Vai trò của phục hồi chức năng trong điều trị người bệnh sau đột quỵ não

  04:52 PM 08/04/2019

Phỏng vấn Đại tá PGS. TS Nguyễn Trọng Lưu

Chủ nhiệm Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện TWQĐ 108;

Phó Chủ tịch Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam.

35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

Chuyên viên kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng Quân y.

Ảnh: Đại tá PGS. TS Nguyễn Trọng Lưu tại phòng làm việc

Phóng viên: Thưa PGS. TS Nguyễn Trọng Lưu, hiện nay có những dạng bài tập nào thường được chỉ định để phục hồi chức năng cho các bệnh nhân sau đột quỵ não?

PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu: Có rất nhiều dạng bài tập cho người bệnh sau đột quỵ não và điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh giá tình trạng tổn thương cụ thể của từng người bệnh. Trước hết, chúng ta cần phải xác định đột quỵ não là một dạng bệnh lý gây tổn thương nặng và phức tạp. Có sự kết hợp của rất nhiều dạng khuyết tật ở trong cùng một người bệnh đột quỵ não như: các rối loạn về tri giác, nhận thức, các khiếm khuyết về vận động, các rối loạn giác quan cũng như kèm theo rất nhiều các thương tật thứ phát như teo cơ, cứng khớp, loét do đè ép, huyết khối tĩnh mạch, bội nhiễm phổi, nhiễm trùng tiết niệu… Trong đó, nổi lên hàng đầu chính là vấn đề liệt nửa người… Đây là dạng biểu hiện tổn thương phổ biến của người bệnh sau đột quỵ với tỷ lệ bị yếu, bại nửa người tới hơn 80%, mà trong đó hơn 1/3 người bệnh bị tàn tật nặng và khoảng 1/3 sẽ không thể tự đi lại được. Chính vì vậy, việc xác định bài tập như thế nào sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đánh giá tình trạng khuyết tật của người bệnh tại thời điểm đó, ví dụ như các bài tập theo tầm vận động, tập thay đổi vị thế, tập kiểm soát thăng bằng, tập di chuyển... Ngoài ra, các bài tập ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu cũng rất cần thiết ở giai đoạn người bệnh đã có những tiến triển hồi phục tốt nhằm giúp cho họ có khả năng giao tiếp được với mọi người và có thể tự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như trong hoạt động nghề nghiệp về sau của họ.

Phóng viên: Vậy, có những giai đoạn phục hồi chức năng nào sau đột quỵ não?

PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu: Phục hồi chức năng sau đột quỵ não được chia thành nhiều giai đoạn. Theo cách phân chia mới nhất của Tổ chức y tế thế giới (WHO) như sau:

Phóng viên: Trong quá trình Phục hồi chức năng, bệnh nhân cần lưu ý những điều gì?

PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu:  Người bệnh cần lưu ý một số biến chứng sớm có thể xảy ra như: bội nhiễm phổi, viêm phổi do nằm lâu hay do hít sặc phải thức ăn, nước uống vào trong đường khí quản, phế quản với các biểu hiện như: sốt cao, ho, khó thở, không khạc được đờm… (bệnh nhân đột quỵ não bị rối loạn nuốt với tỷ lệ khá cao, tới 40 – 60% dẫn tới nguy cơ hít sặc và nhiễm khuẩn đường hô hấp). Viêm phổi là một biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong cho người bệnh đột quỵ não, vì vậy cần được theo dõi, đánh giá và xử trí kịp thời để tránh gây ra hậu quả nặng nề.

Ngoài ra, tình trạng giảm vận động do liệt, bệnh nhân nằm lâu dễ dẫn tới nhiều nguy cơ và biến chứng nguy hiểm khác như:

Teo cơ, cứng khớp.

Huyết khối, tắc mạch do không lưu thông máu, có thể gây nên những tai biến khác.

Viêm, loét các điểm tỳ do không được lăn trở thường xuyên, gây đau và làm cho người bệnh sợ cử động càng làm cho tình trạng liệt và toàn thân bị kém đi.

Rối loạn điều tiết thực vật, gây phù nề, huyết áp dao động có nguy cơ tái phát đột quỵ.

Suy dinh dưỡng do ăn kém, khó nuốt vì vậy người bệnh cần lựa chọn thực đơn với cách chế biến dạng thức ăn phù hợp. Một số chất tạo đặc có thể giúp làm cho độ quánh của thức ăn phù hợp với khả năng nuốt của từng người bệnh để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh.

Mất kiểm soát thăng bằng nên dễ bị ngã, gây chấn thương nặng như chấn thương sọ não, gãy xương đùi…

Một vấn đề cũng cần được lưu ý đối với người bệnh sau đột quỵ, đó là tình trạng rối loạn tâm lý và cảm xúc. Người bệnh hoặc trở nên trầm cảm, chán nản không muốn tham gia tập luyện, hoặc dễ bị kích thích, cáu giận. Lúc này rất cần sự chăm sóc tỷ mỉ, cẩn thận của người nhà và gia đình hoặc có thể cần tới sự tư vấn của chuyên gia tâm lý. Một vấn đề “tế nhị” nữa cũng có thể gặp ở những bệnh nhân nam giới, đó là vấn đề rối loạn tình dục, có thể làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của họ…

Ảnh: Kỹ thuật viên của Khoa Phục Hồi Chức Năng chụp ảnh lưu niệm cùng bệnh nhân

Ảnh:  Một số bài tập vận động cần có sự can thiệp, hỗ trợ của các kỹ thuật viên

 

Phóng viên: Bác sỹ có thể giới thiệu và chia sẻ một số thông tin về Khoa phục hồi chức năng – Bệnh TWQĐ 108 để đông đảo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nắm bắt được.

