Viêm da cơ địa là bệnh lý phức tạp, hình thành do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, hiểu rõ nguyên nhân giúp người bệnh chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị. Các yếu tố nguyên nhân bao gồm:
Yếu tố di truyền - Nền tảng quan trọng nhất
- Gia đình có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến cơ địa: Nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc các bệnh lý liên quan như: hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa thì nguy cơ mắc bệnh ở con cái cao hơn nhiều lần.
- Gen liên quan đến hàng rào bảo vệ da: Một số nghiên cứu cho thấy đột biến gen Filaggrin (FLG) có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ mất nước và dễ bị tổn thương.
Rối loạn hệ miễn dịch
Ở người bệnh viêm da cơ địa, hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn bình thường, gây ra tình trạng viêm và ngứa trên da ngay cả khi không có tác nhân gây hại rõ ràng. Cơ thể phản ứng quá mức với các yếu tố môi trường như bụi, phấn hoa, thực phẩm làm da dễ bùng phát thành viêm.
Suy giảm hàng rào bảo vệ da
Lớp sừng trên bề mặt da có nhiệm vụ giữ nước và ngăn chặn vi khuẩn, chất gây kích ứng xâm nhập. Ở người bị viêm da cơ địa, lớp sừng này yếu hơn bình thường, dễ bị mất nước, nứt nẻ, làm cho da trở nên khô ráp và nhạy cảm hơn.
Tác nhân môi trường
- Thời tiết lạnh, hanh khô: Da khô làm bùng phát tình trạng viêm da cơ địa.
- Mạt bụi nhà, lông thú cưng, phấn hoa: Là những yếu tố kích thích, dễ gây bùng phát bệnh.
- Hoá chất tẩy rửa, xà phòng, nước hoa: Có thể làm tổn thương da, gây khô và ngứa.
Tâm lý và căng thẳng
Stress và lo âu kéo dài có thể làm bệnh nặng thêm do ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Nhiều người bệnh ghi nhận tình trạng bệnh xấu đi trong giai đoạn căng thẳng hoặc áp lực công việc.
Thực phẩm và dị ứng
Một số thực phẩm như trứng, sữa, hải sản, đậu phộng có thể gây dị ứng và làm bùng phát bệnh ở những người có cơ địa nhạy cảm.
Cách nhận biết viêm da cơ địa ở người lớn?
Viêm da cơ địa ở người lớn thường phát triển từ thời thơ ấu nhưng cũng có thể khởi phát muộn hơn vào tuổi dậy thì hoặc trưởng thành. Bệnh có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết bao gồm:
- Tổn thương da đặc trưng: Vùng da đỏ, khô và dày lên, da có các sẩn đỏ, mảng đỏ, sần sùi, thô ráp, đặc biệt ở các vùng dễ cọ xát như: Nếp gấp khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, cổ chân, vùng cổ, nách, bẹn. Tổn thương đối xứng hai bên cơ thể: Thường xuất hiện ở cả hai khuỷu tay hoặc hai bên đầu gối.
Hình ảnh người bệnh viêm da cơ địa điều trị tại Khoa Da liễu
- Ngứa nhiều và liên tục: Ngứa là dấu hiệu nổi bật nhất và có thể trở nên dữ dội, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi thời tiết hanh khô. Việc gãi nhiều khiến da dễ bị trầy xước, nứt nẻ và có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Da khô và dễ bong tróc: Da luôn trong tình trạng khô ráp, dù đã sử dụng dưỡng ẩm. Một số trường hợp có thể xuất hiện các vùng da bong vảy trắng mỏng (vảy phấn trắng).
- Các dấu hiệu kèm theo: Chàm ở vùng vú (đặc biệt ở phụ nữ); quầng thâm quanh mắt do tình trạng ngứa kéo dài; dày sừng nang lông: Da thô ráp, nổi các sẩn nhỏ như da gà ở cánh tay, đùi; viêm môi, viêm kết mạc mắt; mặt xanh xao, mệt mỏi do tình trạng viêm kéo dài hoặc thiếu ngủ do ngứa.
- Dấu hiệu nhận biết bệnh nặng hơn: Vùng da bị trầy xước có thể rỉ dịch, đóng vảy hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, đau, có mủ). Các tổn thương lan rộng và khó kiểm soát dù đã điều trị bằng các biện pháp thông thường.
