Điều trị sụp mi bẩm sinh và mắc phải bằng kĩ thuật chuyển vạt cơ trán

  02:28 PM 12/02/2019
Sụp mi gây ảnh hưởng rất nhiều cho người bệnh không chỉ về chức năng mà còn thẩm mỹ, đặc biệt với trường hợp sụp mức độ nặng. Trong vòng 3 năm từ 2015 đến 2018, khoa phẫu thuật Tạo hình – Hàm mặt đã tiếp nhận và phẫu thuật cho 136 bệnh nhân bị sụp mi bẩm sinh và mắc phải mức độ vừa và nặng theo phương pháp chuyển vạt cơ trán treo mi đạt kết quả tốt, mức độ hài lòng cao.

Sụp mi (blepharoptosis, ptosis, drooping eye) là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Mi có thể bị sụp với các mức độ khác nhau, 1 bên hoặc cả 2 bên với độ sụp cân xứng hoặc không cân xứng.

Đánh giá tình trạng sụp mi dựa vào các yếu tố chính sau:
+ Mức độ sụp mi: Hiện nay thường được phân loại theo Mustardé như sau: 
Nhẹ (Độ I): Bờ mi nằm phía trên bờ đồng tử.
Vừa (Độ II): Bờ mi nằm trên (che một phần) diện đồng tử.
Nặng (Độ III): Bờ mi che toàn bộ diện đồng tử.
+ Biên độ vận động mi trên (đánh giá chức năng cơ nâng mi):
Nhóm 1 (Chức năng cơ nâng mi kém): BĐVĐ ≤ 4 mm. 
Nhóm 2 (Chức năng cơ nâng mi trung bình): BĐVĐ = 5 – 7 mm.
Nhóm 3 (Chức năng cơ nâng mi khá) BĐVĐ = 8 – 12 mm.
Nhóm 4 (Chức năng cơ nâng mi tốt) BĐVĐ trên 12 mm.
- Đánh giá tình trạng các cấu trúc, bệnh lý liên quan: hốc mắt, độ lồi nhãn cầu, tình trạng vận nhãn, nhãn cầu,… 
- Các xét nghiệm: Các thử nghiệm phát hiện nhược cơ (Điện cơ, test nước đá, test Prostigmin, Tensilon,...), chẩn đoán hình ảnh như siêu âm mắt, siêu âm mạch hốc mắt, chụp X quang hốc mắt, chụp cắt lớp điện toán (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp mạch máu (DSA),...
- Chẩn đoán phân biệt:
+ Giả sụp mi: Do nhãn cầu teo nhỏ, bệnh nhân mang mắt giả nhỏ, thụt nhãn cầu sau chấn thương gãy thành xương, lác đứng, sa cung mày, chùng dãn mi nặng, lác lên hoặc xuống đối bên, do khuôn mặt không cân đối (mặt lệch, 2 mắt không đối xứng),...
+ Sụp mi cơ năng: co rút mi trên ở một mắt có thể làm cho mi mắt bên đối diện sụp nhẹ.

Với sụp mi mức độ vừa và nặng kèm theo chức năng cơ nâng mi yếu thì phẫu thuật treo mi sử dụng cơ trán làm cơ động lực là phương án duy nhất. Có 2 phương pháp treo mi vào cơ trán:

- Thứ nhất: Treo mi gián tiếp vào cơ trán bằng chỉ silicon, prolene, cân đùi…là phương pháp kinh điển với ưu điểm là nhanh, ít sang chấn tuy nhiên tỷ lệ tái phát khá cao (20-30%).

- Thứ hai: Treo mi trực tiếp bằng vạt cơ trán, đây là phương pháp xoay vạt cơ trán trực tiếp để treo mi thay cho cơ nâng mi đã mất hoặc chức năng kém. Phương pháp này khắc phục được tình trạng tái phát nhưng đòi hỏi tay nghề và kinh nghiệm của phẫu thuật viên hơn.

Trong 3 năm 2015-2018, khoa PT Tạo hình Hàm mặt đã phẫu thuật cho 136 bệnh nhân sụp mi bẩm sinh và mắc phải mức độ vừa và nặng bằng phương pháp chuyển vạt cơ trán. Trong đó, sụp mi bẩm sinh chiếm 53%, mắc phải sau chấn thương, sau mổ bằng các phương pháp khác chiếm 47%. Theo độ tuổi, trẻ em 2-15 tuổi chiếm 35%, từ 15- 55 tuổi chiếm 65%.

Kết quả sau mổ 6 tháng khả quan với 85% số bệnh nhân có hai mi mắt mở cân đối, độ cong bờ mi đều, độ hở mi ít.

Ảnh. Bn Ng.M.L sụp mi nặng bên phải, sau mổ 10 ngày.

Kĩ thuật treo mi bằng vạt cơ trán của Khoa đã được Giải Nhất tại Hội thao sáng tạo kĩ thuật Tuổi trẻ ngành y tế Thủ đô Lần thứ 26 năm 2015.

 

Theo BS. Phạm Ngọc Minh- truởng kíp kĩ thuật Hội Thao, bệnh nhân sụp mi nên thăm khám và tư vấn với bác sĩ sớm để có thể lựa chọn phương pháp và thời điểm phẫu thuật phù hợp.

 

 
 
 
Chia sẻ