Bệnh Kawasaki ở trẻ em

  09:22 AM 27/05/2019
Bệnh Kawasaki là bệnh viêm mạch máu hệ thống cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Tổn thương chủ yếu trên các mạch máu có kích thước trung bình và nhỏ mà quan trọng nhất là hệ mạch vành

Tên bệnh được đặt theo tên một bác sĩ Nhật Bản Kawasaki Tomisaku, người có công phát hiện bệnh này lần đầu vào năm 1961. Hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, bệnh trở thành nguyên nhân hay gặp nhất gây nên bệnh tim mắc phải ở trẻ em. Tất cả các trẻ với những chủng tộc khác nhau đều có nguy cơ mắc bệnh. Nước có tỷ lệ mắc bệnh cao là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tỷ lệ trẻ trai mắc bệnh cao  hơn gái với tần suất trung bình là 1,5:1, lứa tuổi hay gặp là < 5 tuổi. Tại Nhật Bản, bệnh xảy ra quanh năm  nhưng có xu hướng tăng cao vào mùa Đông xuân. Tại Việt Nam, sự phân bố bệnh theo mùa không rõ rệt, gặp nhiều trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 10

Nghiên cứu tính chất gia đình cho thấy có yếu tố HLA – BW22J2 gặp rất phổ biến ở trẻ bị bệnh. Có tỷ lệ trẻ bị tái phát bệnh chiếm khoảng 1% và tỷ lệ trẻ tử vong do Kawasaki giảm dần nhờ sự phát triển của y học hiện đại từ năm 1970 là 2 %, đến hiện nay còn 0,3-0,5 %

Kawasaki là một bệnh khó chẩn đoán vì không có xét nghiệm đặc hiệu cho nên phải dựa vào nhiều triệu chứng

Chẩn đoán xác định dựa theo ủy ban quốc gia về Kawasaki của Nhật và hội Tim mạch Mỹ: có 5 trong 6 biểu hiện lâm sàng chính, hoặc 4 biểu hiện lâm sàng chính kèm giãn hay phình động mạch vành:

- Sốt cao liên tục ít nhất 5 ngày(là dấu hiệu bắt buộc)

- Viêm đỏ kết mạc mắt 2 bên không có nhử

- Biến đổi đầu chi: phù nề,đỏ tím, bong da

- Biến đổi khoang miệng: môi đỏ, lưỡi đỏ nổi gai

- Ban đỏ đa dạng toàn thân

- Hạch góc hàm hay dưới cằm có đường kính 1,5 cm; chắc và không hóa mủ

Ngoài ra các biến đổi trong xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu và nhất là siêu âm động mạch vành có giá trị quan trọng trong chẩn đoán bệnh

Hiệu quả điều trị cao trong 10 ngày đầu bằng Immuno globulin tĩnh mạch các thuốc chống đông và giảm viêm các thuốc ức chế miễn dịch và có trường hợp cần điều trị can thiệp và phẫu thuật nếu tổn thương động mạch vành tiếp tục tiến triển ở những năm tháng sau này

Bệnh nhân Kawasaki cần được theo dõi cẩn thận sau bị bệnh đề phòng trường hợp hẹp động mạch vành. Sự hình thành huyết khối và hẹp động mạch vành được coi là nguyên nhân chính gây tử vong trong bệnh này.  Ngoài việc dùng thuốc sau giai đoạn cấp tính, tùy thuộc vào mức độ tổn thương động mạch vành mà bệnh nhi được theo dõi khác nhau. Ở độ I, II trẻ được tái khám sau 3-5 năm; độ II tái khám sau 2 năm; độ IV, V tái khám sau 6-12 tháng

Đại úy, bác sĩ Bùi Thu Phương

Khoa Nhi- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

 

Chia sẻ