Cụ bà Đ.T.T(104 tuổi, Hưng Yên) được nhập viện trong tình trạng thể trạng già yếu, đùi phải sưng nề, đau, không cử động được được chân gãy và không thể ngồi được. Sau khi được thăm khám, hoàn thành đủ các xét nghiệm, các bác sĩ đã phẫu thuật kết hợp xương đùi gãy cho bệnh nhân bằng nẹp khóa với đường mổ nhỏ. Sau phẫu thuật 4 giờ, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy được, ăn uống, tập phục hồi chức năng. Vết mổ và chân gãy không còn đau do được điều trị bằng liệu pháp giảm đau sau mổ. Sau 3 ngày, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng, ăn uống được, ngủ tốt, bệnh nhân đươc tập trong khung tập đi. Ngày thứ 4 sau mổ, bệnh nhân được ra viện.
Gãy liên mấu chuyển xương đùi loại gãy xương khá phổ biến, thường gặp ở người cao tuổi, đôi khi chỉ do trượt chân ngã đập nhẹ hông xuống nền cứng. Nguyên nhân là do tình trạng loãng xương và các bệnh mạn tính làm xương trở nên yếu hơn. Biểu hiện của bệnh là sưng đau đùi bên chấn thương, không đi lại được, bàn chân bị đổ ra ngoài sát mặt giường.

Cụ bà 104 tuổi tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Theo TS Nguyễn Năng Giỏi, Chủ nhiệm khoa Chấn thương Tổng hợp, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Trước đây, gãy đầu trên xương đùi ở người cao tuổi chủ yếu không mổ mà được điều trị bằng đeo nẹp chống xoay, vì vậy bệnh nhân không thể ngồi dậy dẫn đến tỉ lệ tử vong cao do các biến chứng viêm phổi, viêm đường tiết niệu, đặc biệt gây viêm loét vùng cùng cụt, lưng,...Vì vậy, trong 5-10 năm gần đây, bệnh nhân được mổ kết hợp xương bằng nẹp khóa với đường mổ tối thiểu. Ổ gãy xương được chỉnh thẳng trục trên bàn mổ chỉnh hình với sự trợ giúp của máy XQ tăng sáng, sau đó, chỉ bằng 1 đường mổ nhỏ, bác sĩ sẽ luồn 1 nẹp vít có khóa và bắt vít cố định vững ổ gãy”.
Sau mổ, người bệnh được sử dụng giảm đau nên hầu như không còn đau vùng ổ gãy và vết mổ và có thể ngồi dậy sớm để tránh các biến chứng do nằm lâu trên. Việc săn sóc sau mổ thuận lợi. Vết mổ nhỏ giúp hồi phục nhanh, liền xương thuận lợi, thời gian nằm viện ngắn, chỉ 3-4 ngày. Khoa Chấn thương Chỉnh hình tổng hợp đã phẫu thuật thành công cho hàng trăm bệnh nhân cao tuổi gãy đầu trên xương đùi, Bs nói thêm.
Gãy đầu trên xương đùi ở bệnh nhân cao tuổi không nên điều trị bằng bó lá hay bó bột mà cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện để khám và điều trị phẫu thuật sớm. Để phòng tránh gãy đầu trên xương đùi, người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, chống loãng xương, và chế độ chăm sóc chu đáo.
Qua trường hợp trên, TS Nguyễn Năng Giỏi cũng khuyến cáo: “Để tránh té ngã, cần sắp xếp nơi ở và sinh hoạt gọn gàng. Tại những nơi có nguy cơ ngã cao như bậc thềm, bậc thang, nhà vệ sinh, sàn nhà trơn cần phải có miếng lót có độ ma sát cao, nên có tay vịn để hỗ trợ việc đi lại, bố trí ánh sáng đảm bảo nhất là ban đêm.
An Ngọc, Truyền thông Bệnh viện