7 bước lý tưởng cho ngăn ngừa và phòng chống tái phát bệnh ung thư vú

  01:26 PM 20/03/2017
Ung thư vú là bệnh thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Một câu hỏi thường gặp là làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như ngăn ngừa tái phát bệnh ung thư vú. Bác sĩ M.A.Moyad, tác giả cuốn sách “Y học kết hợp cho Ung thư vú”, đã đề xuất 7 bước lý tưởng cho ngăn ngừa ung thư vú và phòng chống tái phát ung thư vú với công thức: Trái tim khỏe mạnh = bầu ngực khỏe mạnh. Cải thiện các vấn đề liên quan đến tim mạch góp phần làm giảm nguy cơ bị ung thư vú và ngăn ngừa tái phát bệnh ung thư vú.

Bước 1: Biết và luôn cố gắng để cải thiện 4 chỉ số sau ở mức giới hạn bình thường:
- Cholesterol toàn phần, LDL, HDL và triglycerides
- Huyết áp
- Đường máu (và hemoglobin A1C)
- BMI và/hoặc chu vi vòng eo (waist circumference)

Bảng 1: Bảng giá trị tham khảo của Cholesterol toàn phần, LDL, HDL và triglycerides

Bảng 2: Bảng chỉ số tham khảo Huyết áp theo Ủy ban quốc gia Mỹ về Phòng chống, Phát hiện, Đánh giá và Điều trị tăng huyết áp


Bảng 3. Bảng giá trị tham khảo chỉ số khối cơ thể BMI (kg/m2) và chu vi vòng eo

Bước 2: Tránh phơi nhiễm với khói thuốc lá. Bỏ thuốc lá có thể gây tăng cân nhanh chóng nên bệnh nhân cần được cảnh báo trước khi bỏ thuốc lá.
Ung thư phổi là bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở Mỹ, nhiều hơn bệnh ung thư vú, buồng trứng và cổ tử cung cộng lại. Phụ nữ bị bệnh ung thư vú hút thuốc lá có nguy cơ tử vong cao hơn 33% so với phụ nữ bị ung thư vú không hút thuốc lá.

Bước 3: Hoạt động thể lực (physical activity) khoảng 30-60 phút/ngày. Các bài tập thể lực nên phù hợp với từng cá nhân bao gồm đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, aerobic…
Sau nhiều nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, hoạt động thể lực được chứng minh là một trong những biện pháp thay đổi lối sống góp phần duy trì cân nặng ở mức hợp lý, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và phòng ngừa tái phát ung thư vú. Hoạt động thể lực còn được chứng minh làm giảm các biến chứng muộn do điều trị ung thư vú để lại như loãng xương, phù bạch mạch. Ngoài ra, các nghiên cứu trên MRI não đã chứng minh rằng hoạt động thể lực góp phần duy trì và phục hồi trí nhớ do ngăn ngừa teo hồi hải mã với mọi lứa tuổi, trong đó có các bệnh nhân ung thư.
Hơn nữa, vô số lợi ích của hoạt động thể lực được công bố trên hơn 30.000 bài báo như giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi, các bệnh tự miễn…
Tuy nhiên, theo dữ liệu khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia (NHIS) Mỹ năm 2010, chỉ có 32% người bệnh được bác sỹ khuyên nên bắt đầu hoặc tiếp tục duy trì hoạt động thể lực.

Bước 4: Giảm tổng lượng calo nạp vào hàng ngày để đạt và duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Chương trình giáo dục quốc gia Mỹ về cholesterol (NCEP) khuyến cáo rằng chất béo bão hòa cần được giảm ít hơn 7% tổng lượng calo nạp vào để giảm nguy cơ các bệnh tim mạch. Hơn nữa đó là phương pháp đơn giản gián tiếp để giảm tổng lượng calo nạp vào. Nhiều thực phẩm chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao như sữa toàn phần, các thức ăn nhanh, thức ăn chiên nhiều dầu mỡ (deep dried foods)…

Bước 5: Sử dụng đa dạng các loại trái cây, rau củ quả có hàm lượng đường và calo thấp. Không nên sử dụng các loại trái cây có hàm lượng calo và đường cao. Theo tác giả M.A.Moyad , một số loại trái cây và rau quả sau có lợi cho sức khỏe: nho, táo, chuối, lê, hành, tỏi, củ cải, rau cải, cần tây, cherry, xoài, măng cụt, nấm, cam, lựu, bí ngô, cải xoong, dưa hấu.

Bước 6: Chế độ ăn có nhiều chất xơ (hòa tan hoặc không hòa tan), khoảng 20-30 g/ ngày hoặc 14 g/ 1000 calo. Nhiều lợi ích của chất xơ đã được chứng minh bao gồm: giảm nguy cơ bệnh mạch vành, đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì.

Bước 7: Chế độ ăn có cá nhiều mỡ (fatty fish) nhưng không chế biến dưới dạng rán, ít nhất hai hoặc nhiều bữa hàng tuần. Cá nhiều mỡ chứa hàm lượng cao axit béo Omega-3, vitamin D3, protein chất lượng cao. Omega-3 từ nguồn thực phẩm có tác dụng giảm nguy cơ các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch.

Thay đổi lối sống theo 7 bước trên góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hạn chế tỉ lệ tái phát ở các bệnh nhân ung thư vú. Các bệnh nhân ung thư vú sau điều trị nên được khám, theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sỹ. Xin liên hệ với Khoa Xạ trị - Xạ phẫu theo số điện thoại: 04.62784163 để được tư vấn cụ thể hơn.

BS. Hoàng Đào Chinh
Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nguồn tài liệu: Integrative Medicine for Breast Cancer – An Evidence Based Assessment của tác giả Mark A.Moyad, nhà xuất bản Springer 2016.
Chia sẻ