Vết thương liên quan đến bệnh nhiễm khuẩn huyết

  02:42 PM 20/02/2024

Thời gian qua, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện LSCB Truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận bệnh nhân H.L, 65 tuổi đến từ Hà Nội, nhập viện trong tình trạng: Sốt cao 38 – 39.5 độ, không có cơn rét run, môi khô. Cánh, cẳng tay phải sưng nề đỏ, đau, vùng khuỷu có nhiều nốt mụn mủ thành mảng kích thước 1-2mm trên da dọc phần sưng nề, có chảy dịch.

Khai thác tiền sử được biết, trước khi vào viện 1 tuần, bệnh nhân bị ngã đập cẳng tay phải xuống nền nhà, không có vết thương hở da. Sau ngã đau nhiều cẳng tay, kèm theo sưng nề, nóng đỏ, sốt 39 độ, có gai rét, không có cơn rét run. Bệnh nhân tự dùng hạ sốt tuy nhiên không đỡ vì vậy nhập viện gần nhà và được chẩn đoán: Viêm mô bào cánh – cẳng tay phải. Điều trị kháng sinh được 03 ngày mà không hết sốt, cánh cẳng tay phải sưng nề, nổi nhiều nốt phỏng nhỏ chảy dịch, gia đình xin chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108 để điều trị.

Hình ảnh cánh, cẳng tay bị tổn thương của NB . Ảnh L.H

Bệnh nhân được các bác sĩ tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa làm các xét nghiệm và chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết do Streptococcus sp từ ổ viêm mô bào cánh – cẳng tay phải.

Trong quá trình nằm viện dưới phác đồ điều trị của các bác sĩ và sự chăm sóc chu đáo tận tình của các điều dưỡng viên, bệnh nhân dần dần ổn định, cánh – cẳng tay phải đỡ sưng nề rõ, tổn thương da phục hồi, thân nhiệt trở về bình thường. Bệnh nhân đã ổn định sau đó không lâu và ra viện.

Hình ảnh chăm sóc vết thương của điều dưỡng viên khoa A4B ảnh L.H

Theo Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh Viện trưởng Viện LSCB Truyền nhiễm:

Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và các độc tố vi khuẩn vào máu. Trong bệnh lý nhiễm khuẩn huyết thường xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là hội chứng sốc nhiễm khuẩn, dẫn đến suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao.

Hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh ở người đều có thể gây nên bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên hay gặp một số nhóm vi khuẩn sau:

  • Vi khuẩn Gram-âm bao gồm: Salmonella, Escherichia coli; Klebsiella; Serratia; Pseudomonas aeruginosa; Burkholderia pseudomallei; A. baumannii
  • Vi khuẩn Gram-dương: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus suis…
  • Vi khuẩn kị khí: Clostridium perfringenes và Bacteroides Fragilis.

Chính vì vây với bất kỳ một tổn thương nào trên cơ thể cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.

Phòng tránh bệnh bằng cách nào?

  • Thực hiện các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động, xử trí sớm các ổ nhiễm khuẩn.
  • Theo dõi và điều trị các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, xơ gan,… để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Hạn chế các thủ thuật, đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn, dự phòng chuẩn.
  • Không lạm dụng corticoid, dùng kháng sinh đúng chỉ định.

CNĐD: Lê Thị Hằng – Khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa – Bệnh viện TWQĐ 108.

Truyền thông Bệnh viện

Chia sẻ