Điều trị nội nha răng vĩnh viễn chưa đóng cuống bằng MTA

  04:55 PM 09/09/2016

Điều trị bảo tồn các răng vĩnh viễn rất quan trọng, đảm bảo thẩm mỹ, ăn nhai, tạo lập khớp cắn, kích thích sự phát triển của xương hàm. Nguyên tắc trong điều trị nội nha là làm sạch hoàn toàn buồng ống tủy và trám bít kín theo ba chiều không gian. Tuy nhiên, có khoảng 5-10% các răng vĩnh viễn chưa đóng cuống, việc điều trị luôn gặp nhiều thách thức do khó làm sạch và khó hàn ống tủy vì cuống chưa đóng nên không có hàng rào chặn vật liệu hàn không cho tràn ra quanh cuống và các răng này cũng thường có chân mỏng nên có nguy cơ gãy sau điều trị.

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu sử dụng các vật liệu và phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề khó khăn trên. Calcium hydroxide (Ca(OH)2) là vật liệu được áp dụng rộng rãi trong điều trị các răng chưa đóng kín cuống nhằm kích thích tạo hàng rào tổ chức cứng giúp đóng cuống chân răng; nhưng thời gian để hình thành hàng rào tổ chức cứng từ 6 – 21 tháng, như vậy bệnh nhân phải cần đến 6 – 8 lần hẹn mới hoàn tất điều trị. Quá trình điều trị kéo dài làm mất nhiều thời gian nên bệnh nhân dễ bỏ cuộc, nguy cơ gãy vỡ răng rất cao cũng như làm tăng chi phí điều trị sau này. Đó là lý do cho việc tìm kiếm một loại vật liệu mới tốt hơn. 

Năm 1995, Torabinejad phát triển vật liệu mineral trioxide aggregate (MTA) có tính tương hợp sinh học cao, cho phép tạo ra được hàng rào chặn cuống tức thì, sau đó có thể hàn ống tủy ngay, đồng thời kích thích quá trình lành thương tốt và tạo hàng rào tổ chức cứng quanh cuống. MTA có khả năng kìm khuẩn, kháng nấm cao và với sự hình thành một lớp khoáng hóa ở kẽ giữa lớp vật liệu và thành ngà, nó còn tạo nên một môi trường không thuận lợi cho các vi khuẩn còn sót lại và loại bỏ các bệnh tật quanh cuống, kể cả khi MTA bị nhồi quá ra ngoài. Do đó, sử dụng MTA – vật liệu có cả đặc tính giống như Ca(OH)2 và nhiều ưu điểm vượt trội hơn, đông cứng trong vòng dưới 3 tiếng, có độ bền nén cao là chất hàn tạo nút chặn cuống một thì đã trở thành quy chuẩn cho điều trị các răng chưa đóng cuống.
 
Quy trình điều trị đóng cuống sử dụng MTA làm nút chặn cuống được Torabinejad đề nghị năm 1999 bao gồm làm sạch ống tủy bằng bơm rửa NaOCl 0,5% và đặt Ca(OH)2 trong 1 -2 tuần, sau đó đặt một lớp MTA khoảng 4 – 5mm vào vùng cuống răng trong ống tủy, sau 3 – 4 ngày lấy chất hàn tạm, hàn ống tủy bằng Gutta Percha; cuối cùng, hàn vĩnh viễn phía trên bằng composite và phục hồi thân răng. 

Nhiều nghiên cứu theo dõi trường hợp nhồi MTA quá cuống không mong muốn. Sau 12 tháng không có triệu chứng lâm sàng, hình ảnh thấu quang biến mất, hình thành hàng rào tổ chức cứng đóng kín cuống răng và bao xung quanh phần MTA thừa. Điều này chứng tỏ khả năng tương hợp sinh học, kích thích lành thương, tạo hàng rào tổ chức cứng của MTA rất tốt.

Đây là hình ảnh X-quang một ca lâm sàng:

A) Bệnh nhân nữ 12 tuổi, răng hàm nhỏ thứ 2 hàm dưới viêm quanh cuống cấp. B) Đặt Ca(OH)2. C) Sau 3 tháng hàn bằng MTA và phục hồi răng. D) Sau 18 tháng: cuống răng đã đóng, hết tổn thương quanh cuống.

Khoa Răng - Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