Biến chứng có thể gặp nếu viêm da cơ địa không được điều trị kịp thời
Viêm da cơ địa là bệnh lý mạn tính, dễ tái phát và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời. Dưới đây là những biến chứng phổ biến mà bệnh nhân có thể gặp:
- Nhiễm trùng da (Bội nhiễm): Da bị tổn thương do gãi nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu) xâm nhập và gây nhiễm trùng.
Dấu hiệu: Da đỏ, chảy dịch, có thể có mụn mủ hoặc đóng vảy tiết vàng.
Nguy hiểm hơn: Nếu không điều trị, nhiễm trùng có thể lan rộng, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, đe dọa tính mạng.
Hình ảnh người bệnh viêm da cơ địa nhiễm khuẩn
- Nhiễm virus Herpes (Chàm Herpes): Viêm da cơ địa làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, khiến virus Herpes simplex dễ xâm nhập gây ra biến chứng nặng nề là bệnh Eczema herpesticum.
Triệu chứng: Xuất hiện mụn nước đau rát, lan rộng nhanh, có thể kèm theo mụn mủ, sốt.
Biến chứng nặng: Nếu không được điều trị kịp thời, chàm Herpes có thể gây viêm não.
- Lichen hóa da: Tình trạng ngứa kéo dài khiến bệnh nhân gãi liên tục, dẫn đến vùng da dày lên, sẫm màu, thô ráp (lichen hóa). Vùng da bị lichen hóa thường khó điều trị, dễ tái phát và gây mất thẩm mỹ.
- Biến chứng về mắt: Viêm kết mạc mạn tính hoặc viêm giác mạc có thể xảy ra, đặc biệt khi viêm da cơ địa ảnh hưởng đến vùng da quanh mắt.
Triệu chứng: Đỏ mắt, ngứa, chảy nước mắt, có thể giảm thị lực nếu tổn thương giác mạc.
- Ảnh hưởng tâm lý: Viêm da cơ địa kéo dài làm giảm chất lượng cuộc sống, khiến bệnh nhân mất tự tin, dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm do ngứa ngáy và mất ngủ.
Biến chứng do điều trị sai cách
- Lạm dụng corticoid: Dùng thuốc bôi corticoid không đúng chỉ định có thể dẫn đến teo da, rạn da, giãn mạch máu và hội chứng suy tuyến thượng thận do thuốc.
- Dị ứng thuốc: Một số bệnh nhân có thể dị ứng với các loại thuốc bôi hoặc uống, làm tình trạng viêm da nặng hơn.
Biện pháp điều trị viêm da cơ địa
Điều trị viêm da cơ địa nhằm kiểm soát viêm và giảm ngứa, phục hồi và duy trì hàng rào bảo vệ dạ, đồng thời ngăn ngừa các đợt tái phát và biến chứng.
- Điều trị tại chỗ (bôi ngoài da): Đây là phương pháp điều trị nền tảng và quan trọng nhất trong viêm da cơ địa, đặc biệt với các trường hợp nhẹ đến trung bình.
- Dưỡng ẩm: Phục hồi hàng rào bảo vệ da, giảm khô, ngứa và hạn chế bùng phát.
Cách sử dụng:
Bôi ngay sau khi tắm, trong vòng 3-5 phút khi da còn ẩm.
Bôi trước khi bôi thuốc điều trị từ 15- 30 phút.
Tần suất: Ít nhất 2-3 lần/ngày hoặc nhiều hơn nếu da khô nặng. Sử dụng kem dưỡng ẩm dày vào mùa đông, loại mỏng nhẹ vào mùa hè.
Lưu ý: Chọn loại dưỡng ẩm không chứa hương liệu, không gây kích ứng.
- Thuốc bôi chống viêm:
Corticoid bôi tại chỗ:
Công dụng: Giảm viêm nhanh, kiểm soát các đợt bùng phát.
Lưu ý: Sử dụng theo đơn bác sĩ, tránh bôi kéo dài để hạn chế tác dụng phụ (teo da, giãn mạch, rạn da).
Cách dùng: Bôi lớp mỏng lên vùng tổn thương 1-2 lần/ngày trong đợt cấp, lựa chọn loại thuốc bôi theo vị trí, mức độ tổn thương.
Thời gian: Không quá 7-14 ngày cho vùng da mỏng như mặt, cổ.
