Một người mắc bệnh đái tháo đường càng lâu, điều trị càng không tốt thì nguy cơ phát triển bệnh võng mạc càng cao. Bệnh ảnh hưởng đến trên 80% người bị đái tháo đường 20 năm trở lên.
Đường máu cao kéo dài gây nên tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, biểu hiện rõ nhất ở các vi mạch máu. Tại mắt, do tổn thương các mao mạch võng mạc, làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề. Khi mao mạch bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu võng mạc, cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra các yếu tố kích thích sự phát triển các mạch máu mới (tân mạch) để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên những mạch máu này mỏng manh dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết võng mạc, dịch kính, xơ hóa gây co kéo bong võng mạc.
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu hay giai đoạn chưa tăng sinh, người bệnh thường không tự thấy triệu chứng gì. Chỉ khi khám đáy mắt bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt với phương tiện chuyên dụng như chụp đáy mắt huỳnh quang, chụp cắt lớp võng mạc (OCT),... mới có thể phát hiện những tổn thương đáy mắt như vi phình mạch, xuất huyết, thiếu máu cục bộ võng mạc,... Khi có phù hoàng điểm và ở giai đoạn tăng sinh của bệnh, người bệnh thấy giảm thị lực, khuyết tầm nhìn, thấy hình tối bất thường trước mắt, thậm chí mất thị lực. Khám thấy phù hoàng điểm, xuất tiết võng mạc, tân mạch, xuất huyết võng mạc - dịch kính, tổn thương thần kinh thị giác,... ở các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Hình ảnh minh họa:
Hình 1: Hình ảnh đáy mắt (A. Bình thường; B. Bệnh võng mạc đái tháo đường)
Hình 2: Hình ảnh chụp OCT (A.Hoàng điểm bình thường; B. Hoàng điểm phù do bệnh VM ĐTĐ)
Hình 3: Hình ảnh chụp võng mạc huỳnh quang (A. Bình thường; B. Bệnh VM ĐTĐ)
Điều trị
Ít nhất 90% trường hợp bệnh mới có thể thuyên giảm nếu được điều trị và theo dõi mắt đúng cách. Do vậy, việc khám mắt hàng năm sàng lọc bệnh cần được thực hiện với tất cả người bệnh đái tháo đường.
Cần đồng thời điều trị tích cực bệnh đái tháo đường và các tình trạng bệnh khác có ảnh hưởng xấu đến bệnh võng mạc đái tháo đường như tăng huyết áp, tăng lipid máu, hút thuốc, uống rượu, ít vận động, ngủ ngáy,...
Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường có 3 phương pháp chính: laser, tiêm thuốc vào trong nhãn cầu và phẫu thuật. Việc áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các phương pháp trên tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều trị sớm, tích cực có thể làm dừng hoặc hạn chế giảm thị lực mắt bị bệnh nhưng không thể làm khỏi bệnh.
Laser quang đông là dùng laser tạo ra những điểm bỏng nhỏ trên võng mạc, làm giảm nhu cầu sử dụng ô-xy, ưu tiên cho vùng hoàng điểm quan trọng hơn (Hình 4). Với nhiều kiểu laser khác nhau, áp dụng tùy tình trạng mắt bệnh, có thể làm giảm phù hoàng điểm hoặc hạn chế tân mạch võng mạc nhưng làm tổn thương vĩnh viễn 1 phần võng mạc.
Hình 4: Laser quang đông võng mạc
Tiêm thuốc vào nhãn cầu (Hình 5) với corticosteroid (như triamcinolon, dexamethason) và gần đây là các chất ức chế yếu tố phát triển nội mạc mạch máu (anti-vasoendothelial growth factor/VEGF) như Lucentis, Avastin, Aflibercept có tác dụng rất tốt với phù hoàng điểm và tân mạch võng mạc, an toàn nhưng giá thuốc còn đắt đỏ. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế đã chi trả cho người bệnh có thẻ BHYT.
Hình 5: Tiêm thuốc vào nhãn cầu
Phẫu thuật được chỉ định trong một số tình trạng bệnh như xuất huyết dịch kính, màng tăng sinh co kéo võng mạc,... nhằm loại bỏ máu trong buồng dịch kính, phục hồi thị lực cho mắt bệnh, hạn chế biến chứng (Hình 6).
Hình 6: Sơ đồ phẫu thuật cắt dịch kính
Tại Khoa Mắt - Bệnh viện TWQĐ108, các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến với trang thiết bị hiện đại đã được triển khai, trong nhiều năm qua đã phát hiện và điều trị hiệu quả cho hàng ngàn người bệnh không may bị bệnh võng mạc đái tháo đường.
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Viết Nghĩa
Khoa Mắt – Bệnh viện TWQĐ 108