Bệnh nhân H. (29 tuổi), ung thư tuyến giáp thể nhú đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Gần đây phát hiện hạch di căn vùng cổ hai bên. Bệnh nhân được chỉ định vét hạch cổ nhóm 6 và hạch cổ bên hai bên.
Hình ảnh X quang lồng ngực trước mổ
Sau mổ ngày thứ 3, bệnh nhân xuất hiện đau ngực, khó thở, ho khi thay đổi tư thế. Bệnh nhân đã được các y bác sĩ Khoa ngoại lồng ngực kịp thời phát hiện dấu hiệu tràn dịch màng phổi và được chỉ định chụp X quang lồng ngực, siêu âm màng phổi chẩn đoán.
Hình ảnh X quang lồng ngực N3
Hình ảnh siêu âm màng phổi N3
Bệnh nhân được điều trị bảo tồn bằng dẫn lưu khoang màng phổi trái, chọc hút dịch khoang màng phổi phải và dùng thuốc giảm tiết Octreotide.
Sau điều trị 5 ngày, bệnh nhân được rút dẫn lưu khoang màng phổi, ổn định hoàn toàn về lâm sàng và cận lâm sàng: không khó thở, không đau ngực, không ho, X quang lồng ngực phổi nở tốt.
Hình ảnh X quang lồng ngực khi ra viện
Theo các bác sĩ chuyên ngành lồng ngực, tràn dịch dưỡng chấp màng phổi hai bên sau vét hạch cổ không phải là một biến chứng của phẫu thuật mà là một đáp ứng toàn thân vô cùng hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Cơ chế còn chưa rõ ràng, nhiều giả thuyết cho rằng tràn dưỡng chấp màng phổi là do sự tăng áp lực trong hệ bạch mạch gây xuất tiết dưỡng chấp khỏi lòng bạch mạch. Nếu không được theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời, đúng phác đồ, biến cố này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân do suy hô hấp và suy kiệt. Khoa ngoại lồng ngực – Bệnh viện trung ương quân đội 108 là một trung tâm phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp lớn và có uy tín. Hàng năm, có khoảng hơn 3000 bệnh nhân tuyến giáp được phẫu thuật tại khoa với tỷ lệ thành công cao (~98%). Ngoài ra, với lực lượng nhân viên là các y bác sĩ chuyên ngành sâu, việc theo dõi, chăm sóc, phát hiện và xử trí các bất thường sau mổ luôn đạt kết quả tốt, mang lại sự yên tâm, tin tưởng và hài lòng với bệnh nhân.
BS. Lê Hải Sơn,
Khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Bệnh viện TWQĐ 108