiêu tuyến chính: 1 tiêu tuyến dọc tạo bởi kinh tuyến ngang vồng hơn của giác mạc và 1 tiêu tuyến ngang được tạo bởi kinh tuyến dọc dẹt hơn của giác mạc. Hai tiêu tuyến này có thể 1 nằm trước võng mạc, 1 nằm sau võng mạc hoặc 1 nằm trước hay sau võng mạc và 1 nằm trên võng mạc. Tùy theo từng tình huống này mà ta có loạn thị đơn hoặc loạn thị hỗn hợp.

d. Lão thị:
Lão thị là hiện tượng do thể thủy tinh cứng dần lên theo tuổi. Bình thường thể thủy tinh có thể phồng lên hoặc dẹt xuống khi ta điều tiết thông qua hoạt đông của cơ thể mi và dây chằng Zinn. Quá trình phồng lên hoặc dẹt xuống của thể thủy tinh sẽ giảm đi khi mức độ cứng của thể thủy tinh tăng lên. Đây chính là hiện tượng điều tiết của mắt. Khi nhìn gần khả năng điều tiết giảm đi, do đó phải đeo kính hội tụ (hay vẫn thường nói là kính lão) để nhìn vật rõ hơn. Vì vậy, lão thị thường bắt đầu ở tuổi 40 và tăng dần đến khoảng 60 tuổi.

ThS. BS CKII. Đặng Thị Bích Thủy
Khoa Mắt – Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