Bệnh bạch hầu: Tác nhân gây bệnh, đường lây, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

  03:23 PM 24/07/2024
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Corynebacterium gây ra, bệnh lây qua đường hô hấp và có thể gây dịch thường gặp ở trẻ em và người chưa có miễn dịch

1. Tác nhân

Corynebacterium diphtheriae là trực khuẩn Gram dương hình chùy còn được gọi là trực khuẩn Klebs-Löffler được phát hiện vào năm 1884 bởi hai nhà vi khuẩn học người Đức là Edwin Klebs (1834 – 1912) và Friedrich Löffler (1852 – 1915).

- Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài:

+ Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.

+ Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 58oC vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.

 

Hình ảnh Corynebacterium diphtheriae dưới kính kiển vi

2. Đường lây truyền

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải giọt bắn chứa mầm bệnh do bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn (người nhiễm vi khuẩn nhưng không có triệu chứng) đào thải ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc gián tiếp từ các các vật dụng, bề mặt có chứa vi khuẩn.

3. Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện sau 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn, gồm các triệu chứng sau:

* Các biểu hiện của nhiễm khuẩn:

Sốt, gai rét

Mệt mỏi

Da xanh tái

* Các biểu hiện tại chỗ nơi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể:

Tùy theo thể bệnh bạch hầu, các thể bệnh bạch hầu gồm: bạch hầu họng (đây là thể phổ biến, chiếm khoảng 70%), bạch hầu thanh quản (khoảng 30%, thường là phối hợp với bạch hầu họng), bạch hầu mũi, bạch hầu mắt, bạch hầu da ...

- Bạch hầu họng:

+ Đau rát họng, ho

+ Viêm sưng nề vùng họng, có giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên a-my-dan; trường hợp nặng giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu. Giả mạc lúc đầu trắng ngà, sau ngả màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu, nếu bóc tách thì mọc lại rất nhanh sau vài giờ; giả mạc dai, không tan trong nước, niêm mạc quanh giả mạc bình thường.

Hình ảnh tổn thương ở họng trong bệnh bạch hầu

 

+ Hạch góc hàm sưng đau

- Bạch hầu thanh quản

+ Ít gặp bạch hầu thanh quản đơn thuần, thường là bạch hầu họng-thanh quản.

+ Bệnh cảnh lâm sàng bao gồm: viêm thanh quản cấp (ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, có tiếng rít thanh quản) giai đoạn muộn sẽ dẫn đến ngạt thở do chèn sưng nề và giả mạc chèn ép thanh quản.

- Bạch hầu mũi: biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi, viêm nề vùng cuốn mũi …

*Các triệu chứng của nhiễm độc ngoại độc tố bạch hầu (ngoại độc tố do vi khuẩn sản xuất): thường gặp là viêm cơ tim, tê liệt thần kinh, suy thận…

- Viêm cơ tim: biểu hiện đau tức ngực, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, khó thở, suy tim, huyết áp tụt, sốc, men tim tăng …

- Tê liệt thần kinh: yếu cơ, đặc biệt là cơ hô hấp (như cơ hoành, cớ liên sườn) dẫn đến suy hô hấp.

4. Các biến chứng của bệnh bạch hầu

- Tắc nghẽn đường thở

- Viêm cơ tim

- Tê liệt thần kinh

- Suy thận

- Viêm phổi

- Sảy thai, đẻ non ở phụ nữ đang mang thai

5. Chẩn đoán

- Dựa vào các biểu hiện lâm sàng ở trên và xét nghiệm xác định tác nhân

- Các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân:

+ Bệnh phẩm: lấy dịch hầu họng ngoáy ở vùng rìa xung quanh giả mạc.

+ Nhuộm gram soi tìm vi khuẩn: Trực khuẩn gram (+), hình chuỳ.

+ Nuôi cấy trên môi trường thạch máu, môi trường chọn lọc Loeffle tìm vi khuẩn bạch hầu.

+ Dùng kĩ thuật PCR xác định gen độc tố bạch hầu ở cơ sở có điều kiện thực hiện.

6. Điều trị bạch hầu

* Nguyên tắc điều trị

- Phát hiện sớm, cách ly khi phát hiện ca bệnh

- Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh ngay để ngăn chặn các biến chứng để giảm tử vong

- Theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng

- Chăm sóc toàn diện cho người bệnh

* Điều trị cụ thể

- Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD): Sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Liều lượng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, không phụ thuộc vào lứa tuổi và cân nặng. Cần test trước khi tiêm, nếu dương tính thì áp dụng phương pháp giải mẫn cảm (Besredka)

+ Bạch hầu hầu họng hoặc thanh quản trong 2 ngày đầu: 20.000 - 40.000 UI

+ Bạch hầu mũi họng: 40.000 - 60.000 UI

+ Bạch hầu ác tính: 80.000 - 100.000 UI

Trong thể nặng, có thể xem xét truyền tĩnh mạch SAD (cần theo dõi sát các dấu hiệu phản vệ và chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu phản vệ nếu xảy ra). Cách thức truyền: Pha toàn bộ SAD trong 250 - 500ml muối 0,9% truyền tĩnh mạch chậm 2-4 giờ.

- Kháng sinh

+ Penicillin G: 50.000 - 100.000 đơn vị/kg/ngày chia 2 lần, tiêm bắp 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.

+ Hoặc Erythromycin uống: trẻ em 30-50mg/kg/ngày; người lớn 500mg x 4 lần/ngày dùng 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.

+ Hoặc Azithromycin: trẻ em: 10-12mg/kg/ngày, người lớn: 500mg/ngày x 14 ngày.

*Các điều trị khác

- Điều trị triệu chứng: hạ sốt, cân bằng nước điện giải, nuôi dưỡng…

- Điều trị các biến chứng: tắc nghẽn đường thở, viêm cơ tim, tê liệt thần kinh, suy thận ...

7. Phòng bệnh

+ Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính, bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Ở những cơ sở không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

+ Tuân thủ vệ sinh tay: Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

+ Nơi ở của người bệnh, các đồ vật, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

+ Phòng bệnh bằng vắc-xin bạch hầu: trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc-xin đa giá: bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.

+ Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày.

+ Tiêm 1 liều đơn benzathine penicillin (trẻ ≤ 5 tuổi 600.000 đơn vị; trẻ > 5 tuổi 1.200.000 đơn vị).

+ Hoặc uống Erythromycin (trẻ em 40mg/kg/ngày, 10mg/lần cách 6 giờ) trong 7 ngày. Người lớn 1g/ngày, 250mg/lần mỗi 6 giờ.

+ Hoặc Azithromycin: trẻ em 10-12mg/kg 1 lần/ngày, tối đa 500mg/ngày. Điều trị trong 7 ngày. Người lớn: 500mg/ngày, trong 7 ngày.

 

Tác giả: Điều dưỡng Nguyễn Thùy Anh, BS Nguyễn Văn Tuấn – Khoa A4-D

Chia sẻ