Giải pháp giảm căng thẳng trước phẫu thuật

  10:54 AM 26/05/2023
Căng thẳng, lo lắng và sợ hãi (stress) trong những ngày trước khi phẫu thuật là trạng thái hoàn toàn bình thường, tuy nhiên mức độ và giới hạn chịu đựng của mỗi cá thể là hoàn toàn khác nhau. Một phản ứng tâm lý vượt quá sức chịu đựng của cơ thể sẽ gây những tác động tiêu cực đến quá trình điều trị và phục hồi của người bệnh. Mặc dù trong mổ người bệnh được gây mê, an thần, giảm đau, hỗ trợ các chức năng cơ quan để vượt cuộc phẫu thuật an toàn nhưng vẫn rất khó để bản thân xua tan cảm giác lo lắng, căng thẳng trước phẫu thuật.

 

Trong y học thuật ngữ Tomophobia có nghĩa là “sợ phẫu thuật”, Nosocomephobia: “ Sợ bệnh viện”,  Pharmacophobia: “Sợ thuốc”… Nỗi sợ hãi, lo lắng về phẫu thuật thường về những vấn đề: Tai biến trong mổ và gây mê, tỉnh giấc trong mổ, sai sót trong phẫu thuật, đau sau phẫu thuật, không thể thức dậy sau mổ, mất khả năng lao động, kết quả phẫu thuật không như mong đợi, nhiễm trùng, chậm hồi phục, sẹo xấu sau phẫu thuật, gánh nặng tài chính …

Trạng thái căng thẳng thường gây ra hàng loạt biến đổi trạng thái sinh lý. Vùng hạ đồi chịu trách nhiệm chi phối về tâm trạng của cơ thể sẽ nhận được tín hiệu là cơ thể đang Stress sẽ tác động lên tuyến yên, kích thích tuyến yên phát tín hiệu theo con đường thần kinh và thể dịch tác động đến tuyến thượng thận, kích thích tuyến thượng thận tiết Epinephrine, Norepinephrine, Cortisol là những chất trung gian hóa học gây kích hoạt hệ thống thần kinh thực vật và các phản ứng viêm tác động đến tất cả các cơ quan trong cơ thể gây ra các biểu hiện:

 Mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau ngực khó thở, tăng đường huyết, đau dạ dày, tăng tiết mồ hôi, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và nôn .v.v.

Biểu hiện tinh thần: Sa sút trí nhớ, buồn bã, lú lẫn, hay cáu gắt. Biểu hiện hành vi và cảm xúc: dễ xúc động, chán ăn, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn và rối loạn giấc ngủ. Nếu không được kiểm soát, những nỗi sợ hãi phẫu thuật này có thể trở thành cơn hoảng loạn toàn diện.

Tất cả phản ứng quá mức trên đều tác động tiêu cực tới người bệnh, tăng tỷ lệ tai biến, biến chứng, giảm hiệu quả và kéo dài quá trình điều trị, gia tăng chi phí y tế và hệ luỵ xã hội.

Vậy làm thế nào để giảm bớt tình trạng căng thẳng, lo lắng là vấn đề đang được quan tâm. Thực tế có nhiều giải pháp giúp người bệnh giảm bớt lo lắng, vượt quá tình trạng cẳng thẳng một cách dễ dàng. Sau đây là hai nhóm giải pháp chính.

Nhóm giải pháp cải thiện stress từ phía người bệnh

Tự tìm hiểu về cuộc phẫu thuật: Biết rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân và cuộc phẫu thuật sắp thực hiện, thì bạn sẽ cảm thấy yên tâm tốt hơn. Nên quan tâm đến thông tin về tỷ lệ thành công và lý do tại sao mình cần phẫu thuật.

Nên tìm hiểu, biết rõ về phương pháp phẫu thuật sắp thực hiện bằng cách trao đổi với bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê về phương pháp phẫu thuật và gây mê, giảm đau trong và sau mổ. Trước phẫu thuật các bác sỹ sẽ thăm khám,  trên cơ sở đó sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật cũng như gây mê phù hợp cho cuộc mổ đồng thời sẽ trao đổi và giải thích để người bệnh hiểu và phối hợp thực hiện.  Khi đã nắm rõ được quá trình cũng như cách thực hiện, bạn sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn, yên tâm hơn vì mình đã nắm rõ từng bước một và kiểm soát được tình hình.

