Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao, ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện phá rung, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh cân bằng toan kiềm máu. Tim bệnh nhân đập lại sau 20 phút cấp cứu. Trong quá trình cấp cứu, trên điện tim của bệnh nhân xuất hiện nhiều ngoại tâm thu thất. Nhận định có thể đây là trường hợp ngừng tim do rối loạn nhịp có yếu tố gia đình, khoa Cấp cứu đã phối hợp chặt chẽ với Viện Tim mạch tiến hành sốc điện và đặt máy phá rung tự động cho bệnh nhân. Sau quá trình cấp cứu và điều trị, bệnh nhân đã hồi phục, ra viện và trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Sốc điện phá rung. Nguồn: internet
Ngừng tim đột ngột ở người trẻ tuổi là một bệnh cảnh phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra. Đa số các trường hợp là ngừng tim ngoại viện, việc cấp cứu điều trị gặp nhiều khó khăn do thời gian di chuyển từ nơi ngừng tim đến bệnh viện mất nhiều thời gian. Sau cấp cứu, dù tim có đập lại nhưng nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, đặc biệt là di chứng trên hệ thần kinh trung ương, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một trong các nguyên nhân hay gặp dẫn đến ngừng tim đột ngột ở người trẻ tuổi là rối loạn nhịp như hội chứng Brugada và các loại loạn nhịp khác. Các rối loạn này thường liên quan đến yếu tố di truyền hoặc gia đình. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra yếu tố gen có thể có liên quan như gen CDH2 làm mô tim được thay thế bởi mô mỡ và mô xơ. Quá trình này khuyến khích sự phát triển của rối loạn nhịp tim như nhịp tim nhanh và rung thất, gây mất ý thức và tim ngừng đập. Do vậy, nếu gia đình có người trẻ tuổi ngừng tim đột ngột thì các thành viên khác nên đi khám và tư vấn chuyên gia tim mạch để có các biện pháp dự phòng và điều trị hợp lý.
BS NguyễnTuấn Sơn, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108