Phòng ngừa nhiễm trùng ở người bệnh sau ghép tế bào gốc tạo máu

  02:05 PM 24/05/2023
Ghép tế bào gốc tạo máu là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với một số bệnh lý huyết học. Khoa Huyết học lâm sàng – Bệnh viện TWQĐ 108 đã áp dụng phương pháp điều trị này cho các bệnh nhân Đa u tủy xương, U lympho và Bạch cầu cấp. Ghép tế bào gốc tạo máu là một hành trình khó khăn cho người bệnh và gia đình. Sau giai đoạn nằm cách ly tại bệnh viện, khi các tế bào máu hồi phục người bệnh được trở về nhà và tái khám theo lịch hẹn của thầy thuốc. Tuy nhiên phải mất từ 3 đến 12 tháng để hệ thống miễn dịch của người bệnh hồi phục hoàn toàn. Năm đầu tiên sau khi ghép giống như năm đầu tiên của một đứa trẻ sơ sinh. Trong thời gian này, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao. Do đó, trước khi ra viện, người bệnh cần nắm được các thông tin giúp phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng sau ghép tế bào gốc tạo máu tại nhà.

Truyền tế bào gốc tạo máu trong phòng ghép tuỷ

Nguyên tắc chung:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch hoặc bằng nước rửa tay nhanh chứa cồn.
  • Tránh xa những người bị bệnh hoặc mới bị bệnh.
  • Đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng hoặc khi tiếp xúc với người lạ.

Vệ sinh cá nhân

Trong thời gian đang hồi phục sau ghép, điều rất quan trọng là người bệnh phải giữ cho cơ thể sạch sẽ. Làm tốt điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Thực hiện theo các hướng dẫn dưới đây:

  • Tắm vòi hoa sen hoặc tắm bồn hàng ngày.
  • Sử dụng xà phòng dịu nhẹ, đảm bảo rửa sạch nách và vùng bẹn.
  • Sử dụng khăn mặt và khăn tắm riêng.
  • Nếu da bị khô, đừng dùng nước quá nóng. Thoa dầu em bé hoặc kem dưỡng ẩm da. Thoa kem sau khi tắm, khi da vẫn còn ẩm. Nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn tắm. Không sử dụng các loại kem có chứa cồn. Chúng sẽ khiến da bị khô hơn.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Da của người bệnh sẽ nhạy cảm hơn và có thể dễ bị bỏng hơn sau khi ghép. Bất cứ khi nào người bệnh ở ngoài nắng, hãy bảo vệ làn da của bằng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30, thoa lại kem thường xuyên. Nếu người bệnh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong 20 phút hoặc lâu hơn, hãy che da bằng quần áo cotton và đội mũ bảo vệ. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài cũng có thể kích hoạt lại vết loét lạnh (do virus herpes simplex).
  • Người bệnh có thể đeo kính áp tròng, nhưng hãy đảm bảo rằng chúng được làm sạch kỹ lưỡng trước khi đeo vào. Nếu mắt bị khô, có thể sử dụng thuốc nhỏ dưỡng ẩm.
  • Người bệnh có thể trang điểm, nhưng hãy mua tất cả các mỹ phẩm mới sau khi ghép.
  • Móng mới sẽ mọc thay thế móng cũ. Điều này sẽ xảy ra dần dần trong vòng 3 đến 4 tháng sau khi ghép. Đừng làm móng tay hoặc móng chân ở tiệm làm móng trong khi hệ thống miễn dịch của người bệnh vẫn đang hồi phục. Hãy làm điều này ở nhà với các dụng cụ riêng.
  • Không xỏ lỗ hoặc xăm mình sau khi ghép. Các thủ thuật này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan và các bệnh nhiễm trùng khác.
  • Vệ sinh răng miệng hàng ngày, khám nha sỹ ngay khi có bất ký dấu hiệu bất thường nào của răng miệng

 

 

 

Phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng:

Những triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Liên lạc với bác sĩ phụ trách ghép của người bệnh ngay lập tức nếu có các biểu hiện:

  • Sốt từ 38,0°C trở lên. Không dùng ngay acetaminophen (Paracetamol) trừ khi bác sỹ cho phép.

Người bệnh không cần phải đo nhiệt độ mỗi ngày. Tuy nhiên, hãy kiểm tra nhiệt độ thường xuyên nếu người bệnh cảm thấy không khỏe.

  • Da ửng đỏ (đỏ, cảm giác nóng), đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh.
  • Ho, hắt hơi, sổ mũi, khó thở hoặc tức ngực.
  • Đỏ, sưng hoặc đau ở cổ họng, mắt, tai, da, khớp hoặc bụng.
  • Mờ mắt hoặc những thay đổi khác về khả năng nhìn rõ của người bệnh.
  • Đi tiểu nhiều lần, cảm giác nóng rát khi đi tiểu, hoặc cả hai.
  • Kích thích hậu môn - trực tràng, bao gồm nóng rát và đau.
  • Phát ban trên da.
  • Những mụn nước nhỏ, tương tự như mụn rộp, quanh miệng hoặc trên bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể người bệnh.

Cuối cùng, hãy tuân thủ lịch tái khám của bác sỹ ngay cả khi người bệnh không có dấu hiệu gì bất thường. Điều này rất quan trọng để bác sỹ có thể theo dõi các biến chứng khác ngoài nhiễm trùng sau ghép, đảm bảo người bệnh được an toàn và cuộc ghép thành công cho đến khi hệ miễn dịch của người bệnh phục hồi hoàn toàn.

Ts Nguyễn Thanh Bình, Khoa Huyết học lâm sàng

Chia sẻ