Ung thư thực quản (UTTQ) có tỉ lệ mắc đứng thứ 9 trong các bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đứng thứ 3 trong ung thư đường tiêu hóa (sau ung thư dạ dày và ung thư đại – trực tràng). Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 17.000 ca mới mắc và 15.000 ca tử vong do bệnh lý này. Ở Việt Nam, theo một thống kê tại Hà Nội, tỷ lệ mắc UTTQ ở nam là 8,7/100.000 dân, ở nữ là 1,7/100.000 dân; bệnh đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư phổ biến. Bệnh có tiên lượng xấu, là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 6 trong các bệnh ung thư, với tỉ lệ tử vong/mới mắc 0,88. Gần 50% bệnh nhân ở giai đoạn không phẫu thuật được. Tại thời điểm chẩn đoán ban đầu, 18% bệnh nhân (BN) có di căn xa (gan, phổi, hạch ổ bụng). Tỉ lệ sống thêm sau 5 năm khoảng 20-25% [1].
Thực quản là phần trên của ống tiêu hóa, giúp chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Về mặt giải phẫu, thực quản được chia làm 3 đoạn: Thực quản 1/3 trên kéo dài từ miệng tới chỗ phân chia khí quản (ngang tĩnh mạch đơn), thực quản 1/3 giữa từ dưới chỗ phân chia tĩnh mạch đơn tới bờ dưới tĩnh mạch phổi và thực quản 1/3 dưới là phần còn lại tới sát tâm vị. Việc chia đoạn thực quản nhằm mục đích phục vụ cho chẩn đoán và điều trị. UTTQ gồm hai thể mô bệnh học chính là ung thư biểu mô vảy thường ở thực quản 1/3 trên và ung thư biểu mô tuyến thường ở thực quản 1/3 giữa – dưới. Những năm gần đây, thể ung thư biểu mô tuyến có xu hướng tăng nhanh ở các nước châu Âu, Mỹ; tại các nước châu Á, châu Phi, thể biểu mô vảy chiếm phần lớn. |
|
Chẩn đoán UTTQ
Lâm sàng: UTTQ thường gặp ở người trên 50 tuổi. Biểu hiện lâm sàng đầu tiên thường là nuốt nghẹn tăng dần, có thể kèm theo trớ, nôn ngay sau ăn. U kích thước lớn chèn ép cơ quan xung quanh gây đau sau xương ức, khó thở, khàn tiếng, ho ra máu. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân thường biểu hiện sút cân, khô và sạm da, suy kiệt.
Khám cận lâm sàng:
- Chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang
- Chụp cắt lớp vi tính ngực – bụng: đánh giá xâm lấn của u, tình trạng di căn hạch và di căn xa
- Nội soi thực quản – dạ dày, sinh thiết giúp xác chẩn giải phẫu bệnh
- Siêu âm nội soi thực quản giúp phân biệt các tổn thương giai đoạn sớm và sinh thiết hạch trung thất, ổ bụng
- Nội soi khí quản đánh giá xâm lấn khí - phế quản
- Chụp PET/CT với F18 -FDG đây là phương pháp chẩn đoán rất có giá trị trong đánh giá giai đoạn, đánh giá đáp ứng sau điều trị và phát hiện tái phát.
Phân loại giai đoạn UTTQ [2]
- Giai đoạn 0: ung thư tại chỗ- Giai đoạn I: ung thư chưa xâm lấn lớp cơ
- Giai đoạn II: ung thư đã xâm lấn lớp cơ hoặc mô liên kết ngoài thực quản
- Giai đoạn III: ung thư xâm lấn các cơ quan xung quanh thực quản hoặc di căn hạch
- Giai đoạn IV: di căn xa
Điều trị UTTQ
Hiện nay, điều trị UTTQ là điều trị đa mô thức cần phối hợp nhiều chuyên ngành bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị [3]. Phẫu thuật có vai trò quan trọng nhất trong điều trị UTTQ. Tuy nhiên, với các tổn thương không thể phẫu thuật, hóa – xạ triệt căn là phương pháp thay thế hiệu quả. Tùy vị trí khối u và giai đoạn bệnh mà bác sỹ lựa chọn chiến thuật điều trị hợp lý.
Tổn thương thực quản giai đoạn sớm (chưa xâm lấn tới lớp cơ) được điều trị bằng cắt hớt niêm mạc nội soi, laser hoặc quang đông (cryotherapy). Phẫu thuật cắt thực quản làm ống cuốn dạ dày được chỉ định cho tổn thương chưa xâm lấn khỏi thành thực quản và chưa có di căn hạch (giai đoạn I). Khi u xâm lấn khỏi thành thực quản hoặc có di căn hạch (giai đoạn II, III), cần kết hợp hóa chất, xạ trị và phẫu thuật. Bệnh nhân có di căn xa chỉ điều trị hóa chất vớt vát hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Những tổn thương xâm lấn rộng gây triệu chứng nuốt nghẹn, đau ngực, khó thở có thể chỉ định xạ giảm nhẹ, đặt stent hoặc mở thông dạ dày nuôi dưỡng.
Ngoài ra, chỉ định điều trị UTTQ còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương. UTTQ 1/3 trên thường được chỉ định hóa - xạ triệt căn do can thiệp ngoại khoa vùng này rất khó khăn; đối với UTTQ 1/3 giữa và dưới, hóa – xạ tiền phẫu kết hợp phẫu thuật là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, các kỹ thuật xạ trị hiện đại như xạ trị điều biến liều (IMRT) hay xạ trị quay điều biến thể tích (VMAT) giúp kiểm soát u tốt hơn trong khi hạn chế tác dụng phụ trên mô lành, đặc biệt trong UTTQ 1/3 trên.
Theo dõi sau điều trị
Do bệnh UTTQ có khả năng tái phát, di căn xa nhanh nên BN sau điều trị cần được theo dõi chặt chẽ. Trong 2 năm đầu, BN được hẹn khám mỗi 3 tháng; từ năm thứ 2 là 4 - 6 tháng. Các triệu chứng cần theo dõi gồm: cân nặng, nuốt nghẹn, đau. Bác sỹ có thể chỉ định các xét nghiệm máu, nội soi, sinh thiết hoặc CT khi cần thiết. Ngoài ra cần theo dõi các tác dụng phụ sau điều trị như: hẹp, rò miệng nối, viêm phổi, viêm trung thất.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán và điều trị đa mô thức kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa chất đạt kết quả tốt cho nhiều BN UTTQ. BN có nhu cầu tư vấn về chẩn đoán và điều trị UTTQ xin liên hệ với Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. ĐT: 046-2784163.
Hình ảnh tổn thương ung thư thực quản trên nội soi trước điều trị
Đáp ứng hoàn toàn trên nội soi sau hóa xạ trị tại Bệnh viện TƯQĐ 108
BS. Nguyễn Đình Châu,
Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện TƯQĐ 108.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Duy Hiển và cộng sự (2010) Điều trị phẫu thuật bệnh ung thư. Nhà xuất bản y học
2. Edge SB, Compton CC (2010) American joint committee on cancer_cancer staging manual 7th. Ann Surg Oncol 17(6):1471-4.
3. NCCN (2017) Esophageal and Esophagogastric Junction Cancer. Clinical Practice Guidelines in Oncology.