Trong ký ức của mỗi chúng ta hẳn luôn lưu giữ hình ảnh đặc biệt về cha - người thầy đầu tiên - người gánh trên vai bao khó nhọc để nuôi ta khôn lớn. Với không ít người, cha chính là hình mẫu lý tưởng để noi theo trong suốt cuộc đời. Cha tôi, một người lính hậu cần, cũng là một người như thế…
Cha tôi là người lính luôn nghiêm khắc, cẩn thận song cũng rất gần gũi và trách nhiệm. 25 năm trong quân ngũ là chừng ấy thời gian ông sống xa gia đình. Tuổi thơ của anh em tôi là những ngày dài sống trong cảnh thiếu vắng bóng cha. Tôi vẫn nhớ rõ, những khi anh em tôi ốm đau chỉ có mẹ bên cạnh; vào những buổi tựu trường luôn thui thủi một mình. Ngày đó, nỗi buồn lớn nhất của anh em tôi là lúc thấy bạn bè xung quanh ai cũng có cha đưa đón.
Không có cha ở bên, nên những lúc bị bạn bè bắt nạt, ấm ức lắm nhưng chúng tôi chỉ biết khóc. Lúc đó, tôi chỉ ước, giá như cha không phải là bộ đội, giá như cha đừng đi xa như vậy... Vậy nhưng, mỗi khi cha về tôi lại thấy khó chịu với những nguyên tắc mà cha đặt ra với anh em tôi. Bởi thế mà những lần về phép của cha vẫn không đủ bù đắp cho những thiếu thốn về tinh thần, tình cảm của anh em tôi.
Bây giờ, khi đã trưởng thành và sống xa gia đình, tôi càng hiểu cha nhiều hơn; hiểu được nỗi cô đơn khi cha một mình ở nơi xa. Cha đã sống những ngày dài với bao nỗi khổ không thể nói ra vì sợ người thân lo lắng; đã có những buổi chiều nhớ nhà đến quặn thắt lòng nhưng phải kìm nén. Khi ở xa gia đình, những lo lắng của cha cũng lớn hơn bội phần người ở nhà, nhất là khi người thân đau ốm, mất mát mà cha không thể về. Tôi vẫn còn nhớ, cái ngày bà nội mất, cha đã khóc suốt đêm khi không về kịp để nhìn bà lần cuối. Tôi nhớ và ân hận nhiều lắm khi những lần cha ốm nặng, mẹ phải vào đơn vị chăm nom nhưng ở nhà, chị em tôi vẫn vô tư vui đùa như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
Cha tôi nay đã rời quân ngũ, tóc đã điểm bạc. Giờ đây, mỗi lần nhìn cha, tôi thấy lòng mình thanh thản bởi đã hiểu và thương cha nhiều hơn. Những ngày này, ở quê nhà, cha tôi đang bận rộn cùng đồng chí, đồng đội cũ của mình. Tôi biết, dù phải chịu không ít thiệt thòi khi sống xa gia đình suốt 25 năm trời, nhưng được làm người lính và sống trọn vẹn với nó chính là quãng thời gian đẹp nhất, đáng tự hào nhất trong cuộc đời ông. Tôi tự hào về cha mình; tự hào khi nói “Cha tôi là người lính”.
Tiếp bước cha, tôi trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - một nữ quân nhân công tác tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, cơ sở bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta và nước bạn Lào, Campuchia… Tôi cũng thật vinh dự bởi đã được chăm sóc, điều trị để nhiều thương binh, bệnh binh phục hồi sức khỏe, trở về với đời thường, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Yêu cha, yêu môi trường quân ngũ, yêu công việc mà mình lựa chọn, tôi luôn thầm hứa phải công tác tốt để xứng đáng là con của một người lính, xứng đáng là người chiến sĩ của Quân đội anh hùng, góp phần phụng sự Tổ quốc, cống hiến cho Quân đội, phục vụ nhân dân.
Dẫu cha đã già, tôi cũng đã khôn lớn, trưởng thành, nhưng những bài học mà tôi nhận từ cha vẫn theo cùng năm tháng. Cha vẫn đang tiếp tục dạy bảo tôi, giúp tôi trở nên tốt hơn mỗi ngày. Nhân dịp thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, bằng tất cả tình yêu của mình, tôi mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cha - người chung màu xanh quân phục - người chiến sĩ đặc biệt nhất của tôi. Chúc cha có một ngày 22-12 thật nhiều niềm vui. Con luôn tự hào về cha - người lính Cụ Hồ!
Trung tá CN Vũ Thị Kim Oanh – Kỹ thuật viên, Khoa Phục hồi chức năng