Nguyên nhân và cách lây truyền bệnh
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi (measles virus) gây ra, đây là loại virus rất dễ lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở. Những giọt dịch nhỏ li ti chứa virus từ người bệnh có thể lơ lửng trong không khí hoặc bám trên các bề mặt và khi người khác hít phải hoặc tiếp xúc với các bề mặt này, họ có thể bị nhiễm bệnh.
Virus sởi có thể tồn tại trong không khí đến vài giờ sau khi người bệnh đã rời đi, khiến cho việc lây nhiễm trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt trong môi trường đông đúc như trường học, bệnh viện và các khu vực công cộng khác. Sởi là một trong những bệnh có khả năng lây nhiễm mạnh nhất, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu một người mắc sởi, khoảng 90% những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh mà chưa được tiêm phòng sẽ bị lây nhiễm.
Vắc xin - biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất
Dịch sởi thường có xu hướng bùng phát mỗi vài năm, đặc biệt là khi tỷ lệ tiêm phòng trong cộng đồng giảm xuống. Tiêm vắc xin MMR (phòng ngừa sởi, quan bị, rubella) là cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi. Vắc xin không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh mà còn làm giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ cần tiêm mũi sởi đơn MVVac lúc 9 tháng tuổi và tiêm mũi MR (sởi, rubella) lúc 18 tháng tuổi. Ngoài ra, trẻ có thể lựa chọn tiêm chủng dịch vụ tại các trung tâm uy tín: 9 tháng tuổi tiêm sởi đơn MVVac, 12 tháng tuổi tiêm MMR và nhắc lại mũi MMR sau 3 năm hoặc khi trẻ được 4-6 tuổi.
Hình ảnh ban sởi
Những lưu ý quan trọng cho mùa dịch
Trong mùa dịch sởi, việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh là ưu tiên hàng đầu của các bậc phụ huynh. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa chủ động cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày mà bố mẹ cần ghi nhớ.
- Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường: Bệnh sởi lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch tiết từ mũi và miệng của người bệnh. Do đó, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân là điều cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan:
Rửa tay thường xuyên: Dạy trẻ rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi ho/hắt hơi. Việc rửa tay thường xuyên giúp loại bỏ vi khuẩn và virus, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Sử dụng khẩu trang: Trong mùa dịch, đặc biệt khi dịch bệnh đang bùng phát, khuyến khích trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến trường hoặc khi tiếp xúc với nhiều người. Điều này giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với virus qua không khí.
Khử trùng bề mặt: Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, đồ chơi, bàn học và điện thoại di động bằng các dung dịch sát khuẩn. Virus có thể tồn tại trên bề mặt trong vài giờ, vì vậy việc khử trùng giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm gián tiếp.
- Tránh tụ tập đông người: Trong mùa dịch, hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể đông người là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh sởi. Những nơi đông đúc như trung tâm thương mại, trường học, công viên hay khu vui chơi công cộng là những nơi có khả năng lây lan cao. Đặc biệt khi trong khu vực đang có nhiều ca mắc sởi, bố mẹ nên xem xét các biện pháp hạn chế tiếp xúc cho trẻ.
- Theo dõi sức khoẻ hàng ngày: Một trong những lưu ý quan trọng nhất là theo dõi tình trạng sức khoẻ của trẻ mỗi ngày. Các dấu hiệu ban đầu của sởi thường bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhưng nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng cần chú ý: Bố mẹ cần lưu ý các triệu chứng như sốt cao, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ và đặc biệt là các nốt phát ban đỏ lan rộng từ mặt xuống toàn thân. Nếu trẻ có các triệu chứng này, hãy các ly trẻ khỏi những người xung quanh và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Liên hệ y tế kịp thời: Nếu trẻ có triệu chứng nghi ngờ nhiễm sởi, không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, điều này giúp ngăn ngừa biến chứng và lây lan cho cộng đồng.
- Chăm sóc dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch: Trong mùa dịch, việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức đề kháng là điều vô cùng quan trọng. Hệ miễn dịch mạnh sẽ giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật và nhanh chóng hồi phục nếu không may bị nhiễm sởi.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Đảm bảo trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, D và kẽm như cam, bưởi, rau xanh, cá, trứng để tăng cường hệ miễn dịch. Nước ép trái cây và các loại sinh tố tự nhiên cũng là nguồn cung cấp vitamin tuyệt vời cho trẻ.
Ngủ đủ giấc và vận động: Ngoài chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ đầy đủ và việc vận động hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của trẻ. Hãy khuyến khích trẻ ngủ đủ từ 8-10 tiếng mỗi ngày và dành thời gian vận động nhẹ nhàng tại nhà để duy trì sự linh hoạt của cơ thể.
- Tiêm phòng đúng lịch: Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc tiêm phòng vắc xin là cách bảo vệ hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh sởi. Hãy kiểm tra lịch trình tiêm chủng của con, nếu trẻ chưa được tiêm phòng hãy đưa trẻ đi tiêm theo lịch trình khuyến nghị của bác sĩ.
Tiêm nhắc lại: Đảm bảo trẻ đã được tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin MMR. Nếu trẻ đã tiêm liều đầu tiên mà chưa đến tuổi tiêm liều thứ hai, hãy lưu ý theo dõi lịch tiêm nhắc lại để đảm bảo trẻ được bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh.
Tiêm phòng cho các thành viên khác trong gia đình: Đối với những người chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng mắc sởi, việc tiêm vắc xin cũng rất quan trọng để tạo thành 'hàng rào miễn dịch' bảo vệ cả gia đình.
Bằng cách thực hiện những biện pháp phòng ngừa đúng đắn, bố mẹ có thể yên tâm con bạn sẽ được bảo vệ tốt nhất trong mùa dịch.
BS. Lê Trương Tuyết Minh
Khoa Nhi