Cách lựa chọn thực phẩm cho bệnh nhân mắc bệnh Wilson

  03:47 PM 08/06/2022
Bệnh Wilson là bệnh di truyền, gây rối loạn chuyển hóa đồng trong cơ thể, chủ yếu ở gan và não. Uớc tính ở Việt Nam có khoảng hơn 2000 bệnh nhân mắc bệnh này. Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dẫn đến sự tích lũy đồng trong cơ thể có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như gan, não, mắt, thận, gây nhiều bệnh lâm sàng đa dạng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Có khoảng 40 – 50% trường hợp mắc bệnh Wilson bị rối loạn chức năng gan, gây viêm gan, dẫn đến vàng da, đau bụng và buồn nôn, hậu quả cuối cùng gây xơ gan và tử vong. Song song với việc sử dụng thuốc để giảm lượng đồng trong cơ thể thì người bệnh cần ngăn ngừa đồng tích tụ trong cơ thể trở lại bằng một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối, hợp lý, hạn chế tối đa lượng đồng vào cơ thể.

1. Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng đối với người mắc bệnh Wilson

Ăn đa dạng các loại thực phẩm, cân đối tỷ lệ Protein, Glucid, Lipid, cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nhu cầu năng lượng: 30-35kcal/kg cân nặng; Protein: 1-1,2 g/kg cân nặng; lipid: 15-20% nhu cầu năng lượng.

 

Với một người bình thường, bạn có thể dung nạp và chuyển hóa được 800-900 µg/ ngày. Tương đương với 300g – 350g thịt, cá, trứng/ ngày + rau, hoa quả thuộc nhóm ít đồng 400g/ ngày. Nhưng đối với người mặc bệnh Wilson, để đảm bảo bữa ăn đa dạng kết hợp với việc giảm tối thiểu lượng đồng cung cấp vào cơ thể bệnh nhân cần kết hợp giữa nhóm thực phẩm không có đồng và có ít đồng trong 1 bữa ăn tạo nên một khẩu phần vừa cân bằng về dinh dưỡng, khoa học, hoàn hảo nhất.

2. Lời khuyên lựa chọn các nhóm thực phẩm an toàn

 2.1 Một số thực phẩm không có đồng

Nhóm cung cấp đạm- Protein

Các loại thịt và sản phẩm chế biến từ thịt: Thịt bò loại 2, thịt chó sấn, thịt chó vai, thịt trâu bắp, thịt trâu đùi, thịt trâu thăn, gân bò, lòng lợn, tiết lợn, tiết bò, ba tê, chả lợn, dăm bông, dồi lợn, giò bò, giò lợn, giò thủ, nạp xường, nem chạo, nem chua, ruốc thịt lợn, thịt bò khô, thịt trâu khô, xúc xích, châu chấu, nhộng

Các loại thủy, hải sản: Cá bống, cá chày, cá diếc, cá rô đồng, cá quả, cá rô phi, cá mè, trạch, cá trắm cỏ, cá trôi, cua bể, cua đồng, hải sâm, hến, mực khô, ốc, nước ngọt, rạm, rươi, tép, tôm đồng, Trứng và các sản phẩm từ trứng: Lòng đỏ trứng vịt, lòng trắng trứng vịt, trứng cá, trứng vịt lộn

Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa đặc có đường

Đồ hộp: Cá hộp, thịt hộp.

Các loại nước mắm.

Nhóm cung cấp chất bột đường- Glucid

Bún, miến, phở, bánh đúc, mỳ gạo, quẩy, bỏng ngô, cốm, bột khoai tây, bột sắn, khoai tây chiên, ngô nếp luộc, củ ấu, củ cái, củ dong, củ sắn (sắn dây, sắn tàu), củ từ, khoai lang nghệ, khoai môn, khoai nước, khoai sọ, hạt đậu cove, đậu đen, đậu hạt trắng, hạt dẻ to, hạt mít, hạt rang (bí đỏ, hạt dưa).