- Thuốc ức chế calcineurin (Tacrolimus, Pimecrolimus):
Công dụng: Thay thế corticoid khi tổn thương ở vùng da mỏng (mặt, nách, bẹn).
Ưu điểm: Không gây teo da, an toàn khi dùng dài ngày.
Tác dụng phụ nhẹ: Cảm giác châm chích nhẹ khi mới bôi, thường hết sau vài lần sử dụng.
Điều trị toàn thân
Áp dụng khi viêm da cơ địa mức độ trung bình đến nặng, tổn thương lan rộng hoặc không đáp ứng với điều trị tại chỗ.
1. Thuốc kháng histamine
Công dụng: Giảm ngứa, đặc biệt là vào ban đêm.
Các loại:
- Kháng histamine thế hệ 1 (Chlorpheniramine, Diphenhydramine): Gây buồn ngủ, dùng vào buổi tối.
- Kháng histamine thế hệ 2 (Loratadine, Cetirizine, Fexofenadine): Không gây buồn ngủ, có thể dùng ban ngày.
2. Thuốc ức chế miễn dịch (Methotrexate, Cyclosporine, Azathioprine)
Chỉ định: Viêm da cơ địa nặng, không đáp ứng với điều trị khác.
Lưu ý: Cần theo dõi chức năng gan, thận và công thức máu trong quá trình điều trị.
3. Corticosteroid đường uống (Ngắn hạn)
Chỉ định: Đợt viêm da cơ địa bùng phát mạnh.
Lưu ý: Chỉ dùng trong thời gian ngắn, giảm liều dần, tránh ngưng đột ngột để hạn chế tác dụng phụ.
4. Thuốc sinh học (Biologics)
Loại thuốc: Dupilumab (kháng IL-4, IL-13).
Công dụng: Điều trị viêm da cơ địa nặng, kéo dài hoặc không đáp ứng với các liệu pháp khác.
Ưu điểm: Hiệu quả cao, ít tác dụng phụ nghiêm trọng.
Quang trị liệu (Phototherapy)
- Phương pháp: Chiếu tia UVB hoặc UVA lên vùng da tổn thương.
Công dụng: Giảm viêm, ngứa và cải thiện tổn thương da.
Ưu điểm: An toàn, ít tác dụng phụ nếu được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Thời gian điều trị: 2-3 lần/tuần trong vài tháng, tùy mức độ bệnh.
Hình ảnh người bệnh viêm da cơ địa trước và sau điều trị 5 ngày tại Khoa Da liễu
Cách dưỡng ẩm đạt hiệu quả tối ưu trong bệnh lý viêm da cơ địa
Dưỡng ẩm đóng vai trò quan trọng trong điều trị viêm da cơ địa cả trong giai đoạn cấp và mạn tính. Dưỡng ẩm giúp cải thiện các triệu chứng khô và ngứa da, phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da, giảm thời gian và mức độ sử dụng corticoid. Ngoài ra, các chất dưỡng ẩm khá an toàn và hầu như không có tác dụng phụ nên có thể dùng lâu dài như một liệu pháp điều trị duy trì tránh tái phát.
- Lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp:
Chọn sản phẩm không chứa hương liệu, cồn hay chất bảo quản dễ gây kích ứng.
Dưỡng ẩm dạng kem hoặc mỡ (ointment): Hiệu quả hơn lotion vì giữ ẩm tốt hơn và lâu bay hơi, thích hợp cho da khô nặng hoặc mùa đông.
Dạng lotion (dạng sữa): Thích hợp cho mùa hè, dễ thấm, nhẹ nhàng, ít gây bí da.
Sản phẩm chứa thành phần phục hồi hàng rào da: Ceramide, acid béo, glycerin, petrolatum, urea, hyaluronic acid.
- Thời điểm bôi dưỡng ẩm:
Ngay sau khi tắm (3-5 phút): Đây là thời điểm tốt nhất để bôi dưỡng ẩm vì da còn ẩm, giúp sản phẩm thẩm thấu và giữ nước tối đa.
Bôi ngay khi da có dấu hiệu khô hoặc ngứa nhẹ: Không đợi đến khi da bong tróc hoặc tổn thương nặng.
Bôi trước khi bôi thuốc điều trị từ 15-30 phút
- Tần suất bôi dưỡng ẩm
Tối thiểu 2-3 lần/ngày.
