Dịch cúm gia cầm A(H7N9) lần thứ 5 ở Trung Quốc

  02:27 PM 20/03/2017
Theo cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng Ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC), số lượng bệnh nhân mắc virus cúm A(H7N9) trong vụ dịch cúm gia cầm hiện nay ở Trung Quốc đã tăng đáng kể so với các vụ dịch cúm A(H7N9) trước đây và chủng virus cúm A(H7N9) đang lan rộng tại Trung Quốc dường như có độc lực rất cao.

Nghiên cứu của tiến sỹ Danielle Juliano và các đồng nghiệp thấy rằng 'Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh ở người đều liên quan đến tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và tiến triển đến bệnh hô hấp nghiêm trọng”. Mặc dù nguy cơ hiện nay đối với sức khoẻ cộng đồng từ virus cúm A(H7N9) là thấp. Tuy nhiên, virus cúm A(H7N9) có điểm số nguy cơ cao dẫn đến đại dịch.

Theo báo cáo của CDC, dịch cúm gia cầm thứ năm ở Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 01/10/2016 vẫn đang tiếp diễn, đã gây nhiễm cho 460 người so với 135 ca nhiễm được báo cáo trong đợt dịch đầu tiên, 320 ca nhiễm được báo cáo trong vụ dịch thứ hai, 226 ca nhiễm ở vụ dịch thứ ba và 119 ca nhiễm ở vụ dịch thứ tư. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cho đến nay tổng số người đã bị nhiễm virus cúm A(H7N9) là 1258 ca.

Bệnh cúm A(H7N9) ở Trung Quốc lần đầu tiên được báo cáo vào tháng 3 năm 2013. Các báo cáo cho thấy, trong bốn vụ dịch bệnh đầu tiên có 88% bệnh nhân bị viêm phổi, 68% phải nhập viện tại một đơn vị chăm sóc tích cực và 41% bệnh nhân tử vong.

Cho đến nay, chưa ghi nhận có sự lây truyền từ người sang người của các chủng virus cúm A(H7N9). Kết quả phân tích trình tự gen cho thấy virus A(H7N9) hiện nay bao gồm hai dòng di truyền khác biệt: một từ đồng bằng sông Châu Giang và một từ đồng bằng sông Dương Tử. Dữ liệu ban đầu cũng chỉ ra rằng các virus cúm gia cầm A từ dòng sông sông Dương Tử có đặc tính 'khác biệt về mặt chủng tộc' với các virus lưu hành trong các dịch cúm gia cầm trước đây. Điều đáng lo ngại là chúng cũng khác biệt so với các chủng virus có trong vacxin hiện nay.

Các phân tích cũng cho thấy có khoảng 7% - 9% số chủng virus lưu hành trong vụ dịch hiện tại ít bị ảnh hưởng bởi thuốc kháng neuraminidase, loại thuốc hiện đang được khuyến cáo để điều trị nhiễm virus cúm gia cầm A. Các nhà nghiên cứu của CDC nhấn mạnh rằng họ đang trong quá trình phát triển một vacxin với hy vọng sẽ có thể ngăn ngừa sự lây lan của cúm gia cầm A.

Trong thời gian chờ đợi, chúng ta cần cảnh giác cao và kiểm soát chặc chẽ các yếu tố nguy cơ lan truyền của bệnh vào Việt Nam cũng như chuẩn bị sẵn sàng kiến thức, phương tiện nhằm chẩn đoán sớm và cách ly, điều trị những ca bệnh đầu tiên.

BS. Trịnh Văn Sơn
Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức - Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm
Bệnh viện TƯQĐ 108.
Chia sẻ