Rau xanh và quả chín

Các loại rau: Bí xanh, cà tím, rau cần, củ cải đỏ, củ đậu, củ niềng, dọc mùng, dưa gang, đậu rồng, gấc, hoa chuối, hoa thiên lý, lá lốt, lá me, lá mơ lông, măng khô, mướp nhật, ngải cứu, ngô bao tử, nụ mướp, rau giền trắng, rau má, rau rút, rau sắng, rau sam, rau tàu bay, nấm hương, nấm rơm

Quả chín: Chôm chôm, dâu tây, dưa lê, hồng bì, mẵng cầu xiêm, mắc cọp, mít mật, nhót, bơ vỏ tím, quả cóc, quả thanh long, trứng gà, quất chín, sầu riêng, vú sữa.

2.2 Các thực phẩm ít đồng:

Các loại thịt: tai lợn, Thịt gà ta, lưỡi lợn

Các loại thủy, hải sản: Lươn, cá hồi, cá chép, cá ngừ, cá trê

Sữa và các sản phẩm từ sữa: Các loại sữa, sữa chua

Các loại rau: ớt chuông, rau mồng tơi, bầu; rau khoai lang, mướp đắng, mướp hương; đậu đũ, súp lơ xanh, cà bát; cà chua, cà pháo, chuối xanh, cần tây, dưa chuột, đậu cove; cải thìa; rau bí; hạt sen tươi.

Hoa quả chín: gioi, ổi, dưa hồng, đu đủ chín, đào, mận, lựu, táo ta, dưa hấu, hồng xiêm, dưa bở.

2.3 Các thực phẩm giàu đồng không nên sử dụng

Người bệnh cần chú ý không dùng các loại hạt và các sản phẩm từ hạt: hạt vừng đen, trắng, bột đậu nành, hạt điều, bột đậu xanh, sữa đậu nành. Các loại thực phẩm sấy khô: mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm, đậu Hà lan, đậu tương, đậu xanh, hạt lạc.

Các loại rau: Giá đâu tương; su hào, ngó sen , bí ngô, rau đay, cải soong, măng chua, rau ngót, măng tây, cải cúc, cải bắp; cải xanh, rau diếp, đậu hà lan, giá đậu xanh, cà rốt, củ cải trắng, đu đủ xanh, rau giền, rau muống, su su, súp lơ trắng

Hoa quả và các sản phẩm từ hoa quả: Nhãn khô, vải khô, dứa ta, na, bơ vỏ xanh, chanh, chuối tây, nhãn, xoài, cam, vải, chuối tiêu, kiwi, lê, Bưởi, hồng đỏ, mít dai, nho ngọt, quýt, táo tây

Thịt và các sản phẩm từ thịt: gan vịt, gan bò, gan lợn, bầu dục lợn, thịt bồ câu ra ràng, tim động vật, gan gà, thịt ngỗng, ếch, thịt dê nạc, thịt hươu, thịt vịt, lưỡi bò, thịt bê mỡ.

Thủy hải sản: mực tươi, sò, ghẹ, trai, tôm biển, cá trích, cá nục, cá thu

Không nên sử dụng xì dầu và phủ tạng động vật: gan, mề, dạ dày, tim.

3. Các thực phẩm đã qua chế biến

Đồng sẽ bị mất đi khi thực phẩm đã qua chế biến, vì vậy cách thức chế biến sẽ giúp người bệnh giảm được lượng đồng đáng kể hoặc loại bỏ hoàn toàn đồng có trong thực phẩm. Ví dụ như: đậu phụ chúc, đậu phụ nướng, hạt điều khô, chiên dầu, sữa bột đậu nành, tào phớ. Ruốc thịt lợn, ruốc tôm, giò, chả, xúc xích, bún, miến, phở, thịt vịt hầm

Chú ý: Quá trình lựa chọn thực phẩm cần chú ý lượng đồng trong bảng thành phần dinh dưỡng của các sản phẩm được ghi bên ngoài mỗi bao bì.

Cách lựa chọn thực phẩm khoa học và chế biến đúng sẽ giúp bạn có được chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế tối đa lượng đồng hấp thu vào cơ thể, giúp hạn chế các biến chứng, sự phát triển của bệnh.

CNDD Nguyễn Thị Hương, BSCKI Đào Thị Hảo

Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