Tăng tần suất nếu da quá khô, đặc biệt vào mùa đông hoặc khi thời tiết hanh khô.
Bôi thêm vào ban đêm để duy trì độ ẩm trong lúc ngủ.
- Kỹ thuật bôi dưỡng ẩm
Lấy lượng vừa đủ (khoảng một hạt đậu lớn cho mỗi vùng da kích thước bằng lòng bàn tay).
Thoa nhẹ nhàng theo chiều lông mọc, tránh chà xát mạnh để không gây kích ứng.
Bôi toàn thân chứ không chỉ bôi lên vùng tổn thương để ngăn chặn sự lan rộng của bệnh.
Lưu ý quan trọng
Ngay cả khi không có triệu chứng: Vẫn duy trì thói quen dưỡng ẩm hàng ngày để phòng ngừa tái phát.
Vùng da nhạy cảm (mặt, cổ, vùng da mỏng): Chọn sản phẩm có kết cấu nhẹ nhàng hơn, tránh bít tắc lỗ chân lông.
Da tổn thương nặng (nứt nẻ, chảy dịch): Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm dạng mỡ (ointment) hoặc kem đặc, có khả năng tái tạo và bảo vệ lớp sừng.
- Lựa chọn sản phẩm theo mùa:
Mùa đông/khô hanh: Sử dụng kem hoặc mỡ dưỡng ẩm dày và đặc hơn.
Mùa hè/nóng ẩm: Chọn lotion nhẹ nhàng, thấm nhanh, không gây bít tắc.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bệnh viêm da cơ địa ở người lớn?
Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát viêm da cơ địa, giúp giảm tần suất tái phát và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thực phẩm nên bổ sung:
- Thực phẩm giàu kẽm và sắt: Giúp phục hồi da và tăng cường hệ miễn dịch.
Ví dụ: Thịt bò, thịt gà, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, hải sản (cá hồi, cá ngừ), rau bina, bí đỏ.
- Thực phẩm giàu omega-3 (chống viêm, giảm ngứa)
Ví dụ: Cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích), dầu oliu, hạt lanh, hạt chia.
- Thực phẩm giàu vitamin A, C, E (giúp da khỏe mạnh, chống oxy hóa): Vitamin A (Cà rốt, khoai lang, bí đỏ); Vitamin C (Cam, bưởi, dâu tây, ớt chuông); Vitamin E (Hạt hạnh nhân, hạt dẻ, dầu hướng dương).
- Probiotics (lợi khuẩn đường ruột): Hỗ trợ tăng cường miễn dịch và giảm phản ứng dị ứng.
Ví dụ: Sữa chua, kim chi, dưa cải muối, kombucha.
Thực phẩm nên hạn chế hoặc tránh
- Thực phẩm dễ gây dị ứng: Trứng, sữa bò, hải sản (tôm, cua), đậu phộng, các loại hạt, đậu nành.
- Thực phẩm có nhiều đường và chất béo bão hòa: Bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh, nước ngọt có gas, đồ chiên rán. Đồ uống có cồn và chất kích thích: Rượu bia, cà phê, thuốc lá. Những chất này có thể làm bệnh nặng hơn và dễ tái phát.
Vệ sinh và chăm sóc da
- Tắm rửa hàng ngày nhưng đúng cách:
Sử dụng nước ấm, không tắm nước nóng vì nước nóng làm da mất nước.
Tắm trong thời gian ngắn (5-10 phút).
Dùng sữa tắm dịu nhẹ, không chứa xà phòng hay hương liệu mạnh.
Tránh tắm lá, nước chanh hoặc muối biển nếu chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
- Dưỡng ẩm da ngay sau khi tắm (3-5 phút)
Trang phục và môi trường sống
- Quần áo: Mặc quần áo mềm mại, thoáng mát, làm từ sợi tự nhiên (cotton); tránh quần áo bó sát, vải len hoặc vải tổng hợp gây kích ứng da.
- Môi trường sống: Giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh bụi bẩn, mạt nhà, phấn hoa và lông thú cưng; duy trì độ ẩm trong phòng (sử dụng máy tạo độ ẩm nếu cần) vào mùa hanh khô; tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Giảm stress và duy trì sức khỏe tinh thần
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Yoga, thiền, đi bộ giúp giảm căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo giấc ngủ từ 7-8 tiếng/ngày giúp cơ thể và làn da phục hồi tốt hơn.
BS.Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu - Dị ứng