Chăm sóc người bệnh thoát mạch hóa chất

  08:48 AM 01/10/2024

Thoát mạch hóa chất xảy ra khi các thuốc hóa trị đi ra ngoài mạch máu, xâm nhập vào tổ chức dưới da, lan vào các mô xung quanh, từ đó có thể gây kích ứng, cũng có thể gây hoại tử tổ chức dưới da.

Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng tổn thương mô có thể được hạn chế nếu phát hiện sớm tình trạng thoát mạch và điều trị nhanh chóng.

 

Yếu tố nguy cơ:

Tuổi tác: Bệnh nhân nhỏ tuổi hoặc người già thường có tĩnh mạch nhỏ, di động, dễ vỡ, do đó không chịu được áp lực truyền dịch lớn hoặc tần suất truyền dịch dày đặc.

Bệnh nhân ung thư có thể gặp thêm nguy cơ do bị tác dụng phụ lâu dài bởi điều trị nhiều chu kỳ. VD: nhiều lần xét nghiệm máu hoặc tiêm truyền tĩnh mạch hóa trị nhiều có thể gây chai cứng hoặc xơ cứng tĩnh mạch, các vị trí thoát mạch trước đó.

Bệnh nhân tinh thần không ổn định hoặc có nhiều bệnh lý đi kèm có thể dẫn đến suy giảm cảm giác hoặc tuần hoàn kém (béo phì, tiểu đường, suy thận, tăng huyết áp), sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc (giảm đau, chống đông, chống tiêu sợi huyết, lợi tiểu).

Các yếu tố liên quan đến nồng độ, đặc tính của hóa chất điều trị: pH, độ thẩm thấu, đặc tính của chất pha loãng, khả năng gây giãn mạch máu.

Nguyên nhân thường gặp:

Sử dụng nhiều lần cùng một tĩnh mạch để đặt kim truyền làm cho tĩnh mạch đó bị tổn thương thành mạch nhiều và liên tục, trở nên yếu và dễ vỡ gây thoát mạch.

Tĩnh mạch nhỏ hoặc yếu không chịu được áp lực truyền dịch lớn hoặc tần suất truyền dịch dày đặc.

Kim truyền bị lệch khỏi tĩnh mạch có thể do không được đặt đúng cách, không được cố định chắc chắn, hoặc bị dịch chuyển trong quá trình truyền dịch,…

Thuốc có độ pH nhỏ hơn 5 hoặc lớn hơn 9, thuốc làm tĩnh mạch co lại hoặc co thắt.

Sự khác biệt về áp suất thẩm thấu.

Tắc nghẽn trong lòng tĩnh mạch, thường là cục máu đông, ngăn cản sự lưu thông của đường truyền hóa chất.

Cử động của người bệnh quá nhiều hay quá mạnh có thể làm đầu kim truyền bị dịch chuyển trong quá trình truyền dịch.

Áp lực truyền dịch quá cao làm tĩnh mạch có thể bị vỡ hoặc tràn dịch ra ngoài.

Hậu quả của thoát mạch hóa chất:

Đa phần các trường hợp thoát mạch hóa chất thường nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, một số ít trường hợp xảy ra biến chứng nghiêm trọng: mất toàn bộ da và hoại tử cơ, gân cần phẫu thuật tái tạo hoặc thậm chí cắt cụt chi.

Từ đó làm cho thời gian nằm viện lâu hơn, đau đớn dữ dội kéo dài quanh vùng hoại tử lan rộng, khiếm khuyết về thể chất làm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm, tỷ lệ mắc các bệnh thứ phát tăng kéo theo chi phí điều trị tăng.

Gián đoạn quá trình kiểm soát bệnh tật: việc điều trị chống ung thư có thể bị trì hoãn gây lãng phí thời gian và các vấn đề khác có thể xảy ra do điều trị chậm trễ.

Gián đoạn các hoạt động thường ngày như ở nhà, nơi làm việc, trường học,… cho tới khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Ảnh hưởng không tốt tới tâm lý người bệnh có thể gây gia tăng cảm giác lo lắng, khó khăn cho việc giao tiếp giữa bệnh nhân với đội ngũ y tế.

Triệu chứng:

Triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện ngay sau thoát mạch, sau vài ngày hoặc sau vài tuần hóa trị.

1: Triệu chứng sớm:

- Đau hoặc rát

- Sưng, đỏ

- Tê, nóng

- Châm chích hoặc ngứa

- Cảm giác căng tức

2: Triệu chứng muộn:

- Thay đổi màu da

- Xuất hiện bọng nước hoặc phồng rộp

- Loét hoặc hoại tử

- Giảm hoặc mất cảm giác

- Tăng đau và viêm

- Giảm lưu thông máu

3: Triệu chứng toàn thân:

- Sốt hoặc ớn lạnh

- Nôn mửa hoặc buồn nôn

- Chóng mặt hoặc hoa mắt

Phòng ngừa thoát mạch hóa chất:

Quan sát tốc độ truyền hoá chất do nhân viên y tế thiết lập, không tự thay đổi tốc độ truyền hoá chất. 

Không/hạn chế cử động vùng chi được đặt đường truyền. 

Hạn chế đi lại vận động trong quá trình truyền hoá chất, truyền hoá chất ở tư thế nằm hoặc ngồi.  

Báo cho nhân viên y tế khi có sự thay đổi tốc độ truyền: không chảy dịch, giảm hoặc tăng tốc độ dịch truyền.  

Báo cho nhân viên y tế khi có các triệu chứng xảy ra tại vị trí truyền hoá chất: đau hoặc thay đổi cảm giác tại vùng truyền, sưng, đỏ, rò rỉ dịch… 

Nhân viên y tế cân nhắc lựa chọn đặt buồng truyền dưới da phù hợp với điều kiện và tình trạng bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo:

[1] TS.BS Phạm Thị Việt Hương. Thoát mạch do hóa chất điều trị ung thư.

[2] BS. Doãn Thị Thu Giang, BSNT.BSCK1. Phạm Đình Phúc (2023) Nhận biết, xử trí, chăm sóc và theo dõi khi xảy ra thoát mạch hoá chất ở bệnh nhân ung thư được hoá trị.

[3] Fidalgo J. A., Cervantes A., et al (2012). Management of chemotherapy extravasation: ESMO– EONS Clinical Practice Guidelines. Annals of Oncology.

[4] Jan B., Katherine A. C., et al (2023). Extravasation injury from chemotherapy and other non-antineoplastic vesicants. Uptodate.

Người thực hiện: ĐD. Mai Hằng Nga, Khoa Huyết học lâm sàng (A18)

 

 

Chia sẻ