Hạ bạch cầu trong quá trình điều trị hóa chất

  03:27 PM 07/09/2021
Hiện nay điều trị ung thư là điều trị đa mô thức với mục đích điều trị khỏi cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn. Rất nhiều các phương pháp điều trị mới ra đời nhưng điều trị hóa chất vẫn là phương pháp điều trị toàn thân cơ bản. Thuốc hóa chất giúp chúng ta tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng nó cũng tác động mạnh lên các tế bào khỏe mạnh bình thường của cơ thể. Những tế bào nào phát triển càng nhanh càng nhạy cảm với hóa chất, như niêm mạc miệng, niêm mạc ruột và các tế bào tạo máu tại tủy xương. Trong quá trình truyền hóa chất, các tế bào tủy xương bị tổn thương và chết đi, dẫn đến suy giảm khả năng tạo máu của tủy xương và tình trạng hạ bạch cầu nếu các tế bào tủy xương lành còn lại không kịp hồi phục. Do vậy việc quản lý tác dụng không mong muốn quyết định đến thành công của quá trình điều trị. Trong đó hạ bạch cầu là một trong những tác dụng không mong muốn thường gặp có thể gây ra biến chứng nặng nề. Vậy khi hạ bạch cầu chúng ta nên làm gì?

 

Các tế bào bạch cầu tham gia vào hệ miễn dịch, tạo nên sức đề kháng cho cơ thể, chống lại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng. Bạch cầu như những “chiến binh” luôn vi hành trong máu hoặc chốt chặn tại những cửa ngõ thông thương giữa cơ thể và môi trường bên ngoài như hầu họng, đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Vì sao hạ bạch cầu lại nguy hiểm như vậy?

Giảm số lượng các “chiến binh” bạch cầu trong máu sẽ làm sức đề kháng trở nên yếu ớt, cơ thể sẽ không đủ sức chống đỡ khi có vi khuẩn, vi rút hay ký sinh trùng (nấm) xâm nhập dẫn đến tình trạng nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, nặng hơn nữa có thể nhiễm khuẩn huyết ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Những điều cần làm:

– Giữ vệ sinh cơ thể, hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh nhiễm trùng (viêm phổi, lao, cảm cúm…).

– Không thực hiện các thủ thuật, can thiệp (răng, thẩm mỹ) trong thời gian bị giảm bạch cầu.

– Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt giúp tủy xương nhanh chóng hồi phục cũng như tăng cường sức đề kháng cho cơ thể : Ăn đồ ăn đã nấu chín và ngay sau khi nấu giàu vitamin C, E, A, omega-3 không ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như rau sống, lòng, tiết canh.

– Dành thời gian nghỉ ngơi hợp tý, những lo lắng, căng thẳng sẽ càng làm nặng thêm tình trạng hạ bạch cầu. Một giấc ngủ ngon lành, chất lượng sẽ giúp cho tủy xương của bạn có thêm thời gian để hồi phục!

– Tuân thủ chỉ định của bác sỹ: xét nghiệm máu trước, trong và sau các đợt điều trị hóa chất, sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc kích thích sản xuất bạch cầu.

Cần liên lạc với bác sỹ điều trị ngay khi:

– Sốt cao trên 38 độ C

– Xuất hiện cảm giác ớn lạnh hoặc rét run

– Xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng

Lưu ý thêm: Khi xét nghiệm máu cho thấy bị giảm bạch cầu, bác sỹ có thể sẽ chỉ định sử dụng thuốc kích thích tủy xương tạo bạch cầu (tiêm dưới da) dự phòng để giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng sau đợt truyền hóa chất tiếp theo. Thuốc có thể gây đau nhức tại vị trí một số xương lớn như cột sống, xương chậu. Không nên quá lo lắng, báo với bác sỹ có thể chỉ định thuốc giảm đau để giảm triệu chứng.

Cần hiểu rằng hạ bạch cầu chỉ là một trong những tác dụng không mong muốn thường gặp của điều trị hóa chất, theo dõi sát xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện tốt những hướng dẫn ở trên thì việc điều trị hóa chất sẽ thuận lợi và mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.                                                                        

                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

BS. Doãn Thị Thu Giang

Khoa Ung thư Tổng hợp – Viện Ung thư – Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