Tư vấn, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân hạ bạch cầu trong hóa trị

  08:42 AM 15/10/2024
Như chúng ta được biết điều trị ung thư là đa mô thức như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, … Điều trị hóa chất nó giống như “con dao 2 lưỡi” vậy, giúp cho bệnh nhân đẩy lùi được các tế bào ung thư thì nó cũng gây nhiều tác dụng phụ kèm theo và một trong những tác dụng mà nguy hiểm nhất đó là hạ bạch cầu trong điều trị hóa chất .

Vì sao thuốc hóa chất gây suy giảm tế bào bạch cầu?

Thuốc hóa chất, bên cạnh tác dụng có lợi là giúp tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể, nó cũng gây hại là tiêu diệt cả tế bào khỏe mạnh bình thường. Những tế bào phát triển càng nhanh như tế bào niêm mạc miệng, ruột, các tế bào máu (bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu) tại tủy xương càng nhạy cảm với hóa chất.

Khi truyền hóa chất vào cơ thể, các tế bào tủy xương bị tổn thương, và chết đi. Từ đó làm giảm khả năng tạo các tế bào máu, nên các tế bào bạch cầu sản sinh từ tủy xương ngày càng giảm.Vì sao hạ bạch cầu lại nguy hiểm như vậy?

Các tế bào bạch cầu tham gia vào hệ miễn dịch, tạo nên sức đề kháng cho cơ thể, chống lại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng. Bạch cầu như những “chiến binh” luôn vi hành trong máu hoặc chốt chặn tại những cửa ngõ thông thương giữa cơ thể và môi trường bên ngoài như hầu họng, đường hô hấp và đường tiêu hóa. Giảm số lượng các “chiến binh” bạch cầu trong máu sẽ làm sức đề kháng trở nên yếu ớt, cơ thể sẽ không đủ sức chống đỡ khi có vi khuẩn, vi rút hay ký sinh trùng (nấm) xâm nhập, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, nặng hơn nữa có thể nhiễm khuẩn huyết ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Tình trạng hạ bạch cầu ở người bệnh ung thư thường xảy ra vào khoảng 7-12 ngày sau khi tiến hành hóa trị liệu. Tuy nhiên thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào yếu tố hóa trị mà người bệnh ung thư tiếp nhận. Thông thường, hạ bạch cầu được chia thành 4 độ:

- Độ 1: Số lượng tuyệt đối bạch cầu trung tính từ 1,5 - 2 G/L

- Độ 2: Bạch cầu trung tính từ 1 - 1,5 G/L

- Độ 3: Bạch cầu trung tính giảm từ 0,5 - 1 G/L

- Độ 4: Bạch cầu trung tính nhỏ hơn 0,5 G/L.

Tuy nhiên, khi giảm bạch cầu, bạn có thể  KHÔNG có bất kỳ biểu hiện gì cho đến khi tình trạng nhiễm trùng xuất hiện, như:

- Viêm, sưng tấy, nóng đỏ, hình thành dịch mủ tại các vết thương, xây xát da, vết mổ.

- Ho khạc đờm, khó thở, tức ngực.

- Xuất tiết dịch ở mũi do viêm xoang hay nhiễm trùng hô hấp.

- Cảm giác buốt bỏng rát khi tiểu, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục khi có nhiễm trùng tại đường tiết niệu.

- Rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy, khi vi trùng xâm nhập đường tiêu hóa.

- Đau đầu, đau cổ gáy, nôn nhiều có thể là dấu hiệu báo động của nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

Bạn cần liên lạc với bác sỹ điều trị ngay khi:

- Sốt cao trên 38°C.

- Xuất hiện cảm giác ớn lạnh hoặc rét run.

- Xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng.

Những điều cần làm:

- Giữ vệ sinh cơ thể, hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh nhiễm trùng (viêm phổi, lao, cảm cúm...). Hạn chế đến những nơi đông người, nếu nhất định phải đến thì cần đeo khẩu trang.

- Sử dụng bàn chải mềm để đánh răng để tránh loét miệng, loét lợi.

- Thực hiện tiêm phòng cúm trước mỗi mùa dịch.

- Không thực hiện các thủ thuật, can thiệp (răng, thẩm mỹ) trong thời gian bị giảm bạch cầu.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt giúp tủy xương nhanh chóng hồi phục cũng như tăng cường sức đề kháng cho cơ thể : Ăn đồ ăn đã nấu chín và ngay sau khi nấu giàu vitamin C, E, A, omega-3, kẽm ( như các loài hải sản: cua, ghẹ, nghêu, sò, ngao, ốc, hến, các loại đậu, các loại thịt (bò, gà…) không ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như rau sống, lòng, tiết canh.

- Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, những lo lắng, căng thẳng sẽ càng làm nặng thêm tình trạng hạ bạch cầu. Một giấc ngủ ngon lành, chất lượng sẽ giúp cho tủy xương của bạn có thêm thời gian để hồi phục!

- Tuân thủ chỉ định của bác sỹ: xét nghiệm máu trước, trong và sau các đợt điều trị hóa chất, sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc kích thích sản xuất bạch cầu. Thuốc có thể gây đau nhức tại vị trí một số xương lớn như cột sống, xương chậu. Không nên quá lo lắng, hãy thông báo với bác sỹ của bạn, một viên thuốc giảm đau thông thường cũng có thể xoa dịu dấu hiệu này.

 Ung thư ăn gì tránh nhiễm trùng?

Bệnh nhân ung thư rất dễ bị nhiễm trùng. Do đó, họ cần có chế độ ăn uống đặc biệt để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.

- Không sử dụng các loại thực phẩm ôi thiu, hết hạn sử dụng, nấm mốc.

- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, không nên bảo quản quá lâu, nên dùng đồ ăn tươi sống.

- Thực phẩm sau khi bỏ ra khỏi tủ và rã đông cần được chế biến ngay.

- Đồ ăn sau khi chế biến chín cần được cất vào tủ ngay trong vòng 2 giờ và bảo quản tối đa là 24 giờ

- Nên ăn đồ ăn khi còn ấm.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi

- Nên lựa chọn các sản phẩm được đóng gói thành các gói nhỏ để dùng trong thời gian dài, tránh mốc.

- Không ăn rau sống, buffe, salad.

- Hạ bạch cầu chỉ là một trong những tác dụng không mong muốn thường gặp của điều trị hóa chất, theo dõi sát xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện tốt những hướng dẫn ở trên thì việc điều trị hóa chất sẽ thuận lợi và mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.

Chia sẻ