Điều trị thành công một trường hợp rắn lục cắn gây rối loạn đông máu nặng

  02:19 PM 29/03/2017
Rắn lục (Cryptelytrops albolabris) cắn là một cấp cứu phải được theo dõi sát tại cơ sở y tế có huyết thanh kháng nọc rắn lục và có khả năng hồi sức. Dùng huyết thanh kháng nọc rắn là phương pháp điều trị đặc hiệu và hiệu quả.

Bệnh nhân Bùi Văn V., bộ đội 20 tuổi, trong khi lao động tại đơn vị bị rắn cắn vào cẳng tay trái, không nhìn rõ con rắn thủ phạm. Ngay sau đó được quân y đơn vị sơ cứu rửa vết thương, băng bó rồi chuyển tới Khoa Hồi sức Tích cực – Bệnh viện TƯQĐ 108 sau 6 giờ. Tại đây, các bác sỹ khám lâm sàng, làm các xét nghiệm và nhanh chóng xác định đây là một trường hợp rắn lục cắn mức độ nặng, với tổn thương đặc trưng là sưng nề, đau nhức tại chỗ, lan lên cánh tay, rỉ máu khó cầm tại vết thương. Toàn thân có tình trạng rối loạn đông máu nghiêm trọng. Nghiệm pháp đông máu 20 phút tại giường dương tính rõ, aPTT kéo dài, tỉ lệ prothrombin giảm < 10%, fibrinogen < 0,35g/l, D- dimer 38500ng/ml. Bệnh nhân ngay lập tức đã được dùng huyết thanh kháng nọc với liều cao 40 lọ (gấp đôi liều khuyến cáo), kết hợp thay huyết tương, truyền huyết tương tươi. Sau 24 giờ tích cực cấp cứu điều trị tình trạng toàn thân và chức năng đông máu cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân tỉnh táo, tại chỗ không chảy máu, đỡ đau nhức sưng nề, prothrombin tăng 84%, aPTT về giới hạn bình thường, D-dimer 885 ng/ml, fibrinogen vẫn còn giảm nhẹ. Sau 3 ngày điều trị và theo dõi tại Khoa hồi sức, bệnh nhân đã được chuyển khoa.

Qua trường hợp này, chúng tôi muốn nhấn mạnh về việc chẩn đoán và thái độ điều trị tích cực khi bị rắn lục cắn, bởi thời gian là yếu tố quyết định tới sự thành công trong cấp cứu. Ngoài những biện pháp điều trị thông thường, tại Khoa Hồi sức đã áp dụng thành công biện pháp thay huyết tương, giúp loại bỏ nhanh độc rắn gắn trên protein huyết tương, đem lại hiệu quả điều trị cao và nhanh chóng.


ThS. BS. Nguyễn Thị Huyền Trang
Khoa Hồi sức Tích cực – Bệnh viện TƯQĐ 108

Chia sẻ