Người bệnh nên thẳng thắn bày tỏ nỗi lo, những khúc mắc của mình với bác sĩ. Từ đó, bác sĩ mới có thể hiểu vấn đề bạn đang gặp phải và đưa ra lời khuyên, sự giải thích hợp lý. Không nên giữ sự sợ hãi và những lo lắng trong lòng vì như vậy sẽ chỉ khiến bạn lo sợ hơn và không giải quyết được vấn đề.

Trong lúc chờ đến ngày phẫu thuật, nhiều thời gian rảnh rỗi sẽ là thời điểm người bệnh dễ tưởng tượng ra những việc sẽ xảy ra trong và sau quá trình phẫu thuật. Đôi khi càng tưởng tượng ra sẽ khiến bản thân càng lo lắng, căng thẳng như các biến chứng, rủi ro, bạn sẽ ra sao sau khi gây mê, phẫu thuật?

Trong trường hợp này, nên có chế độ dinh dưỡng, ngủ, nghỉ phù hợp, thư giãn, nghe những bản nhạc mình yêu thích, xem phim hoặc chương trình tivi, đọc một quyển sách thú vị hoặc làm bất kỳ việc gì khiến bạn quên đi những suy nghĩ về ca mổ.

Giữ cho tinh thần thật sự thoải mái và thả lỏng cơ thể một cách tự nhiên nhất cho đến khi cuộc phẫu thuật bắt đầu. Những bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, tập thở của bộ môn Yoga, mát xa, châm cứu, bấm huyệt, hoặc dùng thảo dược có tác dụng thư giãn, làm chậm nhịp thở và giải tỏa căng thẳng rất tốt.

Thiền: Cách thiền rất đơn giản là tập trung vào hơi thở và suy nghĩ,  suy nghĩ của mình đến và đi theo cách riêng của chúng, và quan trọng nhất là bạn không phải là suy nghĩ của mình.          

Để giảm bớt nỗi lo về chi phí khi điều trị, người bệnh nên tham gia bảo hiểm y tế hoặc gói bảo hiểm sức khoẻ phù hợp với điều kiện của mình. Thường xuyên quan tâm, lắng nghe cơ thể để kịp thời khám, xét nghiệm phát hiện sớm các bệnh lý phát sinh, qua đó bệnh được can thiệp ở giai đoạn sớm sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều.

Nếu sau tất cả mà bạn vẫn cảm thấy quá lo lắng hãy trao đổi với bác sĩ của bạn, một liều thuốc an thần hoặc một liệu pháp tâm lý chuyên sâu được bổ sung sẽ giúp bạn bạn có giấc ngủ sâu và sáng hôm sau bạn sẽ bình tĩnh hơn khi vào phòng mổ.

Giải pháp cải thiện stress từ phía nhân viên và hệ thống y tế.

Cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để người bệnh hiểu về quá trình điều trị, chi phí cần thiết cho cuộc phẫu thuật. Sẵn sàng hỗ trợ người bệnh tại chỗ cũng như từ xa để giải quyết những vấn đề lo lắng của người bệnh. Chuẩn hoá quy trình kỹ thuật gây mê hồi sức và phẫu thuật, thủ thuật. Sẵn sàng về mặt nhân sự, các thuốc, phương tiện, máy móc hỗ trợ điều trị cơ bản cũng như khi có tình huống rủi ro.

Xây dựng được một không gian điều trị đảm bảo đủ ánh sáng, thoáng khí, vệ sinh và yên tĩnh. Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ trong chăm sóc y tế cho người bệnh. Hỗ trợ những người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt.

Xây dựng một kế hoạch hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, tập luyện cho từng người bệnh. Sử dụng các thuốc điều trị và dự phòng phản ứng có hại của stress như thuốc bảo vệ niêm mạc và giảm tiết dịch dạ dày, thuốc dự phòng huyết khối, thuốc an thần kinh, giảm đau, chống viêm.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp cận, hỗ trợ giải đáp những vấn đề người bệnh quan tâm.

Qua những thông tin trên, hy vọng các bạn đã hiểu hơn về trạng thái căng thẳng trước gây mê và phẫu thuật cũng như những tác hại mà nó gây ra cho sức khỏe và đặc biệt là có thể lựa chọn những cách giảm stress hiệu quả, phù hợp với các bạn trước một can thiệp ngoại khoa.

 

Bs Nguyễn Văn Kiên, PGS.TS Nguyễn Minh Lý

Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