PGS. TS Nguyễn Trọng Lưu: Khoa Phục Hồi Chức Năng – Bệnh viện TWQĐ 108 được thành lập ngày 01/7/1956 đến nay đã được 63 năm. Là một trong những đơn vị phục hồi chức năng đầu tiên tại Việt Nam. Ban đầu khoa được thành lập nhằm tham gia điều trị và phục hồi chức năng cho các thương bệnh binh của quân đội. Bệnh nhân là các thương binh sau chiến tranh, các chiến sĩ gặp phải chấn thương trong quá trình huấn luyện quân sự, lao động sản xuất hằng ngày. Nhiều kỹ thuật vật lý trị liệu hiện đại đã được ứng dụng ngay từ những ngày đầu cho đến hôm nay như điều trị bằng dòng điện, điều trị bằng ánh sáng, điều trị bằng nhiệt, điều trị bằng nước, điều trị bằng tập luyện, vận động… đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chăm sóc và điều trị toàn diện cho người bệnh của bệnh viện.

Một số mặt bệnh điển hình được thu dung và điều trị có hiệu quả tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện TWQĐ 108 đó là: di chứng bại, liệt do đột quỵ não, bại não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống; di chứng vận động khớp sau chấn thương, sau phẫu thuật chỉnh hình, tạo hình; viêm xương khớp, thoái hóa khớp, viêm nhiễm trùng mô mềm…

Hiện nay, Khoa được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ là đơn vị đầu ngành Phục hồi chức năng của Quân đội. Là cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành Phục hồi chức năng. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu vẫn đang được tiếp tục đầu tư, xây dựng và phát triển để bắt kịp xu hướng chung, đó là vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu với rất nhiều máy móc, trang thiết bị điều trị và tập luyện tiên tiến, hiện đại hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.

Phóng viên: Với các điểm đặc thù như vậy, đội ngũ nhân viên của khoa đòi hỏi cần phải có những đặc điểm gì khác biệt?

PGS. TS Nguyễn Trọng Lưu: Hiện nay, đội ngũ Khoa Phục Hồi Chức năng gồm có 32 cán bộ nhân viên, trong đó có 5 bác sỹ và 27 kỹ thuật viên chuyên khoa. Hàng ngày, chúng tôi thu dung và điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân nội và ngoại trú; đáp ứng nhiều loại mặt bệnh khác nhau, rất phong phú, đa dạng như các bệnh nhân tổn thương thần kinh trung ương và ngoại biên, bệnh nhân chấn thương khớp, bệnh nhân sau phẫu thuật bụng, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật chỉnh hình và tạo hình… từ các chuyên khoa khác gửi tới. Công việc chăm sóc, điều trị và tập luyện phục hồi chức năng cho người bệnh đòi hỏi người cán bộ nhân viên chúng tôi phải hết sức nhanh chóng, chính xác, khoa học, kiên trì, tỷ mỉ và đầy tình yêu thương. Kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng cũng liên tục đổi mới và phát triển. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ. Bên cạnh việc đào tạo tại chỗ, còn thường xuyên cử các cán bộ trẻ đi đào tạo tại các học viện, nhà trường và các cơ sở phục hồi chức năng lớn trong và ngoài nước để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là với một số chuyên ngành mới chẳng hạn như hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu hiện nay còn chưa có mã đào tạo nên chúng tôi phải tự chủ động tìm kiếm các cơ sở có nhiều kinh nghiệm đến học tập để nâng cao trình độ, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chuyên môn của mình.

Góc chia sẻ cảm nhận của bệnh nhân tại Khoa Phục Hồi Chức Năng (C6)

Bệnh nhân Hồ Quang Vinh  - Nguyên cán bộ Bộ Khoa Học Công Nghệ: “ Tôi đã điều trị 10 ngày ở Khoa Phục Hồi Chức năng sau đột quỵ não bị liệt nửa người tai trái, chân trái. Tôi thấy khoa Phục Hồi Chức Năng ở đây có nhiều dụng cụ phù hợp với nhiều bệnh nhân, nhiều cường độ luyện tập khác nhau từ nhẹ đến nặng. Bài tập nào tôi cũng thích. Các cán bộ rất nhiệt tình hướng dẫn cho các bệnh nhân tận tình và nhất là các thái độ niềm nở. Mỗi ngày tôi phục hồi ngày một tốt hơn. Tôi rất mong có nhiều hơn các cán bộ của Khoa Phục hồi Chức năng để hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân hơn.”

Bệnh nhân Đỗ Trường Sinh Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội: “Tôi bị viêm dính bao khớp vai rất nặng, tôi phải điều trị trong thời gian dài. Khi điều trị tại Khoa Phục hồi Chức năng của bệnh viện 108, tôi thấy phục hồi chức năng rất tốt. Trang thiết bị hỗ trợ và tinh thần phục vụ của y bác sỹ rất tốt. Đây là một địa chỉ phục vụ quân đội là chính nhưng ngoài năng lực đó thì sẽ phục vụ bảo hiểm y tế và chữa bệnh cho nhân dân. Các bệnh nhân yên tâm khi đến với bệnh viện hàng đầu của quân đội”

-------

KHOA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Địa chỉ: Tầng 3, Cụm công trình Trung tâm, Số 1 Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Số điện thoại: 0246.278.4176

Thực hiện bài viết: Hoài Quyên

Ảnh: Hoài Quyên – Ngọc Su

Chia sẻ