Bệnh nhân Nguyễn Thị Th. (31 tuổi), sâu răng R28 và R38 được thực hiện kỹ thuật nhổ răng R28, R38 tại phòng khám tư nhân. Khi thực hiện kỹ thuật, nha sĩ có sử dụng khoa – cưa thân răng. Ngay trong quá trình nhổ răng, bệnh nhân có cảm giác đau nhói dưới hàm trái lan dọc theo vùng cổ bên trái và vùng ngực hai bên xương ức. Tình trạng đau tiến triển tăng dần kèm theo khó thở nhẹ. Bệnh nhân được chụp X quang ngực kiểm tra phát hiện tràn khí dưới da vùng mặt, cổ, ngực và trung thất.
Hình ảnh X quang lồng ngực trước điều trị
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện TƯQĐ 108 cấp cứu, đã được chụp CT lồng ngực để xác định mức độ tràn khí. Đồng thời, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm soi phế quản, soi tai mũi họng và soi dạ dày – thực quản để loại trừ các tổn thương thực thể khác.
Hình ảnh CLVT lồng ngực
Bệnh nhân được điều trị bảo tồn kháng sinh, giảm nề, giảm đau. Sau 03 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định hoàn toàn về lâm sàng và cận lâm sàng: không khó thở, không đau ngực, không ho, X quang lồng ngực không còn biểu hiện tràn khí trung thất.
Hình ảnh X quang lồng ngực khi ra viện
Tràn khí dưới da và trung thất sau nhổ răng là tai biến hiếm gặp khi các nha sĩ sử dụng khoan, cưa khí nén tốc độ cao kết hợp bơm tiêm khí, nước để làm sạch khoang miệng. Theo các bác sĩ chuyên ngành lồng ngực, tràn khí dưới da và tràn khí trung thất là một bệnh lý có bệnh nguyên phức tạp. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu chẩn đoán muộn hoặc bỏ sót tổn thương, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề do viêm trung thất, áp xe trung thất, chèn ép mạch máu - tim – khí quản – phổi. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo khi có bất thường liên quan đến lồng ngực - trung thất - hô hấp, người bệnh nên được thăm khám tại các cơ sơ y tế có chuyên khoa ngoại lồng ngực để phát hiện và xử trí kịp thời các tổn thương, giúp hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu đến tính mạng và sức khỏe người bệnh.
Người viết bài
Bs Lê Hải Sơn